• 0933331087
  • nhadatgialai.company@gmail.com

Giá đất tăng do có nhiều người mua

 
Giá đất tăng do có nhiều người mua | ảnh 1
Thứ trưởng Nguyễn Trần Nam:"Giá nhà đất tăng lên 5-10% là điều không tránh khỏi. Như vậy vẫn coi là sự ổn định"
Thưa ông, các chính sách thắt chặt tiền tệ, tín dụng có “làm khó”  giao dịch bất động sản trong thời gian tới?

Hiện nay, nguồn tiền trong dân như vàng, USD còn rất nhiều. Người ta sẽ phải chi tiêu. Với tình hình lạm phát như thế này, giá vàng, USD biến động bất thường, chứng khoán càng bấp bênh hơn nên đầu tư vào bất động sản (BĐS) vẫn là an toàn nhất.

Ghi nhận thực tế mấy tuần gần đây, giá cả và giao dịch BĐS ở một số khu vực đều tăng. Đáng nói là dân ta thấy mua bán sôi động, giá lên thì càng lao vào mua. Càng nhiều người mua thì giá càng lên.

Liệu sự tăng đó có phải là cục bộ và ngắn hạn, bởi khi thắt chặt tín dụng, thì thị trường trung hạn và dài hạn phải đi xuống?

Trước hết, việc thắt chặt tín dụng hiện nay là ngắn hạn không phải trung và dài hạn. Thứ hai, giảm đồng tiền ra bằng việc tăng lãi suất. Lãi suất cao thì người ta không muốn vay nữa. Nhưng đó là con dao hai lưỡi. Tiền không ra, không đầu tư thì kinh tế phát triển sao được.
 
Vì thế, Chính phủ vẫn chỉ đạo một mặt kiềm chế lạm phát song cũng phải giảm dần lãi suất tín dụng. Lãi suất giảm xuống thì tín dụng lại tăng. Chính sách tiền tệ, tín dụng là linh hoạt. Các ngân hàng kinh doanh theo quyền lợi của cổ đông, làm sao ra mệnh lệnh hành chính được.

Cho nên “thắt” đến một giai đoạn nào đó thì lại phải “thả” ra. Chỉ có điều là “thả” từ từ, chứ đừng bung ra, gây sốc.

Dòng tiền từ trong dân liệu có bù đắp được số tiền bớt đi do thắt chặt tín dụng?

Nói gì cũng là định tính thôi. Dòng tiền từ ngân hàng rõ ràng sẽ giảm song nguồn tiền ở trong dân vẫn còn. Khi các địa chỉ đầu tư khác không an toàn, người ta sẽ đổ tiền vào BĐS. Số này có bằng luồng giảm đi của ngân hàng hay không thì chưa xác định được nhưng cũng không thể nói là ít. Thực tế là thị trường có ấm lên, giá đã biến động.

Nói như vậy thì BĐS sẽ sôi động bất chấp thắt chặt tín dụng?

Tôi không cho rằng BĐS sôi động một cách thái quá song nó ít bị tác động bởi các chính sách vừa rồi. Bởi BĐS có độ trễ rất lớn. Khi siết tín dụng, thị trường sẽ nguội nhưng cũng giảm chậm hơn các ngành khác. Rồi khi mở tín dụng, nó cũng đi lên chậm hơn.

Đất đai GPMB rồi, nhà đang xây rồi, sao có thể dừng lại? Hơn nữa, khi dự án đã xong móng thì dòng tiền huy động chủ yếu lại từ người dân chứ không phải từ tín dụng. Trước mắt, thị trường vẫn hoạt động bình thường.

Từ những lập luận như vậy có thể tin là giá đất nhà sẽ vẫn tăng?

Không ai muốn giá bất động sản lên nhưng sự thực là không tránh được việc giá tăng. Hiện nay, các yếu tố đầu vào cơ bản như giá điện, xi măng, thép tăng, lương cũng sẽ lên. Các khoản tăng giá nay sẽ “chui” vào giá thành các công trình xây dựng nên giá nhà sẽ lên. Nhưng “lên” như thế là theo đúng quy luật vì nhiều thứ khác cũng tăng giá, đồng tiền mất giá.

Giá vẫn lên một cách tương đối, không khác được. Nhưng quan trọng là người ta vẫn mua, bán, vẫn có thị trường cho người ta giao dịch. Còn giá lên 5-10% là điều không tránh khỏi. Như vậy vẫn coi là sự ổn định. Nhưng nếu “sốt”, tăng đột biến 50%, 100% thì là bong bóng, không thể chấp nhận được.

Số lượng căn hộ giá thấp sắp tung ra thị trường khá lớn. Như vậy, có góp phần giảm giá nhà không?

Số lượng nhà giá thấp ra nhiều sẽ giữ ổn định cho thị trường, giữ được giá BĐS. Nó không kéo được giá các loại nhà khác giảm xuống nhưng ít nhất là có tác động tốt, làm cho giá các nhà đất khác không bật quá cao được. Bởi nhà thu nhập thấp và nhà ở thương mại khác nhau về đối tượng. Chúng nằm ở hai “chợ” khác nhau.

Nếu không có nhà thu nhập thấp thì bắt buộc những người cần nhà vẫn phải vay mượn đi mua nhà giá cao. Nay nhà giá thấp nhiều thì sẽ có một bộ phận sẽ chuyển sang nhà giá thấp để mua nhưng số này không nhiều. Số này cũng giảm cầu đi và phần nào đó rõ ràng là giúp bình ổn giá. Người ta sẽ bớt lao vào nhà ở thương mại.

(Theo ANTĐ)


  • 0
  • By Admin
  • 07/03/2011
  • 17