• 0933331087
  • nhadatgialai.company@gmail.com

Giá đất Hà Nội sẽ giảm sau 3 năm?

Giá đất Hà Nội sẽ giảm sau 3 năm

Mấy năm gần đây, trong khi giá nhà đất Tp.HCM có xu hướng giảm, Hà Nội lại diễn biến theo chiều hướng ngược lại. Giá đất có những thời điểm tăng từng ngày. Hễ có thông tin hé mở về dự án ở đâu, thị trường ở đó sôi động một cách kỳ lạ.

Không giống như Tp.HCM, câu chuyện bán hàng của các doanh nghiệp Hà Nội là càng nhỏ giọt thông tin, càng đắt hàng. Theo nhận định của ông Phạm Thành Hưng, đại diện Cen Group (Hà Nội), điều đó góp phần đẩy giá nhà đất Hà Nội cao hơn nhiều so với Tp.HCM.

Ông Hưng lấy ví dụ: Lấy trung tâm của Hà Nội là hồ Hoàn Kiếm và của Tp.HCM là đường Nguyễn Huệ. Hai mảnh đất ở khu vực có cùng bán kính tính từ trung tâm thành phố với mức tương đồng về hạ tầng xã hội, mảnh ở Hà Nội thường đắt gấp đôi Tp.HCM. Điều khó hiểu là ngay giá nhà ở cho người thu nhập thấp ở Hà Đông (Hà Nội) vừa qua cũng tới 11 - 12 triệu đồng/m2, cao hơn cả giá nhà ở thương mại xây tại quận Bình Tân và Bình Chánh của Tp.HCM (chỉ 9 - 10 triệu đồng/m2).

Trong khi đó, dự án nhà ở cho người thu nhập thấp đã được miễn thuế sử dụng đất và thuế thu nhập doanh nghiệp. "Hiện tượng sốt giá của Hà Nội gần đây thực chất là một bản sao của Tp.HCM cách đây 3-5 năm" - ông Hưng nói. Vì vậy, theo ông Hưng, chỉ 3 năm nữa, giá nhà đất ở Hà Nội sẽ giảm, nhất là khi cơn sốt vừa qua đã hút quá nhiều doanh nghiệp tham gia nguồn cung cho thị trường bất động sản Hà Nội.

Rủi ro

Ông Trần Minh Hoàng- Chủ tịch HĐQT của Vinaland (Tp.HCM) ví von giá nhà đất Hà Nội hiện nay giống như "quả cầu lửa" được chuyền tay giữa các nhà đầu tư. "Sẽ rất nguy hiểm khi thị trường lắng đọng" - Ông Hoàng cảnh báo.

Theo ông Hoàng, nhiều dự án bất động sản Hà Nội không rõ ràng về mặt pháp lý nhưng "vẫn giao dịch ầm ầm". Chuyện bán nhà trên giấy, không minh bạch trong mua bán đã nặn ra một thị trường BĐS đầy rủi ro đối với Hà Nội.

Ông Trần Tấn Thiện, Chủ tịch HĐQT Công ty Song Phát (Tp.HCM) cho rằng, điểm cơ bản để tạo nên một thị trường BĐS Hà Nội khác biệt với Tp.HCM là nhà đầu tư miền Bắc mua nhà đất bằng tiền dành dụm (rất ít khi vay ngân hàng), còn miền Nam thì ngược lại. Vì vậy, khi có chính sách tiền tệ thắt chặt mới đây, hiệu ứng đối với Tp.HCM là rất lớn.

Nhiều dự án BĐS của Tp.HCM giờ đây đang phải bán hòa vốn, thậm chí là chấp nhận lỗ 10 % nhưng vẫn khó khăn. Trong khi đó, thị trường Hà Nội không chịu ảnh hưởng quá nhiều về việc điều chỉnh chính sách này. Kết quả là giá nhà đất vẫn cao ngất ngưởng.

Theo nhận định của nhiều doanh nghiệp, cứ đà này thị trường BĐS Hà Nội sẽ phải đối mặt với cuộc cạnh tranh gắt gao về giá. "Một cuộc cải cách không chỉ về phương thức bán hàng sẽ xảy ra tại thị trường Hà Nội, khi nhiều doanh nghiệp BĐS Tp.HCM tham gia thị trường Hà Nội" - thành viên HĐQT của một doanh nghiệp đến từ Tp.HCM nói.

Quyết tâm lành mạnh thị trường

Có mặt tại buổi gặp gỡ trên, Cục trưởng Cục Quản lý Nhà và Thị trường BĐS (Bộ Xây dựng) Nguyễn Mạnh Hà cho rằng, rất hiếm khi nghe các doanh nghiệp BĐS bộc bạch thẳng thắn như trên. Bởi thông tin trên được xem như khá nhạy cảm trong bối cảnh thị trường Hà Nội đang phát triển nóng.

"Bản thân các doanh nghiệp Hà Nội không hẳn mong muốn điều này"- ông Hà cho biết. Theo ông Hà, thời gian tới Bộ Xây dựng vẫn nhất quán quan điểm bằng mọi cách phải lành mạnh hóa thị trường theo chỉ đạo của Bộ Chính trị, Chính phủ. Đặc biệt không để hình thành quả bong bóng bất động sản nhưng cũng không được để thị trường sụp đổ.

(Theo TPO)


  • 0
  • By Admin
  • 11/04/2011
  • 17