Giá đất Gia Lâm tăng dần đều
Để ghi nhận thực tế thị trường BĐS ở khu vực phía đông TP này, PV báo Xây dựng đã có mặt tại khu vực được coi là không có nhiều cơn sốt sôi sùng sục nhưng luôn âm ỉ cháy bởi tốc độ tăng giá chậm và đều.
Ở thời điểm hiện tại, đất mặt phố Ngô Xuân Quảng, thị trấn Trâu Quỳ vị trí đẹp, tiện kinh doanh được rao bán giá 35 - 40 triệu đ/m2, còn đất trong ngõ như phố Cửu Việt, Đào Nguyên hoặc các làng xung quanh thị trấn Trâu Quỳ giá dao động từ 13 - 20 triệu đ/m2 tuỳ vị trí. Theo anh Nguyễn Đức Độ ở thôn Cổ Bi, năm trước đất trong làng anh được bán với giá dưới 10 triệu đ/m2 nhưng nay giá tăng lên 10 - 15 triệu đ/m2. Cá biệt đất ở khu tập thể Trường ĐH Nông nghiệp I Hà Nội, nơi được đánh giá là môi trường sống tốt và dễ kinh doanh được bán với giá 35 - 40 triệu đ/m2, tuy nhiên, số lượng rao bán không nhiều.
So với đất thổ cư, giá đất nền ở các khu đô thị mới có mức tăng cao hơn và được giới đầu tư săn nhiều hơn. Nếu cuối năm 2009 đất nền KĐTM Việt Hưng, Sài Đồng được bán với giá 25 - 30 triệu đ/m2 thì nay tăng lên 35 - 40 triệu đ/m2. Nằm trong thị trấn, gần trường ĐH Nông nghiệp I và KĐT khoa học công viên Gia Lâm, đất liền kề KĐTM Trâu Quỳ được rao bán với giá xấp xỉ 30 triệu đ/m2.
Nằm trong diện tích hơn 30ha, cách trung tâm Hà Nội 10km, giá đất nền tại KĐTM Đặng Xá do Viglacera làm chủ đầu tư được rao bán trên thị trường với giá gần 30 triệu đ/m2. Viglacera Land cho biết họ vừa mở bán 33 lô biệt thự thuộc lô đất NO6 và NO9, có diện tích từ 175 - 278m2 và ngay sau đó 33 lô đất đã được bán hết với giá 24,9 triệu đ/m2.
Do giao thông đi lại không thuận lợi bằng các địa điểm trên, cách trung tâm Hà Nội xa hơn nên giá đất tại Yên Viên được rao bán thấp hơn. Đất Yên Thường được bán 8,5 triệu đ/m2 còn đất tại thị trấn Yên Viên được bán với giá 17 triệu đ/m2.
Lý giải về sự tăng giá đất với tốc độ đều đều khu vực phía đông Hà Nội, đại diện một Cty kinh doanh BĐS cho biết, thực tế đất khu vực phía Đông thời gian qua không chạy theo cơn sốt tại thời điểm đang xem xét quy hoạch xây dựng Thủ đô Hà Nội mà giá đất ở khu vực này có tốc độ tăng trưởng chậm nhưng khá đều. Sau khi cầu Vĩnh Tuy và cầu Thanh Trì được hoàn thành, khoảng cách giữa Gia Lâm với các quận nội thành được thu hẹp, thậm chí còn gần hơn nhiều so với Nam hay Bắc An Khánh, giao thông đi lại sang trung tâm Hà Nội tương đối gần. Mặt khác, cơ sở hạ tầng đã và đang được hoàn thiện, đặc biệt một số khu đô thị mới được quy hoạch và xây dựng đồng bộ, được triển khai bởi những chủ đầu tư uy tín, các dự án đã có quy hoạch, vấn đề pháp lý được đảm bảo nên nhiều người đã tìm đến Gia Lâm để đầu tư khiến giá đất ở đây không ngừng tăng, dù tốc độ tăng không đột biến.
- 0
- By Admin
- 15/07/2010
- 17