• 0933331087
  • nhadatgialai.company@gmail.com

Giá bất động sản vẫn bị chủ đầu tư “tạo sóng”

Ông Đặng Hùng Võ, Nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường cho rằng, đây là căn bệnh cố hữu lâu nay khiến giá BĐS đội giá gấp nhiều lần so với thực tế. Để hạn chế điều này, rất cần biện pháp mạnh hơn từ các cơ quan quản lý.

Giá bất động sản vẫn bị chủ đầu tư “tạo sóng”

Nghe tin có dự án khu chung cư phía Tây khu vực Xa La, Hà Đông, Hà Nội bắt đầu được chào bán, nhiều khách hàng có nhu cầu mua nhà ở đã tới tìm mua. Tuy nhiên, thay vì mua được giá gốc, hầu hết các khách hàng phải mua với giá chênh lệch của đội quân “lướt sóng” ngay chính tại sàn giao dịch của chủ đầu tư.

Chứng kiến cảnh này tại sàn giao dịch BĐS Mường Thanh của Xí nghiệp xây dựng số 1, thuộc Tập đoàn khách sạn Mường Thanh, ở Linh Đàm, Hà Nội, chị Thu Hà nhà ở Gia Lâm (Hà Nội) cho biết, rất nhiều lần tới sàn giao dịch này tìm mua căn hộ, nhưng mới chỉ đến cửa đã thấy đội quân “lướt sóng” vây quanh chào bán. Vì nghĩ bất động sản hiện không quá sốt nên chị lên tận nơi làm việc của các nhân viên sàn giao dịch này để hỏi, vậy nhưng đều nhận được cái lắc đầu “hết hàng”.

Sở dĩ chị Hà và nhiều người khác đến tìm mua căn hộ tại đây vì được biết chủ đầu tư này phần lớn nhằm vào phân khúc giá trung bình, ngoài ra chủ đầu tư cũng luôn giữ đúng tiến độ xây dựng và rất có uy tín xây dựng trên thị trường.

Kiên trì tìm mua, trong lần bán căn hộ tiếp theo của Sàn giao dịch này chị đã gọi điện cho chúng tôi cùng đến chứng kiến. Một lần nữa chị Hà vẫn nhận được câu trả lời hết hàng, và tiếp tục được đội quân “lướt sóng” chào bán. Quan sát tại sàn này cho thấy, nói là hết hàng nhưng rất nhiều người có đeo biển là nhân viên của thuộc khách sạn này đứng rao bán hàng xấp căn hộ, thậm chí có cả đầu bếp (vì còn có mặc nguyên bộ đồng phục và đội mũ của nhà bếp), rồi cả nhân viên phục vụ cũng kéo ra đứng chào bán.

Ngồi cò kè giá với một  người tên D, đeo biển nhân viên của khách sạn Mường Thanh, được biết, mỗi lần có đợt bán bất động sản các nhân viên thuộc Tập đoàn này đều được lãnh đạo “ưu ái” cho nhận ít nhất là 1 suất để bán kiếm lời. Ngoài ra, những nhân viên này cũng thu gom các suất khác được gọi là các suất ngoại giao để rao bán hưởng chênh lệch.

Giá chênh lệch với giá gốc tuỳ vào vị trí, diện tích của từng căn hộ. Hướng đẹp, góc tốt giá thường chênh gần 100 triệu đồng, còn loại khác trung bình có giá chênh lệch từ 15 triệu đến 60 triệu đồng/căn. Nhẩm tính sơ sơ, mỗi một căn bán ra nhân viên tại đây đã lãi chênh lệch từ nửa giá đến hơn 1 giá trên 1 mét vuông nhà (khoảng từ 500.000 đến hơn 1.000.000 đồng/m2). Diện tích của các căn hộ thường rơi vào khoảng từ hơn 60 mét đến hơn 80 mét vuông/căn.

Sau một hồi "bớt một thêm hai", chị Thu Hà cũng mua được một căn với giá chênh lệch khoảng 40.000.000 đồng/căn, cộng khoản chênh lệch này giá căn hộ chị mua đã xấp xỉ 22.000.000 đồng/m2. Chị đưa cho chúng tôi xem mảnh giấy biên nhận tiền của nhân viên tại đây và giải thích, chị buộc phải viết giấy biên nhận vì sẽ khó giải thích với ông bà ngoại (người nhờ chị đến mua) khoản chênh lệch không có trong giấy tờ.

Ông Phan Tân người cũng cho chúng tôi xem mảnh giấy biên nhận khoản chênh lệch khi đến tìm mua căn hộ tại Sàn giao dịch này. Khá bức xúc, ông chia sẻ: “ Căn hộ cao cấp thì chủ đầu tư khác đang chào bán giá gốc đến tận nhà, trong khi đó ở đây rất khó mua được căn hộ loại trung bình với giá gốc. Có vẻ như chủ đầu tư không cần quan tâm ai là người có nhu cầu muốn mua thực mà chỉ muốn gây sốt hàng bằng cách đẩy cho nhân viên và cho cả đội cò chuyên nghiệp trực tiếp rao bán cho khách hàng…”.

Giá bất động sản vẫn bị chủ đầu tư “tạo sóng” | ảnh 1
Một cò chuyên nghiệp đang cầm danh sách các căn hộ rao bán cho khách ngay tại Sàn giao dịch BĐS Mường Thanh. Ảnh: TG

Mặc dù công cụ quản lý của các cơ quan chức năng đã giảm bớt khá nhiều tình trạng đầu cơ bất động sản, nhưng khi chính nhà đầu tư lại trở thành đội quân “lướt sóng”, gây sốt hàng thì khó có công cụ nào kiểm soát nổi. Đây chính là kẽ hở để rất nhiều nơi tiếp tục tái diễn tình trạng này.

Theo phản ánh của một số khách hàng, đi mua đất nền giá gốc bây giờ còn khó khăn gấp vạn lần so với đi mua căn hộ, bởi đất ít, người muốn mua thì nhiều, chưa kể giá quá đắt khiến không phải ai cũng có thể mua được.

Anh Nam Nguyễn nhà ở Nguyễn Trãi cho biết, nghe tin một dự án của Cienco 5 chào bán đất nền khu vực phía qua ga Hà Đông, Hà Nội, ngay lập tức đến hỏi đã không còn suất nào. Qua một nhân viên quen biết của công ty này được biết, muốn mua cũng có nhưng giá phải mua chênh lệch, giá gốc khoảng 16.500.000 đồng/m2, giá chênh lệch khoảng 30.000.000 đ/m2 và yêu cầu ngay trong ngày (khoảng vài tiếng đồng hồ từ khi anh nhận tin) phải mang tiền đặt cọc đến.

Không còn cách nào khác anh Nam Nguyễn chạy đôn chạy đáo lo tiền, nhưng khi cầm số tiền đặt cọc trong tay thì đã có thông báo giá không phải là 30.000.000 đ nữa mà là gần 40.000.000 đ/m2. Với giá này anh Nam Nguyễn đã không thể mua nổi.

Cần có giám sát khi chủ đầu tư mở bán sản phẩm?

Trao đổi về vấn đề này với nguyên thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đặng Hùng Võ, ông cho rằng, chuyện các nhà đầu tư ban đầu chuyển hàng hoá bất động sản cho rất nhiều tầng lớp là căn bệnh từ xưa tới nay vẫn tồn tại và cũng chính là bệnh làm cho giá bất động sản Việt Nam ở trên trời. Định hướng của quản lý cũng là làm giải toả được những nhược điểm này, tuy vậy, một thời gian dài vừa qua vẫn không thể làm được. Những phải khẳng định rằng hiện tượng này cũng đã bớt đi rất nhiều so với trước đây .

Việc mua bán kiểu “lướt sóng”,  trao tiền cho nhau qua đăng ký, không có thủ tục gì, họ làm việc mang tính chợ đen nhiều hơn mang tính chính thống, nên không thể có cách gì kiểm soát được. “Nhưng vẫn có thể làm được nếu cơ quan quản lý lúc này cần tăng cường thêm độ công khai minh bạch. Vấn đề nữa là các cơ quan quản lý đừng chịu áp lực về vấn đề lợi nhuận. Nếu làm được hai điều này thì đảm bảo sẽ khắc phục được những vấn đề trên…”, ông Võ khẳng định.

Cũng theo ông Đặng Hùng Võ, không cần phải giảm sát chủ đầu tư khi chào bán sản phẩm mà chỉ cần toàn bộ dự án đầu tư đó phải được công khai minh bạch, từ khi được giao đất, phê duyệt dự án, cho tới khi thực hiện bồi thường giải phóng mặt bằng, đến lúc bắt đầu xây dựng và cho đến khi sản phẩm chính thức được chào bán thì bán cho ai cũng cần công khai, minh bạch. Nếu làm được trình tự này sẽ không thể có chuyện “lướt sóng”.

Cơ chế các chủ đầu tư phải có sàn giao dịch BĐS để công khai mua bán sản phẩm, điều đó vẫn chưa đủ. Bởi chính cơ chế sàn giao dịch của các chủ đầu tư hiện nay như một cách làm “nửa dơi nửa chuột” chưa thể đáp ứng được độ minh bạch trong đó.

(Theo VnMedia)


  • 0
  • By Admin
  • 09/05/2011
  • 17