• 0933331087
  • nhadatgialai.company@gmail.com

Gia Lai: Người dân thiếu đất sản xuất vì... thủy điện

Gia Lai: Người dân thiếu đất sản xuất vì... thủy điện | ảnh 1
Nhiều làng di dân lòng hồ An Khê-Kak Nak đã tái định cư nhưng chưa thể định canh.

Thủy điện An Khê-Kak Nak dẫn nước từ Sông Ba ở Kbang-An Khê, Gia Lai chuyển về Tây Sơn, Bình Định, do Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) làm chủ đầu tư. Công trình có tổng công suất 173MW, sản lượng điện 694Kwh, khởi công tháng 11-2005, đi vào hoạt động cuối năm 2010.

Tại Thủy điện An Khê-Kak Nak, tổng diện tích đất phải thu hồi, bồi thường, giải phóng mặt bằng riêng lòng hồ Kak Nak ở huyện Kbang là 2.500 ha. Tổng số hộ bị ảnh hưởng đất sản xuất, đất ở là 1.160, trong đó số hộ phải tái định cư là 345.

Các địa phương bị ảnh hưởng nặng nề nhất do đất đai ngập trong lòng hồ này là xã Lơ Ku, Đăk Smar và thị trấn Kbang.

Ông Trần Hải Đăng, Phó Chủ tịch Hội đồng bồi thường, hỗ trợ và tái định canh định cư các dự án huyện Kbang, cho biết: Tồn tại lớn nhất trong công tác tái định canh định cư thủy điện này là sau khi chặn dòng không có đường vào khu sản xuất (hoặc đi vòng quá xa) của 261 hộ với tổng diện tích 433 ha.

Dù diện tích đất này không bị ngập dưới lòng hồ, nhưng nước bao vây đường đến khu sản xuất. Nếu muốn đến được, phải làm đường mới đi xuyên rừng từ 24 đến 27 km.

Vì vậy, người dân yêu cầu phải đền bù; UBND huyện, Ban Quản lý dự án thủy điện 7 (thay mặt EVN làm chủ đầu tư) và chính quyền địa phương đã đo đạc, xác minh cụ thể. Song, việc chi trả đền bù cho người dân vẫn chưa được thực hiện.

Theo tính toán của cơ quan chức năng, số tiền phải bồi thường, hỗ trợ do thu hồi đất gần 36,5 tỷ đồng.

Ông Đinh Kép, ở làng Groi, thị trấn Kbang, một trong nhưng hộ bị mất đất trong lòng hồ thủy điện, cho biết: Cả 65 hộ của làng mấy năm nay chỉ biết ngồi nhà chơi vì nước ngập hết, không vào nương rẫy được. “Bây giờ chỉ biết chờ chính quyền cấp đất khác cho mình thôi”, ông nói.

Khi lòng hồ bắt đầu vào giai đoạn cao điểm chuẩn bị tích nước, người dân được khuyến cáo không nên tiếp tục sản xuất.

Vì thế, khi không được bồi thường, hỗ trợ như những người dân nằm trong diện tái định canh, định cư, 261 hộ dân lâm vào tình cảnh khó khăn, bởi đình trệ sản xuất, trong khi chính sách hỗ trợ đền bù không có.

Có 345 hộ trong diện di chuyển đến 5 điểm dân cư mới. Tuy nhiên, đất sản xuất nhiều nơi vẫn chưa giải quyết xong. Làng Chợt, xã Lơ Ku có 96 hộ đến nơi ở mới, theo quy hoạch mỗi hộ có 1,46 ha đất nương rẫy, song đến nay mới chia được 1,26 ha.

Làng Groi, thị trấn Kbang có 65 hộ đến nơi ở mới nhưng chưa có hộ nào nhận được đất sản xuất, bởi vùng quy hoạch cho dân bị các hộ khác đến tranh chấp hoặc lấn chiếm.

Theo ông Trần Vĩnh Hương, Chủ tịch UBND huyện Kbang, chủ đầu tư chưa lường hết phát sinh sau khi hồ chứa Kak Nak tích nước.

Đến nay, chủ đầu tư là Ban QLDA Thủy điện 7 vẫn chưa tích cực phối hợp cùng địa phương giải quyết dứt điểm những tồn tại, mặc dù ngày 5-9-2010, Trưởng Ban QLDA Thủy điện 7 có công văn cam kết: Với diện tích đất bán ngập không có đường đi sản xuất đồng ý bồi thường đất cây cối hoa màu theo quy định của Chính phủ.

Việc chậm trễ đền bù gây bức xúc trong nhân dân, nhiều người dân thường xuyên tụ tập đông người để khiếu nại, kiến nghị, yêu cầu đòi bồi thường để họ sớm ổn định cuộc sống.

(Theo TPO)

  • 151
  • By Admin
  • 06/08/2012
  • 17