• 0933331087
  • nhadatgialai.company@gmail.com

Ghé thăm ngôi nhà “Người tình”

Lần đầu chỉ được phép nhìn từ ngoài cổng bởi khi ấy nhà được chính quyền địa phương sử dụng làm trụ sở công an, lần này thì được vào trong xem kỹ từng chi tiết khắp nơi với sự giới thiệu tận tình của cô hướng dẫn viên du lịch sau khi mua tấm vé tham quan.

Bên trong nhà trang trí bao lam chạm khắc rất đẹp

Việc bán vé cho công chúng tham quan ngôi nhà cổ, theo tôi là hoàn toàn hợp lý. Tôi đã từng đặt ra vấn đề này và chia sẻ với những chủ nhân của các ngôi nhà cổ mà tôi ghé thăm. Thế nhưng hầu hết chủ nhân của những công trình nghệ thuật kiến trúc ấy đều e dè, liệu thu được bao nhiêu, lại mất công tiếp khách, kể lể những câu chuyện về ngôi nhà của cha ông mình. Ở nhiều nước hay ngay tại Mỹ, du khách muốn chiêm ngưỡng các công trình di sản kiến trúc cổ dù do tư nhân làm chủ hoặc nhà nước quản lý đều phải mua vé vào xem. Cách tổ chức và liên kết với các ngành chức năng như thế nào để phát huy giá trị công trình là một vấn đề cần nghiên cứu thêm. Gần đây, nhà cổ Bình Thuỷ ở Cần Thơ có bán vé cho du khách vào tham quan, xem ra cách làm này nên nhân rộng đối với các công trình được công nhận và xếp hạng kiến trúc nghệ thuật trong nước.

Thế nhưng nhà cổ Huỳnh Thuỷ Lê được nhiều du khách trong và ngoài nước đến xem không phải chỉ vì đó là di sản kiến trúc nghệ thuật của thành phố Sa Đéc, mà bởi sự nổi tiếng của nhân vật Huỳnh Thuỷ Lê được tái hiện qua bộ phim Người tình. Dưới các cảnh quay mượn bối cảnh ngôi nhà cổ Bình Thuỷ tuyệt đẹp trên những thước phim đã khiến du khách bốn phương tò mò muốn tìm hiểu về ngôi nhà người tình thật sự của nữ văn sĩ nổi tiếng người Pháp Marguerite Duras.


Năm người con ông Huỳnh Thủy Lê ngày còn bé, giờ hiện sống ở nước ngoài.

Ngôi nhà Huỳnh Thuỷ Lê có kiến trúc kiểu Hoa pha trộn đường nét trang trí kiểu Tây toát lên một vẻ đẹp lạ so với các ngôi nhà truyền thống Việt lai Tây ở miền Nam. Diện tích nhà không lớn, chia làm ba gian, phần ngoài thờ tự và tiếp khách, phần sau có hai phòng ngủ hai bên tạo một hành lang rộng dẫn xuống nhà dưới đã được xây lại. Việc xây dựng một vài công trình phụ bị thay đổi. Tóm lại chỉ còn ngôi nhà chính. Bên trong nhà, một vài vật liệu nội thất như gạch bông, kính màu được nhập từ Pháp, trần laphông gian giữa trang trí rồng, dơi. Gian giữa đặt một khám thờ Quan Công rất lớn (vị thần độ mạng của nam giới) như hầu hết các nhà người Việt gốc Hoa. Các bộ bao lam chạm trổ khá đẹp, sơn thâm thếp vàng tạo nên một không gian nội thất có màu sắc sinh động và nhờ ánh sáng từ cửa sổ hai bên, cửa trước, sau làm ngôi nhà sáng sủa hơn. Một số đồ nội thất hiện nay tuy không thuộc nguyên gốc của ngôi nhà nhưng được trang bị bổ sung như thế cũng đã là một sự đổi mới trong việc nhận ra giá trị của một công trình văn hoá kiến trúc vốn trước đây chưa được quan tâm đúng mức. Nghe đâu bà Huỳnh Thuỷ Tiên (con gái lớn của ông Huỳnh Thuỷ Lê) từ Mỹ về có ghé thăm và cho biết từng vật dụng nào được sắp đặt ở đâu trong ngôi nhà của cha ông mình tạo lập.

Tuy nằm trong một khuôn viên rộng rãi có sân trước và sau, nhưng nhà thiếu đi mảng xanh chung quanh vốn có ở miền sông nước Nam bộ. Sân trước ngay cổng vào chỉ còn kỷ niệm một cây sứ đại già cỗi, vài chậu kiểng dưới bậc tam cấp không đủ tạo nét duyên cho ngôi nhà. Hơn nữa vách tường của hai căn nhà cạnh bên chèn lên làm hẹp không gian hai bên hông. Cần có một giải pháp làm xanh chung quanh ngôi nhà để giảm thiểu tối đa những khuyết điểm và tăng tính thẩm mỹ cảnh quan. Việc bảo tồn không chỉ dành riêng cho bên trong bất kỳ ngôi nhà cổ nào mà cũng cần bảo tồn ngoại cảnh hoặc phục dựng thêm cảnh trí chung quanh, thậm chí tôn tạo cảnh quan gần khu vực, để nâng cao giá trị di tích kiến trúc.

Đứng trước cổng nhìn ra bến sông trước mặt, tôi mường tượng lại cảnh cũ người xưa. Lòng thấy vui khi nhận ra cảnh cũ, chợ xưa, nhà cổ còn đó. Đó chẳng phải là cái may mắn cho các thế hệ ngày nay có dịp đến xem, tìm hiểu nét đẹp trong nghệ thuật kiến trúc và trang trí nội thất trong các công trình cổ hiếm hoi còn tồn tại.


Phòng ngủ được bố trí hai bên phía sau, trang trí hoa văn dành cho các cô con gái.


Mặt tiền ngôi nhà Huỳnh Thuỷ Lê thiếu cây xanh và bị vách nhà hai bên áp sát




Kính màu nổi bật khi nhìn từ bên trong phòng ngủ. Hoa văn trang trí chạm nổi ở các ô hộc.


Rồng tạo tác từ thiếc sơn màu trang trí trên laphông trần.


(Theo SGTT)

  • 275
  • By Admin
  • 28/09/2010
  • 17