Gập ghềnh thị trường địa ốc
Khi người người nhao lên cùng đấtÔng Minh, một tay buôn bất động sản trong lúc cao hứng đã kể về việc khởi nghiệp bất động sản của mình. Đầu những năm 90, khi ông và bạn ông đi xuất khẩu lao động về, mỗi người mua một chiếc mô - kích (xe gắn máy hiệu Simson), ông bán mô - kích, mua mảnh đất ở Thanh Trì (Hà Nội), định bụng để làm nhà ở. Đầu những năm 2000, khi giá đất tăng vùn vụt, ông bán. Rồi “lướt đi, lướt lại” vài lần, bây giờ thành nhà đầu tư bất động sản “có tầm”. Còn bạn ông, khi ấy giữ lại xe mô - kích đi cho “sành điệu”, thì bây giờ trở thành thợ sửa xe máy “chính hiệu” ở đầu phố.
Còn chị bạn đồng nghiệp của tôi, hơn hai năm trước, chả đành lòng nhìn thiên hạ phất lên ầm ầm từ đất, chị lặng lẽ đem khoản tiền tiết kiệm của 2 vợ chồng hùn hạp với mấy bà vợ của các sếp để chạy một dự án bất động sản với hy vọng được đổi đời. Sung sướng chưa thấy đâu, chỉ thấy anh chồng nhăn nhó vì mấy chục ngàn USD của anh “đội nón ra đi” hơn hai năm nay chưa biết khi nao trở về!
Sức nóng từ đất đai có thể cảm nhận được khi mà khắp từ quán bia hơi vỉa hè đến văn phòng công sở, chuyện “anh (chị) có quen chủ dự án bất động sản nào không; dự án A, B, anh (chị) có suất nào không...?” trở thành tất yếu trong câu chuyện bất kỳ. Chỉ cần nhận được câu trả lời có từ phía người nghe là ai cũng ra chiều sung sướng lắm.
Vì nhiều lý do khác nhau, thị trường bất động sản Việt Nam đang lên những cơn sốt “điên rồ”. Giá đất tại Khu đô thị mới Cầu Giấy đã được đẩy lên mức 140 triệu đồng/m2. Giá đất tận Vân Canh (Hoài Đức, Hà Nội), cách trung tâm Hà Nội gần 20 cây số, chưa giải phóng mặt bằng cũng được đẩy lên tới gần 30 triệu đồng/m2.
“Ma lực” của những bản báo cáo “giả định”
Nhận thấy những khoản lợi nhuận béo bở từ dịch vụ môi giới bất động sản tại Việt Nam, các văn phòng môi giới địa ốc đã mọc lên như nấm. Những công ty môi giới bất động sản quốc tế cũng nhanh chân tìm đến Việt Nam. Với đầu óc của những tay buôn “xuyên quốc gia”, các công ty này đã rất biết cách tạo ra thị trường cho riêng họ bằng cách báo cáo, dự đoán về thị trường bất động sản theo hướng có lợi cho khách hàng của mình. Hệ quả là, phân khúc thị trường căn hộ cao cấp trong một thời gian ngắn đột ngột tăng giá lên 1.500 USD/m2, rồi 2.000 USD/m2, 3.000 USD/m2, thậm chí có những dự án lên 5.000 USD/m2.
Tuy nhiên, có một thông tin phía sau các bản báo cáo thị trường mà ít người chú ý, đó là việc những người làm ra các bản báo cáo này lưu ý rằng, thông tin mà họ công bố không được kiểm chứng tính chính xác, có thể sai sót, có thay đổi giá bán, giá thuê và các điều kiện khác trước khi được bán, cho thuê hay tài trợ vốn, không thể hiện được các hoạt động hiện thời và tương lai của tài sản... Điều quan trọng nữa là người làm báo cáo sẽ không chịu trách nhiệm về các thông tin này.
Hậu quả là, sau một thời gian chủ đầu tư đổ tiền vào một phân khúc nào đó (như văn phòng cho thuê chẳng hạn), thị trường bão hoà, nhà đầu tư thua lỗ mà chả biết kiện ai!
Lòng tin bị bào mòn
Trao đổi về những vấn đề của thị trường địa ốc Việt Nam hiện nay, ông Edward Chi, một Việt kiều từ Hoa Kỳ về đầu tư bất động sản tại Việt Nam cho rằng, cần xác định rõ, những thông tin hiện nay đang đưa lên ở các bản báo cáo thị trường bất động sản có thật không, hay chỉ mang tính quảng bá thương mại cho các thị phần khách hàng của họ.
“Cách đây 4 -5 năm, tôi đã từng hỏi một nhà tư vấn hàng đầu tại Việt Nam rằng, cách đưa thông tin của anh ta có ảnh hưởng như thế nào đến thị trường, ảnh hưởng như thế nào đến các nhà đầu tư, nhưng nhà tư vấn này im lặng. Vấn đề là, khi đưa thông tin ra thì phải chịu trách nhiệm, chứ không phải cứ đưa thông tin ra rồi muốn đến đâu thì đến, không chịu bất kỳ trách nhiệm gì”, ông Chi nói.
Ông Chi cho rằng, hiện nay, các nhà tư vấn đang đưa ra những thông tin có lợi cho họ nhiều hơn là có lợi cho thị trường thật. Khi thị trường dựa vào những thông tin này, nhà đầu tư bị cuốn theo, mất tiền mà không biết kêu ai. Theo pháp luật của nhiều nước, những người bị thiệt hại có quyền kiện các đơn vị công bố thông tin, nhưng rất tiếc, ở Việt Nam chưa có điều đó.
Có lẽ, đó cũng là một phần câu trả lời cho câu hỏi tại sao thị trường thường xuyên trồi sụt. Chừng nào nhà đầu tư, khách hàng chưa có lòng tin dài hạn vào thị trường thì họ sẽ chỉ đầu tư kiểu “lướt sóng” và thị trường thường sẽ nóng lạnh thất thường. Chừng nào chúng ta chưa có các dự án phát triển bất động sản thực sự dài hạn, đầu tư một cách nghiêm túc, thì thị trường sẽ còn tiếp tục “gập ghềnh”.
Theo Đầu Tư
- 0
- By Admin
- 19/04/2010
- 17