Gạch không nung: Ưu đãi nửa chừng
Trao đổi với báo TBKTSG ngày 25/5, ông Trần Văn Huynh, Chủ tịch Hội Vật liệu xây dựng Việt Nam cho biết, dù có chủ trương ưu đãi nhưng các chính sách khuyến khích sử dụng gạch không nung không được thực thi khiến cho loại sản phẩm này rất khó cạnh tranh.
Theo ông Huynh, một trong những nguyên nhân khiến loại gạch này chưa được phổ biến là do giá thành cao vì Nhà nước chưa có sự hỗ trợ cụ thể. Thực tế, gạch không nung ở nước ta hiện vẫn đang bị đối xử như các loại vật liệu nung khác, mặc dù từ cuối năm 2012, Bộ Xây dựng đã ban hành Thông tư 09 về quy định sử dụng VLXD không nung trong các công trình xây dựng. Quy định này có hiệu lực từ đầu năm 2013.
Tại Việt Nam, gạch không nung hiện vẫng đang bị đối xử giống như các loại vật liệu nung khác. Ảnh: TL |
Theo thông tư trên, tất cả công trình xây dựng được đầu tư bằng nguồn vốn của Nhà nước buộc phải sử dụng VLXD không nung theo lộ trình cụ thể như sau: công trình tại các đô thị loại ba trở lên phải sử dụng hoàn toàn vật liệu xây không nung. Công trình tại các khu vực còn lại phải sử dụng ít nhất 50% vật liệu xây không nung cho đến hết năm 2015, còn từ sau năm 2015 cũng phải sử dụng hoàn toàn vật liệu không nung.
Những công trình xây dựng có độ cao từ 9 tầng trở lên không phân biệt nguồn vốn buộc phải sử dụng tối thiểu 30% vật liệu xây dựng không nung loại nhẹ đến thời điểm cuối 2015, và sau thời điểm này cũng phải sử dụng tối thiểu 50%.
Ông Huỳnh cho rằng, việc áp dụng thông tư này không triệt để. Theo đó, đa phần các công trình xây dựng nằm trong diện bắt buộc sử dụng vật liệu không nung vẫn cố tình không tuân thủ và hiện vẫn không bị xử phạt.
Việt Nam hiện cũng đã có ban chỉ đạo dự án “Tăng cường sản xuất và sử dụng gạch không nung ở Việt Nam” do ông Trần Quốc Khánh, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ làm trưởng ban. Ban này còn bao gồm các thành viên từ Bộ Xây dựng, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Tài chính, Ngân hàng Công thương Việt Nam.
Theo đó, dự án trên nhằm mục tiêu giảm tỷ lệ dùng nhiên liệu hóa thạch, đất màu để sản xuất VLXD nung, giúp tăng cường sản xuất loại VLXD không nung. Dự án gồm 4 hợp phần, đó là: hỗ trợ chính sách đối với việc phát triển công nghệ; xây dựng năng lực kỹ thuật để ứng dụng, vận hành sản xuất và sử dụng sản phẩm; hỗ trợ tài chính bền vững cho việc ứng dụng công nghệ; trình diễn công nghệ sản xuất và đầu tư nhân rộng.
Quá trình triển khai dự án diễn ra trong vòng 5 năm, bắt đầu từ thời điểm tháng 11/2014 đến hết tháng 11/2019 với tổng vốn đầu tư khoảng 39 triệu USD. Nguồn vốn này được hỗ trợ bởi Quỹ Môi trường toàn cầu, Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP), Bộ KH&CN, Bộ Xây dựng và Quỹ Phát triển KH&CN Quốc gia.
Nhận xét về dự án, theo ông Huynh, có được một dự án như thế là điều tốt, nhưng vấn đề quan trọng nhất để gạch không nung trở nên phổ biến ở Việt Nam hiện nay là cần phải thực thi nghiêm túc các chính sách mà nhà nước đã ban hành. Trong đó, đáng lưu tâm nhất là chính sách ưu đãi cho loại gạch này để sản phẩm có giá thấp hơn, kích thích thị trường gạch không nung phát triển.
- 293
- By Admin
- 26/05/2015
- 17