• 0933331087
  • nhadatgialai.company@gmail.com

Gạch bê tông khí chưng áp thất bại: Do thị trường chưa quen?

Gạch bê tông khí chưng áp thất bại: Do thị trường chưa quen? | ảnh 1
Dù có nhiều tính năng vượt trội, nhưng gạch AAC vẫn chưa tìm được chỗ đứng trên thị trường

Đó là: siêu nhẹ, cách âm, cách nhiệt, chống cháy, kích thước lớn và sai số nhỏ giúp thi công nhanh, tiết kiệm vật tư và năng lượng thi công; trong quá trình sản xuất, không nung đốt; trong quá trình thi công cũng ít phát sinh chất thải và trong quá trình sử dụng giúp tiết kiện năng lượng cho toà nhà, giúp bảo vệ môi trường… Tóm lại, với nhiều tính năng vượt trội, giá thành không cao thì rõ ràng, lợi thế của gạch AAC là không thể phủ nhận.

Nhiều lợi thế, nhưng gạch ACC vẫn chưa xuất hiện nhiều trên thị trường. Hiện nay, không có nhà máy nào sản xuất vượt quá 50% công suất thiết kế. Phải chăng, thị trường chưa quen, dân chưa quen?

Sau khi sản phẩm của một số nhà máy ra đời, nhiều cuộc triển lãm, trưng bày, ứng dụng sản phẩm đã được triển khai; nhiều chủ đầu tư cũng như nhà thầu xây dựng hồ hởi, quyết tâm và tin tưởng đưa gạch AAC vào sử dụng trong công trình.

Mặc dù vậy, cái mà họ nhận được không thể làm họ yên tâm, mỗi loại gạch AAC của mỗi đơn vị sản xuất chỉ thích ứng với một số loại công trình. Thậm chí, cũng một loại công trình, chất lượng gạch như nhau nhưng dùng trong khu vực phía Nam thì không vấn đề gì nhưng dùng phía Bắc lại không ổn. Như vậy, khi dùng gạch AAC, mỗi chủ đầu tư hay nhà thầu lại tự tìm kiếm “loại” phù hợp. Liệu họ có đủ kiên nhẫn, đủ thời gian để làm điều này, khi trên thị trường đang có nhan nhản các loại gạch mà họ thường dùng.

Phiền toái thứ hai mà người dùng gạch AAC gặp phải là gạch này “kén” phụ kiện đi kèm. Gạch AAC không thể xây với xi măng thông dụng trên thị trường mà cần một loại vữa thích hợp.

Như vậy, khi dùng gạch AAC, không chỉ phải chọn gạch mà còn phải chọn vữa, chưa kể, loại vữa thích hợp để xây chưa chắc đã thích hợp để trát.

Một rắc rối nữa là, việc sử dụng gạch AAC phụ thuộc vào thiết kế công trình. Nói cách khác, ý tưởng thiết kế phải bao gồm điều kiện sử dụng gạch AAC. Thực tế, phần lớn chủ đầu tư, tư vấn thiết kế, chưa biết hoặc chưa có thói quen sử dụng gạch AAC, nên trong thiết kế không đưa việc sử dụng gạch AAC vào.

Với những công trình đã có thiết kế, việc thay đổi thiết kế để chuyển sang dùng gạch AAC không đơn giản dù loại gạch này có nhiều ưu điểm như kể trên, nhất là với các công trình mà chủ đầu tư là tổ chức nhà nước.

“Chúng tôi chẳng dại gì mà thay đổi thiết kế”, một nhà thầu xây dựng khẳng định và giải thích thêm: biết là giảm giá thành, biết là tốt nhưng chúng tôi giải thích thế nào với thanh tra về thay đổi vật liệu, về đơn giá xây dựng. Cho nên, chưa có quy định cụ thể, chúng tôi sẽ theo những gì đã duyệt mà làm.

Nhiều kiến trúc sư dù rất “hào hứng” với công nghệ, vật liệu mới, nhưng khi tính toán thiết kế cho một tòa nhà, một cao ốc, một khu chung cư, họ vẫn phải chọn giải pháp an toàn với VLXD truyền thống, trừ trường hợp chủ đầu tư yêu cầu.

Khi lựa chọn công nghệ, các nhà sản xuất thường bê nguyên công nghệ của các nước khác như Đức, Thái Lan, Trung Quốc mà ít chú ý rằng, điều kiện khí hậu của họ không giống Việt Nam. Chất lượng gạch AAC đương nhiên đạt yêu cầu theo TCVN nhưng vấn đề là ở tính tương thích giữa gạch AAC và các vật liệu khác trong công trình.

Rõ ràng, gạch AAC đang gặp rất nhiều trở ngại trong quá trình khẳng định mình trên thị trường. Tuy nhiên, với những tính năng ưu việt, loại gạch này xứng đáng được sử dụng rộng rãi. Chỉ cần các nhà sản xuất kiên trì và khéo léo tìm lối đi thích hợp, cửa ra cho gạch AAC sẽ lộ diện.

Một ví dụ, gạch V-block của Công ty Vương Hải (Đồng Nai) đã được sử dụng là vật liệu chính xây tường vách tại công trình DB Tower - TP. HCM (DB Tower là một trong những cao ốc văn phòng, căn hộ cao cấp đầu tiên tại Việt Nam được thiết kế và thi công theo tiêu chuẩn công nghệ LEED của Mỹ).

Gạch AAC là loại gạch được sản xuất theo phương pháp "đồng điệu - tối ưu" các phản ứng hoá học giữa các loại khoáng chất: SiO2 (cát), CaO (vôi), Al (bột nhôm tạo khí H2), H2O (nước phản ứng hydrate) và chất kết dính (xi-măng). Sau quá trình phối trộn, tĩnh dưỡng tạo bọt khí và đông kết, gạch được cắt thành viên và đưa vào lò chưng áp với nhiệt độ và áp suất cao để thúc đẩy các quá trình phản ứng hoá học. Sau 1 ngày, gạch ra lò chứa hầu hết các tinh thể C-S-H mà chủ yếu là tinh thể Tobemorite phân bố đều kết cấu gạch làm cho gạch siêu bền và siêu nhẹ.

(Theo ĐTCK)

  • 218
  • By Admin
  • 15/02/2012
  • 17