• 0933331087
  • nhadatgialai.company@gmail.com

GS.TS Đặng Hùng Võ: Vốn ở ngay trong đất

Dự án này nhằm làm rõ những sơ hở vốn đã trở thành nơi “trú ngụ, nương náu” của nạn tham nhũng trong lĩnh vực bất động sản ở thời điểm hiện tại.

* Từ ngày 5 - 7/7/2010, Hội chợ “Bất động sản Việt Nam và các dịch vụ tài chính” lần đầu tiên diễn ra tại Hà Nội, do VCCI và Công ty CP Dịch vụ và Xúc tiến thương mại Việt Nam tổ chức. Theo ông, liệu hội chợ này có cải thiện được tình hình thiếu thông tin minh bạch dẫn đến những tiêu cực, bất ổn định trên thị trường bất động sản (BĐS) thời gian qua?

- Theo tôi, đây là một hội chợ mang tính khuyến khích đầu tư, chứ không mang tính chấn chỉnh thị trường vì không cho thấy thị trường BĐS hiện có bao nhiêu hàng hóa, đã bán bao nhiêu, ai mua, còn lại bao nhiêu... Thực tế, sàn giao dịch BĐS đã mọc lên nhưng hoạt động không hiệu quả, nhiều người là chủ đầu tư kiêm chủ sàn giao dịch.

Rất khó có thể tin vào sự “công khai thông tin” do một doanh nghiệp làm trên sàn với tính chất như một cái chợ. Cũng không thể thiếu chế tài kèm theo và phải quy định rõ ai phải công khai thông tin... Chính vì những điều “chỉ nói mà không làm” đó đã khiến nhiều dự án chưa giao đất đã gọi vốn, sàn giao dịch Hà Nội chưa được giao đất đã gọi được mấy trăm tỷ đồng. Một dự án khác cũng ở Hà Nội, chưa được chuyển nhượng cũng gọi vốn. Và kết quả là nhiều người dân đã bị mắc lừa.

* Ông nghĩ thế nào về đề xuất mới đây của Bộ Xây dựng về việc “để ngoài sàn giao dịch BĐS 20% hàng hóa”?

- Đề xuất này thực chất là để 20% hàng hóa được “lẩn khuất”, không rõ có được duyệt hay không. Tôi cho đây là một đề xuất thiếu tích cực trong khi chúng ta đang hướng tới cơ chế công khai, minh bạch trên sàn giao dịch BĐS. Dù sàn giao dịch BĐS chưa công khai nguồn hàng hóa, nhưng có hoạt động mua bán công khai cũng là tốt rồi.

Chủ một số doanh nghiệp thuộc lĩnh vực BĐS nói với tôi, phương án này được lập ra vì người ta “bí” phần hàng hóa “ngoại giao” không thể công khai trên sàn. Lý do về phía cơ quan quản lý tôi chưa được nghe. Dù sao thì như thế cũng là thiếu minh bạch, mà minh bạch là phương thuốc để chữa khỏi căn bệnh thiếu lành mạnh hiện nay của thị trường BĐS.

* Về vấn đề huy động, khai thác nguồn vốn cho thị trường BĐS, theo ông, đâu là lời giải cho bài toán thiếu vốn hiện nay?

- Phải nói là nguồn vốn đầu tư BĐS hiện nay chủ yếu ở trong dân và thông qua hình thức bán nhà trên giấy là chủ yếu. Ngân hàng chỉ đầu tư BĐS không quá 10% tổng dư nợ. Nguồn vốn từ nước ngoài mới chỉ mang tính chừng mực. Vấn đề là chúng ta đang tạo ra một cơ chế thiếu an toàn, đầy rủi ro với hình thức gọi vốn của dân khi mà cam kết của nhà đầu tư, tính an toàn của giao dịch nhà trên giấy chưa có gì đảm bảo, khiến người dân phải chịu thiệt thòi.

Nếu biết động viên tốt, đồng thời được các cơ quan quản lý hướng dẫn đầu tư vào đúng chỗ, nguồn tiền của dân sẽ rất hữu ích, rất quan trọng (đặc biệt ở địa bàn phía Bắc, nguồn tiền trong dân rất lớn, đang nằm im chờ cơ hội đầu tư).

Theo tôi, cần thiết phải có sự công nhận đối với các loại giấy tờ góp vốn. Ví dụ, coi đó là loại giấy tờ có giá trị như cổ phiếu... để tránh việc nhà đầu tư có thể tùy ý tăng giá, lật kèo; hoặc cho phép một dịch vụ tài chính đứng giữa nhà đầu tư và khách hàng, việc góp vốn phải qua ngân hàng, có ngân hàng bảo đảm, từ đó người mua có thể chuyển nhượng cho người khác, tính thanh khoản của thị trường BĐS sẽ cao hơn, đồng thời kích thích thị trường chứng khoán phát triển.

Nhà đầu tư chỉ cần giải quyết được 25% vốn là có thể triển khai dự án, người dân góp vốn được coi là người trả góp trước, sẽ được mua giá tốt. Đây chính là lời giải, là lối đi đã nhìn thấy...

* Xin cảm ơn ông!
 

Theo Doanh nhân
  • 0
  • By Admin
  • 15/07/2010
  • 17