Ế hàng vì phải chờ...hướng dẫn!
Thực ra, tới thời điểm này hành lang pháp lý dành cho phân khúc nhà ở xã hội không thiếu, thậm chí còn rất chi tiết với hẳn một nghị định riêng; song vấn đề là quy định mới đã có nhưng không áp dụng được vì chưa có hướng dẫn trong khi quy định hiện hành đã hết hiệu lực.
Từ chỗ chỉ là một mục nhỏ trong Nghị định 71/2010/NĐ-CP, loại hình nhà ở xã hội đã được nâng cấp lên thành Nghị định 188/2013/NĐ-CP được Chính phủ ban hành ngày 20/11/2013. Nghị định 188 có hiệu lực từ ngày 10/1/2014 đã bãi bỏ hết những điều khoản liên quan đến nhà ở xã hội trong Nghị định 71 (từ điều 31 đến 40 và một phần điều 58), và đồng thời cũng bãi bỏ một loạt những nghị quyết, quyết định liên quan đến chính sách phát triển nhà cho người có thu nhập thấp tại khu vực đô thị.
Dự án chung cư Tân Mai tại quận Bình Tân, một trong những dự án xin chuyển một phần sang nhà ở xã hội. Ảnh: Đình Dũng |
Vấn đề là đã ba tháng qua kể từ ngày quy định mới có hiệu lực, Bộ Xây dựng vẫn chưa đưa ra thông tư hướng dẫn khiến các doanh nghiệp địa ốc bối rối chẳng biết phải làm gì. Nói như một doanh nghiệp đang làm nhà ở xã hội, “đường mới mở ra nhưng chưa ai dám đi vì chưa thấy bảng chỉ đường; trong khi đường cũ đã bị bít lại, khiến nhiều doanh nghiệp tiến cũng chẳng được mà lùi cũng chẳng xong”.
Công ty cổ phần Tư vấn Thương mại Dịch vụ Địa ốc Hoàng Quân là một trong những doanh nghiệp đang lâm vào tình cảnh này. Tháng 12 năm ngoái, công ty này gửi công văn đến Sở Xây dựng Tp.HCM xin hướng dẫn các thủ tục liên quan đến việc bán nhà ở xã hội, từ mẫu văn bản xác nhận thực trạng nhà ở đến các thủ tục, hồ sơ khách hàng cần phải có khi mua nhà ở xã hội. Tại thời điểm đó, sở hướng dẫn dựa trên thông tư hướng dẫn Nghị định 71, nay đối chiếu với quy định mới, những hướng dẫn này không có giá trị khiến công ty không dám áp dụng.
Mọi việc hiện nay đang trông chờ vào thông tư hướng dẫn với phụ lục kèm theo các mẫu biểu của Bộ Xây dựng. “Thiếu phụ lục, chúng tôi chẳng biết nói với khách hàng như thế nào, mà các ngân hàng và địa phương cũng không dám làm vì sợ sai”, giám đốc kinh doanh một công ty đang làm nhà ở xã hội cho biết.
Vị giám đốc này cũng cho biết, khác với căn hộ thương mại chủ đầu tư có dự án là có thể bán, việc chào bán nhà ở xã hội “trần thân” hơn nhiều vì phải giải thích cho khách hàng hiểu một rổ những quy định ràng buộc để tránh rắc rối về sau. Người bán nhiều lúc còn thấy rối, nói gì đến người mua nhà, những người chỉ quan tâm đến giá bán và phương thức thanh toán, không quen đọc thông tư, nghị định.
Đường mới mở ra nhưng chưa ai dám đi vì chưa thấy bảng chỉ đường; trong khi đường cũ đã bị bít lại, khiến nhiều doanh nghiệp tiến cũng chẳng được mà lùi cũng chẳng xong. |
Thật ra, nếu nhìn vào chính sách hỗ trợ, phân khúc nhà ở xã hội khá an toàn về tính pháp lý bởi các chủ đầu tư tham gia xây dựng các dự án nhà ở xã hội muốn được giải ngân gói vay tín dụng ưu đãi thì pháp lý dự án phải hoàn chỉnh. Thứ đến là tiến độ xây dựng các dự án vay vốn khá bảo đảm, bởi nếu không làm đúng tiến độ Nhà nước sẽ không giải ngân.
Ngoài ra, giá bán căn hộ cũng được khống chế, người mua không sợ mua giá cao. Nói vậy là vì đây là loại hình nhà ở mà Nhà nước có kiểm toán, khống chế đầu vào và mức lợi nhuận định mức của chủ đầu tư, nên giới chủ đầu tư không thể tự động tăng giá tùy tiện. Đi kèm với những yếu tố này là chính sách ưu đãi thuế giá trị gia tăng, và nhất là hỗ trợ lãi suất ngân hàng, không quá 6%/năm và gần đây được kéo xuống 5%/năm. Điều này giúp người mua an tâm tính toán nguồn tài chính của mình để trả nợ, thay vì thấp thỏm với lãi suất trồi sụt liên tục.
Lợi thế là vậy, song các chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội chưa khai thác được yếu tố này. Những rắc rối phát sinh trong thực tế dễ làm nản lòng không chỉ nhà đầu tư mà cả những người mua nhà. Kinh nghiệm thực tế cho thấy tâm lý nhiều người vẫn xem nhà ở xã hội giống như nhà tái định cư, chất lượng kém nên không mặn mà. Theo số liệu của Ngân hàng Nhà nước, tính đến hết tháng 1 vừa qua, các ngân hàng mới chỉ giải ngân được khoảng 1.068 tỉ đồng, chiếm khoảng 3,5% tổng gói tín dụng ưu đãi 30.000 tỉ đồng.
Đành rằng lâu nay chuyện “chính sách luôn có độ trễ” đã thành nếp, với nhiều người việc đủng đỉnh một vài tuần, một vài tháng cũng chẳng sao, nhưng với doanh nghiệp khó khăn sẽ thêm chồng chất, và nhất là cơ hội kinh doanh sẽ trôi qua.
- 0
- By Admin
- 14/03/2014
- 17