Ế ẩm thị trường vật liệu xây dựng
Những ngày này, cửa hàng Sơn Tùng (Âu Cơ, Tây Hồ, Hà Nội) chỉ bán được 5-6 tấn thép với giá từ 1,7 triệu đồng đến 1,8 triệu đồng mỗi tấn mỗi ngày. Riêng tháng 6, doanh thu từ mặt hàng thép chỉ đạt 300 triệu đồng, giảm 70% so với cuối năm 2010.Anh Phạm Thành Trung, chủ cửa hàng cho biết, doanh thu từ đầu năm đến nay của doanh nghiệp có xu hướng giảm dần đều, đặc biệt là hai tháng qua. Nguyên nhân là vàng tăng giá mạnh, thị trường nhà đất đìu hiu, dân phải thắt chặt chi tiêu nên nhu cầu xây sửa nhà cửa cũng giảm. Thêm vào đó, giá sắt thép đang giảm, nhiều khách hàng có tâm lý, chờ "chạm đáy" mới mua vào.
Trước đó, mỗi tuần một cửa hàng kinh doanh vật liệu xây dựng quy mô nhỏ như Sơn Tùng có thể nhập tới 40 tấn thép. Nhưng hiện nay, họ chỉ nhập một tháng chỉ nhập hai lần, mỗi lần nhập khoảng 10 tấn. Thậm chí, các cửa hàng cùng khu còn ghép xe gọi hàng chung để tiết kiệm chi phí. Mỗi cửa hàng chỉ bán được gần 100 tấn xi măng mỗi tháng, giảm đến 50% so với hai tháng đầu năm.
Hai tháng trở lại đây, những hợp đồng chở sắt, thép và vật liệu xây dựng đều ít hơn trước. Mỗi tháng có 5 đến 6 hợp đồng. Còn lại là những khách hàng nhỏ lẻ mua để sửa sang cửa hàng hoặc cơi nới diện tích. Ảnh: Thanh Hoa. |
Khu vực đường Phạm Văn Đồng, Phạm Hùng, vành đai 3, Minh Khai, Ngô Gia Tự, nhiều cửa hàng sắt thép, vật liệu xây dựng cũng đang trong tình trạng ế ẩm chung. Doanh số mỗi cửa hàng giảm 10-20% so với những tháng đầu năm. Các mặt hàng như cát sỏi, gạch vôi, thiết bị vệ sinh cũng trong tình trạng tương tự. Hầu hết các đơn đặt hàng nhỏ lẻ là những nhà xây dựng đang trong quá trình hoàn thành, sửa chữa cửa hàng, cơi nới thêm diện tích.
Chính vì vậy, các phương tiện được dùng để vận chuyển sắt thép, xi măng phần lớn là xích lô và xe cải tiến. Các hợp đồng lớn hơn hoặc địa điểm xa, cửa hàng mới sử dụng ôtô.
"Vào thời điểm này, nếu đơn đặt hàng nào cũng chở bằng ôtô thì cửa hàng phải lấy công làm lãi mất", anh Khôi, chủ một cửa hàng vật liệu xây dựng ở Tứ Liên (Tây Hồ) cho biết.
Để tồn tại, nhiều chủ cửa hàng cùng nhân viên phải nghe ngóng, đến tận công trình chào hàng với giá cả ưu đãi. Các công ty chuyên cung cấp vật liệu xây dựng cũng thường xuyên cử nhân viên qua lại "chăm sóc", giữ mối với các cửa hàng nhỏ. Đồng thời những công ty này còn có chế độ đãi ngộ như tặng áo cho nhân viên cửa hàng, in phiếu giao hàng đến tay người mua. Trong khi đó, trước đây, vào những thời điểm sắt thép tăng giá, nhu cầu xây dựng cao, khách hàng phải tìm đến cửa hàng.
Trước đó cửa hàng sắt này còn phải thuê thêm chỗ để sắt nhưng hiện nay, cả cửa hàng chỉ có chục tấn sắt. Ảnh: Thanh Hoa. |
Không chỉ có những tiểu thương kinh doanh nhỏ lẻ khó khăn mà ngay cả những ông lớn trong lĩnh vực xây dựng cũng chật vật. Tại hội nghị sơ kết công tác 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm do Bộ Xây dựng tổ chức ngày 19/7, ông Lê Văn Chung, Chủ tịch HĐQT Tổng công ty công nghiệp xi măng Việt Nam nêu một thực tế, trong khi thị trường ảm đạm, doanh nghiệp lại phải đau đầu đối phó với lãi suất tăng cao. Giá nhiên liệu đầu vào như điện, xăng dầu biến động làm tăng giá thành sản xuất và lợi nhuận của các đơn vị kinh doanh xi măng giảm rõ rệt. Kinh doanh khó khăn, tỷ giá ngoại tệ, lãi suất ngân hàng tăng khiến doanh nghiệp khóc dở mếu dở.
"Chi phí đầu vào tăng, thị tường khó khăn nên lợi nhuận 6 tháng đầu năm của Tổng công ty chỉ còn có 314 tỷ đồng. Tính ra, lãi của doanh nghiệp chỉ khoảng 2,3% so với vốn chủ sở hữu, đây là một mức lợi nhuận quá thấp", ông Toàn bộc bạch.
Trong 6 tháng đầu năm, lợi nhuận trước thuế của Tập đoàn Công nghiệp Xây dựng Việt Nam chỉ đạt 560 tỷ đồng, bằng 18% kế hoạch năm. Ông Dương Khánh Toàn, Tổng giám đốc Tập đoàn cho hay, chỉ tiêu lợi nhuận thấp so với kế hoạch do thiếu vốn ở nhiều công trình lớn. Nợ lớn, lãi suất ngân hàng tăng cao khiến hiệu quả kinh doanh giảm sút. Sản phẩm mang lại lợi nhuận cao cho tập đoàn là kinh doanh nhà và đô thị cũng gặp khó do thị trường đóng băng.
Tính đến 30/6, vốn chủ sở hữu của Tập đoàn chỉ có 15.600 tỷ đồng nhưng đã đầu tư trên 8.000 tỷ đồng, trong khi đó, tiền nợ đã lên tới trên 5.500 tỷ đồng. Ông Toàn nhấn mạnh, một số dự án đã được Thủ tướng giao cho tập đoàn làm đại diện chủ đầu tư nhưng đến nay đơn vị này không có vốn để thành lập công ty cổ phần.
Các doanh nghiệp xây dựng lo lắng, tình hình tài chính từ nay đến cuối năm còn khó khăn hơn năm 2008. Nếu không có sự cải thiện về thị trường cũng như nguồn vốn, doanh nghiệp có nguy cơ thua lỗ nặng.
(Theo VnExpress)
- 223
- By Admin
- 20/07/2011
- 17