Duyệt Quy hoạch xây dựng Vùng Nam Nghệ An- Bắc Hà Tĩnh đến năm 2025
Vùng Nam Nghệ An - Bắc Hà Tĩnh bao gồm các huyện, thành phố, thị xã phía Nam của tỉnh Nghệ An (thành phố Vinh, thị xã Cửa Lò, các huyện: Nghi Lộc, Hưng Nguyên, Nam Đàn, Thanh Chương), các huyện, thị xã phía Bắc của tỉnh Hà Tĩnh (thị xã Hồng Lĩnh, các huyện: Nghi Xuân, Đức Thọ, Hương Sơn).Đây là vùng kinh tế tổng hợp đóng vai trò động lực của khu vực Bắc Trung Bộ với các ngành kinh tế chủ đạo phát triển của 2 tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh; là đầu mối giao thương hàng hóa và dịch vụ của vùng Bắc Trung Bộ, cửa ngõ kết nối với thị trường quốc tế trong khu vực. Đây cũng là vùng có nhiều di tích lịch sử văn hóa...
Dự báo dân số toàn vùng đến năm 2015 khoảng 1.506.900 người, trong đó dân số đô thị là 602.700 người; đến 2025, dân số toàn vùng tăng lên 1.748.800 người, trong đó dân số đô thị là 1.049.500 người.
Ưu tiên phát triển những ngành công nghiệp như chế biến thực phẩm, dệt may, gia công cơ khí,...
Theo Quy hoạch, vùng công nghiệp Nam Nghệ An - Bắc Hà Tĩnh sẽ ưu tiên phát triển những ngành công nghiệp như chế biến thực phẩm, dệt may, gia công cơ khí, sản xuất hàng gia dụng cao cấp, lắp ráp và sản xuất các linh kiện điện tử và sản phẩm công nghệ cao... Các loại hình công nghiệp này chủ yếu được đầu tư tại các khu công nghiệp tập trung lớn như Nam Cấm, Bắc Vinh, Hồng Lĩnh, Gia Lách, Đại Kim... và một số khu công nghiệp quy mô nhỏ khác.
Diện tích xây dựng công nghiệp tại khu vực phía Nam Nghệ An khoảng 1.251 ha; khu vực phía Bắc Hà Tĩnh khoảng 985 ha; tổng diện tích xây dựng công nghiệp trong vùng đạt khoảng 2.236 ha.
Về tổ chức hệ thống du lịch vùng, không gian du lịch được bố trí trên cơ sở khai thác tiềm năng tài nguyên sẵn có, chú trọng bảo vệ môi trường, cảnh quan với các không gian du lịch như vùng du lịch biển đảo gắn với các khu vực ven biển (Nghi Lộc, Cửa Lò, Xuân Thành...) với các loại hình du lịch từ đơn giản đến cao cấp, du lịch mạo hiểm; các khu vực phát triển du lịch văn hóa tâm linh như di tích và các địa danh lịch sử gắn với các danh nhân văn hóa tại các địa phương như: Thành phố Vinh, Nghi Lộc, Hưng Nguyên, Nam Đàn, Nghi Xuân, Đức Thọ, Hương Sơn...
Đến 2015, 100% các xã có đường giao thông đến trung tâm
Về quy hoạch giao thông, sẽ nâng cấp, mở mới một số tuyến đường như tuyến đường bộ ven biển đi qua địa phận các huyện Nghi Lộc, thị xã Cửa Lò, huyện Nghi Xuân; đường quốc lộ 1A; đường bộ cao tốc Bắc Nam; đường quốc lộ 15A;...
Bên cạnh đó, nâng cấp các tuyến đường tỉnh đạt tiêu chuẩn đường cấp III - cấp IV. Đến 2015, 100% các xã có đường giao thông đến trung tâm, tỷ lệ rải mặt 40-50%, đến năm 2025 hầu hết các tuyến đạt tiêu chuẩn đường nông thôn mới, tỷ lệ rải mặt đạt 80%.
Từng bước xây dựng đường từ trung tâm xã tới trung tâm thôn, bản ở các huyện vùng núi cao (5 huyện). Tỷ lệ nhựa hóa hoặc bê tông hóa đường xã ở các huyện vùng núi cao đến năm 2015 đạt 15%, đến năm 2020 đạt 20%.
(Theo Chinhphu.vn)
- 126
- By Admin
- 23/11/2011
- 17