• 0933331087
  • nhadatgialai.company@gmail.com

Đường chưa làm xong, giá đất đã tăng chóng mặt

Theo lãnh đạo CTCP Phát triển địa ốc Cienco5 (Cienco5 Land), trong năm 2011, dự án đường trục phía Nam Hà Nội sẽ hoàn thành 10 km đầu tiên, trong đó có cầu đường sắt và giải phóng mặt bằng 20 km tiếp theo. Riêng Khu đô thị Thanh Hà A, B, đến nay, đã được giải phóng mặt bằng gần 220 héc-ta, đền bù trị giá 1.725 tỷ đồng, đạt 98% kế hoạch. Như vậy, dự án này đã lỗi hẹn vì theo cam kết với UBND TP. Hà Nội, đến 31/12/2010, chủ đầu tư đã phải thông xe 10 km đầu của đường trục phía Nam. Trong khi đó, dù chưa giải phóng xong mặt bằng nhưng đất tại Khu đô thị Thanh Hà A, B đang được rao bán tràn lan trên mạng.

Thất hứa

Dự án đường trục phía Nam tỉnh Hà Tây (cũ) là dự án giao thông có tầm cỡ rất lớn của tỉnh Hà Tây và Hà Nội hiện nay, được khởi công từ tháng 4/2008 và thời gian hoàn thành theo kế hoạch là sau 60 tháng. Nhưng sau gần 3 năm từ ngày khởi công, trong 10 km đầu theo kế hoạch phải thông xe vào 31/12/2010, chưa có km nào được hoàn thành, thậm chí nhiều đoạn mới chỉ đang được đổ cát, san nền. Hiện nay, ngoài gói thầu thi công cầu vượt đường sắt sôi động, máy móc, công nhân tập kết nhiều, còn lại công trường chỉ lác đác vài tốp công nhân, máy móc thi công.

Đây là dự án được triển khai theo hình thức hợp đồng BT (xây dựng- chuyển giao) do Tổng công ty Xây dựng công trình giao thông 5 (Cienco 5) làm chủ đầu tư và doanh nghiệp triển khai là Cienco 5 Land. Dự án có chiều dài khoảng 41,5 km, mặt cắt ngang rộng 40 m, tốc độ thiết kế 60km/h. Diện tích chiếm đất toàn tuyến khoảng 245,7 héc-ta. Tổng mức đầu tư ban đầu là 5.156 tỷ đồng (chưa bao gồm lãi vay trong quá trình thực hiện).

Để hoàn vốn cho dự án, chủ đầu tư Cienco 5 được đối ứng 3 khu đô thị: Thanh Hà A, Thanh Hà B và Mỹ Hưng. Tổng số tiền sử dụng đất để hoàn vốn cho dự án đường trục phía Nam tính theo hình thức hợp đồng BT là 6.586 tỷ đồng. Mục tiêu của Dự án là để hình thành tuyến đường mới, nối từ Hà Đông đi xuyên qua các huyện phía Nam tỉnh Hà Tây (cũ) phục vụ nhu cầu đi lại của người dân.

Sau 2 năm triển khai thực hiện, tiến độ Dự án vẫn chậm "như rùa bò". Theo tìm hiểu của phóng viên ĐTCK, thời điểm đầu triển khai dự án, vướng mắc trong giải phóng mặt bằng là một trong những nguyên nhân khiến dự án chậm tiến độ. Tuy nhiên, kể từ đầu năm 2010, gần như toàn bộ mặt bằng của đoạn 10 km đã được người dân và địa phương bàn giao cho chủ đầu tư.

"Bán đất" trái luật?

"Bán đất dự án Thanh Hà do Cienco5 làm chủ đầu tư. Các lô liền kề diện tích 100 m2, biệt thự diện tích 240 m2 đến 360 m2, được chọn vị trí, vào tên cho khách mua". Đó là 1 trong 2,16 triệu thông tin liên quan đến dự án Khu đô thị Thanh Hà được tìm thấy trên google.com sau 0,24 giây. Điều này cho thấy, mức độ "sôi động" của việc mua bán đất tại dự án này.

Ngược thời gian về thời điểm tháng 4/2010, thị trường bất động sản Hà Nội sôi động hẳn lên với thông tin CTCP Xây dựng và Thương mại 1/5 có trụ sở giao dịch tại B11, lô B, Khu đô thị mới Trung Hoà - Nhân Chính (Hà Nội) rao bán đất dự án Thanh Hà - Cienco 5. Tuy nhiên, ngay sau đó, lãnh đạo công ty này đã bị cơ quan cảnh sát điều tra khởi tố vì hành vi lừa đảo hàng trăm người. Theo tìm hiểu của chúng tôi, CTCP Xây dựng và Thương mại 1/5 không phải là công ty duy nhất "làm ăn" tại dự án Thanh Hà.

Vụ việc tạm lắng một thời gian cho đến cuối năm 2010, đất dự án Thanh Hà lại "sốt ầm ầm" với những giao dịch mua bán công khai và cam kết "vào tên hợp đồng chính chủ". Theo quy định của pháp luật, cho đến thời điểm này, Dự án Thanh Hà chưa đủ điều kiện để bán, nhưng trên thực tế đã có nhiều hình thức "lách luật" tinh vi và giá bán được đẩy lên gấp 3 - 4 lần giá gốc.

Tại sao dự án chậm tiến độ? Câu hỏi đặt ra là liệu có phải chủ đầu tư chỉ tập trung làm đô thị để thu hồi vốn mà "quên" việc làm đường?

(Theo ĐTCK)

  • 0
  • By Admin
  • 19/02/2011
  • 17