• 0933331087
  • nhadatgialai.company@gmail.com

Đường “chạy” theo đô thị

Tình trạng phổ biến đang diễn ra trong quá trình đô thị hoá ở Hà Nội hiện nay là quá chú trọng đến việc xây dựng các khu đô thị và khai thác, kinh doanh bất động sản, mà không quan tâm nhiều đến việc khai thông “đường dẫn” vào các khu đô thị đó, cũng như kết nối hạ tầng giao thông giữa các khu đô thị với nhau.

Xã Vân Canh (huyện Hoài Đức) là nơi tập trung của một số khu đô thị rất lớn, như Khu đô thị Vân Canh (rộng 64 ha của Tổng công ty đầu tư phát triển nhà và đô thị - HUD), Khu đô thị Đại học Vân Canh (133 ha, của Công ty cổ phần An Lạc) và Khu đô thị Vườn Cam (49 ha, của Công ty cổ phần Vinapol). Bên cạnh đó, còn có Khu đô thị mới Xuân Phương (174 ha) và Khu đô thị Bắc An Khánh (240 ha).

Trong khi các nhà đầu tư đua nhau giải phóng mặt bằng để xây dựng nhà ở để bán, thì các tuyến đường giao thông nối các khu đô thị này với nhau cũng như kết nối với các trục giao thông chính như Quốc lộ 32 và đường Láng - Hoà Lạc lại không được chú ý đầu tư.

Đường “chạy” theo đô thị

Sẽ không khó hình dung tình cảnh người mua nhà ở những khu đô thị này sẽ khó tìm được đường thoát trong tương lai, nếu những tuyến đường dẫn đến các khu đô thị không được xây mới và mở rộng.

Tuyến giao thông Cầu Diễn - Xuân Thủy là một ví dụ. Cách đây 5 năm, tuyến giao thông này rất thông thoáng. Tuy nhiên, kể từ khi các khu đô mới, như Mỹ Đình 1 và 2, Mỹ Đình - Mễ Trì đi vào hoạt động, tuyến này thường xuyên xảy ra tắc nghẽn do lượng người sống ở các khu đô thị này rất đông.

Đó chỉ là một trong hàng chục tuyến đường ở Hà Nội đã và sẽ phải đối mặt với tình trạng quá tải do tốc độ mở đường không theo kịp tốc độ xây dựng các khu đô thị mới. Theo rà soát của Thành phố Hà Nội, toàn Thành phố có 744 đồ án quy hoạch, trong đó đa phần là các dự án đô thị mới và bất động sản tập trung ở địa bàn Hà Tây cũ.

Tình trạng dự án khu đô thị và bất động sản thì nhiều, nhưng dự án mở rộng đường giao thông dẫn đến các khu đô thị và kết nối các khu đô thị với nhau thì ít không chỉ diễn ra ở xã Vân Canh, mà còn phổ biến ở tất cả các khu vực đang đô thị hoá nhanh chóng của Hà Nội.

Ông Trần Văn Cường, Chủ tịch HĐQT, kiêm Tổng giám đốc Tập đoàn Nam Cường, thấu hiểu được tầm quan trọng thiết yếu của việc phát triển hệ thống giao thông trong quá trình đô thị hoá. Theo ông Cường, ở các nước phát triển, đất dành cho giao thông thường chiếm 15 - 25% diện tích đất đô thị.

Trong khi đó, ở một thành phố đông dân như Hà Nội, đất dành cho giao thông chỉ chiếm 5 - 6%, thì không thể tránh khỏi tình trạng tắc nghẽn giao thông. “Với số lượng các khu đô thị bùng nổ nhanh chóng, Hà Nội sẽ phải đối mặt với tình trạng tắc nghẽn giao thông nghiêm trọng nếu không nhanh chóng phát triển hệ thống giao thông kết nối các khu đô thị”, ông Cường nhận xét.

Hiện Tập đoàn Nam Cường đang đẩy nhanh tiến độ xây dựng các tuyến đường do Tập đoàn làm chủ đầu tư. Tuyến đường trục phát triển Bắc Hà Đông (dài 5,1 km, rộng 40 m) đã thông xe kỹ thuật và hoàn thiện các công việc cuối cùng tại các nút giao thông nối với đường Lê Trọng Tấn và Đường 70.

Đoạn 2,7 km nằm trên địa bàn huyện Từ Liêm và Thanh Xuân, kết nối với đường Lê Văn Lương hiện tại cũng đã được khởi công tháng 4/2009. Đối với tuyến đường trục Bắc Nam, công tác đền bù và giải phóng mặt bằng đang được tiến hành. Toàn bộ tuyến đường 63 km sẽ được xây dựng trong vòng 5 năm.

Theo Dau Tu
  • 0
  • By Admin
  • 07/08/2009
  • 17