• 0933331087
  • nhadatgialai.company@gmail.com

Được trải "thảm đỏ", khu công nghiệp mới vẫn vắng

Một nhà môi giới đầu tư ở Bình Thuận cho biết, ông đã giới thiệu doanh nghiệp (DN) khu vực châu Á vào Việt Nam đầu tư từ nhiều năm nay, mới đây, ông vừa để vuột một DN lớn, thay vì về Bình Thuận đầu tư, họ đã thay đổi ý định ngay phút thứ 89 trước lời mời khá cạnh tranh từ chủ đầu tư một KCN ở Bình Phước.

Không chỉ các KCN ở Bình Thuận mới chịu thua thiệt, ngay ở Tp.HCM, các KCN nằm xa trục giao thông huyết mạch đều khó khăn trong kêu gọi đầu tư.

bất động sản khu công nghiệp
Các khu công nghiệp nằm cách xa Tp.HCM khó thu hút đầu tư. Ảnh minh họa

Tại Tp.HCM, hiện có 18 KCN đang hoạt động với tổng diện tích hơn 3.625 ha, trong đó diện tích có thể cho thuê chiếm khoảng 62% tổng diện tích đất, đạt hơn 2.260ha. Thời hạn sử dụng đất của các KCN trung bình còn lại khoảng 36 năm (số liệu theo báo cáo của Cushman & Wakefield).

Do đã thành lập và vận hành nhiều năm nên hầu hết các KCN ở Tp.HCM có tỷ lệ lấp đầy cao, khoảng trên 90%. Tuy nhiên, với những KCN mới đi vào hoạt động tại huyện Nhà Bè, Củ Chi, Bình Chánh thì tỷ lệ lấp đầy vẫn còn thấp, chỉ khoảng dưới 50%.

Về mặt bằng giá, một số nhà môi giới cho biết, giá chào thuê trung bình trong quý cuối của năm 2014 không đổi so với quý trước cũng như cùng kỳ năm trước, đạt 2,598 triệu đồng/m2/thời hạn thuê, chưa gồm VAT. So với Long An, Bình Dương và Đồng Nai, thì giá thuê này cao hơn gấp hai lần.

Để tăng tính cạnh tranh và đa dạng sự chọn lựa cho nhà đầu tư, ban quản lý một số KCN hiện nay chọn xu hướng chuyển từ cho thuê dài hạn đất công nghiệp sang xây dựng nhà xưởng cho thuê với diện tích khoảng 2.000 - 3.000m2, với giá chào thuê khoảng 53.200-74.500 đồng/m2/tháng (tương đương 2,5-3,5USD/m2/tháng, chưa có VAT).

Bắt nguồn từ KCN Long Hậu (Long An), đến nay, nhiều khu ở Đồng Nai (KCN Nhơn Trạch) cũng đang mở rộng diện tích nhà xưởng cho thuê để đáp ứng nhu cầu doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Các chủ đầu tư các KCN ngoài Tp.HCM hiện nay đang đặt kỳ vọng diện tích KCN sẽ được lấp đầy trong tương lai gần với cơ hội đón dòng đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực da giày, dệt may...

Tuy nhiên, một DN lớn trong ngành may mặc thời trang, hiện có nhà máy tại Đồng Nai cho rằng, về lý thuyết, đúng là ngành dệt may, da giày nên "định cư” ở các khu xa Tp.HCM nhưng thực tế lại phát sinh thêm nhiều vấn đề khó giải quyết.

Theo đó, DN này được chủ đầu tư một KCN ở Bà Rịa - Vũng Tàu "trải thảm đỏ” về xây nhà máy nhưng khi tính toán đến lương, cước phí vận chuyển thì giá thành của sản phẩm đã bị đẩy lên gần gấp đôi so với đặt nhà máy gần Tp.HCM.

Ngoài vấn đề chi phí đội lên gấp nhiều lần thì điều đáng lo ngại nhất của nhà sản xuất là nguồn lao động phổ thông không ổn định. Trong khi đó, những người quản lý giỏi lại bám trụ Tp.HCM, không thích di chuyển về các vùng xa hơn. Do vậy, khái niệm "trải thảm đỏ” mời gọi đầu tư vào các KCN cũng cần được xem xét lại.

  • 0
  • By Admin
  • 30/01/2015
  • 17