Đừng để giếng trời thành giếng... trời ơi!
Khi kinh tế phát triển, giếng trời dần dần trở thành không gian quan trọng, thậm chí còn là “dấu ấn” của từng nhà thiết kế. Thấy giếng trời có gắn sỏi đá là biết kiểu này của anh A, giếng trời kẻ sọc ngang dọc là của chị B. Thầu C thường đưa hồ nước chảy tràn trong giếng trời, còn kiến trúc sư D thì lại chuộng thủ pháp làm bông sắt tạo các hoa văn cho nắng chiếu qua tạo bóng lên tường thật thú vị.
Không gian giếng trời cũng “cao cấp” dần lên theo chi phí đầu tư xây dựng và trình độ thưởng ngoạn của gia chủ. Nhưng nói như anh Phạm Ngọc H., một “khổ chủ” ở quận Bình Thạnh thì: “Đi đâu loanh quanh cho đời mỏi mệt, bây giờ nếu làm lại nhà thì tôi chỉ cần khoảng giếng trời thông thoáng đơn giản, đừng có đặt, treo, leo, quấn gì trong đó hết!”. Tại sao vậy, dù ai cũng biết vai trò không thể bàn cãi của giếng trời về mặt thông thoáng và thẩm mỹ?
Có lẽ giếng trời cũng chung cảnh “vẽ dễ xài khó” với bồn hoa, sân thượng. Thường triển khai chi tiết thiết kế thì bản vẽ có đủ cả, nhưng khi ra thực tế thì cây cối trồng trong giếng trời nằm tuốt dưới trệt không có đủ nắng gió để phát triển, nhiều nhà đành phải sử dụng cây giả. Nếu ai thích giếng trời lộ thiên hoặc làm mái di động chạy ra chạy vào thì lại vấp phải chuyện mưa tạt gió hắt tơi bời, đóng không kịp mái thì ngập lụt như chơi!
để giảm hẳn góc nhìn xuống giếng trời sâu hun hút khi đi lên xuống
Rồi thêm chuyện an ninh chống trộm nữa, từ nhà rộng có giếng trời theo kiểu sân trong, cho đến nhà nhỏ làm giếng trời chút xíu dưới 1m2 cũng đều lo canh cánh chuyện bảo vệ. Đại đa số vẫn chọn giải pháp… chụp một giàn khung sắt và bộ mái lấy sáng lên trên cho chắc ăn. Khung sắt đẹp còn đỡ, chứ vuông vuông dày cộp làm không khéo sẽ dễ biến thành… chuồng cọp. Mái lấy sáng cũng vậy, khá nhiều tấm lợp được quảng bá này nọ, nhưng nếu ham rẻ chọn nhầm loại kém chất lượng thì chỉ một thời gian chịu mưa nắng là đã cong vênh, lão hoá hay bụi đóng mờ tịt, lau chùi rất khó khăn.
Vẫn còn nhiều giếng trời sâu hun hút có thiết kế đèn treo tường, giàn móc hoa cảnh nhưng bản vẽ lại không tính đến chỗ đi ra (hoặc vươn tay ra) sửa chữa khi đèn hư hay muốn thay đổi cây cối được, khiến gia chủ chỉ biết than trời nhìn cây héo úa. Giếng trời nếu làm quá “cứng” – tức là tường phẳng, sơn láng – thì dễ dội âm khiến nhà lúc nào cũng nghe thấy ồn ào. Khi nhà có trẻ nhỏ hoặc người già, người mắc bệnh sợ độ cao thì giếng trời và khu vực cầu thang cần thiết kế theo kiểu có khung bảo vệ, giảm bớt nguy hiểm trong giếng trời.
Theo kiến trúc sư Lâm Quốc Thống, những mảng tường giếng trời cần tính toán theo thực tế chứ không thể “vẽ” như một bức tranh khổng lồ xổ từ trên xuống được. Lý do là phụ thuộc nhiều yếu tố thực tế khi thi công như: góc nhìn toàn cảnh, góc chiếu sáng, khả năng hoàn thiện, cách bảo trì và sử dụng sau này. Chính KTS Thống đã phải chỉnh sửa đến ba lần cho giếng trời một ngôi nhà phố ở Phú Nhuận, để sản phẩm cuối cùng là một thiết kế đơn giản hơn, hợp hoàn cảnh hơn và hiệu quả hơn, để gia chủ không phải than thở mỗi khi đóng mở mái che, tưới cây lắp đèn trong giếng trời nữa.
Trên thực tế có nhiều gia chủ thắc mắc là: mặt bằng sàn tầng lầu ngôi nhà có đến hai giếng trời tổng diện tích thông thoáng gần 10m2 mà sao không được trừ diện tích tính chi phí thiết kế và thi công phần đó? Thực ra tuy không đổ tấm sàn nhưng việc trang trí bên trong các mặt tường của giếng trời lại còn tốn công và vật tư hơn là làm một căn phòng bình thường, gần như là hoàn thiện thêm một mặt tiền ở bên trong nhà vậy.
Theo KTS Thái Hoàng Dưỡng thì nên hiểu vai trò thông thoáng lấy sáng của giếng trời vẫn phải ưu tiên hàng đầu, các trang trí khác cần cân nhắc theo thực tế sử dụng để gia giảm cho phù hợp, tránh lãng phí khi xây dựng và khó khăn về sử dụng, bảo trì sau này.
- 300
- By Admin
- 01/06/2010
- 17