Dừng cấp phép dự án BĐS: Hậu quả ai chịu?
Hàng tồn BĐS còn rất lớn.
Theo ước tính của Bộ Xây dựng, cả nước có trên 4.000 dự án nhà ở, sử dụng tới 102.000 ha đất. Nếu đầu tư tất cả các dự án này phải mất khoảng 4,5 triệu tỷ đồng, tạo ra gần 3 triệu căn hộ. Với khả năng của nền kinh tế hiện nay, không thể nào trong trung hạn có thể giải quyết được khối lượng các dự án lớn như vậy.
Bộ trưởng Xây dựng Trịnh Đình Dũng giải thích, số dự án được cấp phép vừa qua quá lớn so với nhu cầu thực của thị trường và khả năng thanh toán của nền kinh tế.
"Một bài học là trong một thời gian dài chúng ta đã quá tin tưởng thị trường, tư tưởng thị trường hóa ở trong quá trình quản lý cho nên thị trường phát triển tự phát, phong trào. Điều này dẫn đến khó khăn của thị trường BĐS trong thời gian vừa qua. Đến hôm nay chúng ta vẫn còn đang rất nặng nề để tháo gỡ", Bộ trưởng cho biết.
Hiện nhiều dự án được cấp phép rồi nhưng đã dừng, chẳng hạn như Tp.HCM có đến 689 dự án, tương đương với hơn 7.000 ha đất; thành phố Hà Nội cũng có khoảng gần 100 dự án dừng... Trong khi chúng ta đang phải dừng những dự án đã cấp phép rồi thì không có lí do gì chúng ta lại cấp phép cho những dự án mới.
Đánh giá về thị trường BĐS những tháng đầu năm 2014, Bộ Xây dựng cho rằng, tuy có xu hướng "ấm" dần nhưng còn nhiều khó khăn, như lượng hàng tồn kho khá lớn, nhiều dự án xa trung tâm, thiếu hạ tầng nên không bán được. Đặc biệt, giá BĐS vẫn ở mức cao so với mặt bằng thu nhập của người dân. Doanh nghiệp đầu tư vẫn khó khăn do lãi suất vẫn khá cao và khó tiếp cận nguồn vốn từ các tổ chức tín dụng khi chưa trả được nợ cũ.
Nhiều dự án dở dang, người mua nhà không nộp được tiền theo tiến độ, Bộ Xây dựng tiếp tục đề nghị Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các địa phương, một mặt nghiêm túc phân loại dự án, kiên quyết dừng dự án không phù hợp quy hoạch, kế hoạch và nhu cầu thị trường, mặt khác không cấp phép đầu tư dự án phát triển nhà ở thương mại, dự án khu đô thị mới trong năm 2014. Thậm chí, những dự án đã giải phóng mặt bằng nhưng không phù hợp nhu cầu, tạm thời cho điều chỉnh mục đích sử dụng đất có thời hạn và cho phép chủ đầu tư khai thác kinh doanh tạm.
Tuy nhiên, Bộ Xây dựng cũng để ngỏ quy định "trường hợp đặc biệt, các địa phương phải báo cáo cụ thể với Bộ xem xét, thẩm định trước khi trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định".
Nhất trí với đề xuất của Bộ Xây dựng, ông Trần Ngọc Hùng, chủ tịch Tổng hội xây dựng kiến nghị đưa ra tiêu chí cụ thể với những dự án nhất quyết không cấp phép hay những dự án dang dở buộc phải thu hồi để vẫn có "cửa" cho những dự án mới trong khu vực trung tâm, có khả năng tiêu thụ tốt.
Nhiều dự án đang dở dang
Phát sinh nhiều hệ lụy
Về đề xuất của Bộ Xây dựng, một số chuyên gia khẳng định đây là biện pháp "phi thị trường". TS. Phạm Sỹ Liêm cho rằng, kiến nghị này thiếu tư duy thị trường. Thị trường vận hành theo quan hệ cung - cầu chứ không phải cho phép hay không cho phép. "Không có lý do gì để ngừng cấp phép các dự án mới, không thể cấm sản xuất 'xăng đan' khi đang thừa 'ủng'. Vì thế, kiến nghị này rất vô lý", ông Liêm nói.
Theo ông Nguyễn Trung Tín, Phó Chủ tịch UBND Tp.HCM, việc giải quyết hậu quả những dự án tồn kho không liên quan đến vấn đề xét phép cho dự án mới. Ngừng cấp phép, theo ông Tín, sẽ gây không ít khó khăn, hệ quả quả khác khi nhiều dự án đã được chuẩn bị mặt bằng, thủ tục vài năm qua, giờ đến khâu chốt sau cùng là xin giấy phép triển khai thì bị đình lại.
Lãnh đạo Sở Xây dựng Hà Nội Nguyễn Thế Hùng cho rằng, thay vì không cấp phép đầu tư dự án nhà thương mại mới thì Hà Nội đề nghị chỉnh chính sách, yêu cầu địa phương tăng cường rà soát, kiên quyết dừng những dự án chậm tiến độ vì thiếu nguồn lực. Còn nếu dự án khó khăn trong giải phóng mặt bằng thì cho phép điều chỉnh quy mô, tiến độ và nhà đầu tư khi đó phải chứng minh năng lực triển khai dự án.
Ông Richard Leech, Giám đốc điều hành CBRE, nhận định, việc tạm dừng các dự án mới, đồng nghĩa với việc bắt thị trường phải hấp thụ những dự án cũ, trong khi chất lượng các dự án này chưa chắc đã tương thích với nhu cầu thị trường.
"Các cơ quan nhà nước cần tập trung quản lý thị trường BĐS tốt hơn bằng cách quy hoạch chặt chẽ, nâng cao chất lượng dự án đồng bộ với phát triển hạ tầng kinh tế xã hội... để thị trường phát triển đúng hướng, phù hợp với nhu cầu", ông Richard Leech nhấn mạnh.
- 133
- By Admin
- 05/05/2014
- 17