• 0933331087
  • nhadatgialai.company@gmail.com

Đưa "nhà" vào lương: Sao mãi vẫn chưa thấy?

Cơ quan soạn thảo sẽ phải tự hỏi về kết quả này, song có lẽ người dân cũng không nên mãi thờ ơ với những chính sách sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống của chính mình như vậy.

Lương thấp, giấc mơ nhà cũng… bé!

Từ năm 1991, Nhà nước đã có chủ trương đưa tiền nhà ở vào tiền lương để người làm công ăn lương tự chủ trong việc tạo lập chỗ ở, xóa bỏ tình trạng bao cấp về nhà ở trước đó. Năm 1992, Thủ tướng Phan Văn Khải khi đó đã ra Quyết định số 118/TTg về giá thuê nhà và đưa tiền nhà ở vào tiền lương. Bắt đầu từ năm 1993, chính thức thực hiện cải cách tiền lương, với mức lương tối thiểu là 120.000 đồng/tháng thì tiền nhà ở trong đó là 9.000 đồng, chiếm 7,5%. Đến 31/12/2009, thời điểm Bộ Xây dựng làm dự thảo, cả nước có 1.080.651 cán bộ công chức tính đến cấp xã, với mức lương bình quân 3 triệu đồng/tháng. Trong đó, tiền nhà chỉ chiếm 7,5% tức là 225.000 đồng/tháng. Hiện nay, sau khi lương cơ bản đã được nâng thêm 13,7% so với thời điểm đó, thì mức tiền nhà trong lương là 256.000 đồng/tháng. Thế nhưng, hỏi bất cứ sinh viên hay công nhân lao động đang thuê trọ nào tại các thành phố bây giờ, họ đều biết, số tiền này không đủ cho trả 1/2 tháng tiền thuê nhà cho mỗi người. Vậy, khoảng 1,1 triệu cán bộ công chức đang xoay xở như thế nào với khoản tiền nhà 256.000 đồng/tháng?
Có ý kiến cho rằng, chưa "tính đủ", nhiều cán bộ công chức đã có nhà, có xe? Tuy nhiên, cần thấy đó chỉ là thiểu số, ai cũng biết đa phần cán bộ công chức làm công ăn lương đang trầy trật với đồng lương của mình. Kinh nghiệm chống tham nhũng của Singapore những năm 1980 chỉ ra động cơ tham nhũng trong khối nhân viên nhà nước và quan chức có thể giảm bớt nếu lương và phụ cấp của họ có tính cạnh tranh với khu vực tư nhân.

Người ta đã kỳ vọng vào một cuộc cải cách tiền lương, không ít quan chức Bộ Xây dựng đã chính thức đặt ra vấn đề này trên báo chí, nhưng cuối cùng, tại bản Dự thảo lấy ý kiến chỉ có vỏn vẹn một dòng "...đồng thời từng bước cần có giải pháp điều chỉnh cơ cấu tiền lương và thu nhập theo hướng bổ sung chi phí nhà ở để cán bộ, công chức, viên chức có đủ khả năng tự giải quyết chỗ ở của mình". Cụm từ đó đã được bôi đậm, in nghiêng trong dự thảo, nhưng nó lại không đi kèm bất cứ một giải pháp hay kế hoạch cụ thể nào để thực hiện. Vậy thì kỳ vọng tính đúng, tính đủ tiền nhà vào lương sẽ còn rất rất xa vời!

Trong khi, không mấy mặn mà với các giải pháp để thực hiện việc đưa tiền nhà vào lương nhằm giúp người lao động có thể tự chủ trong việc tạo lập nhà ở, thì cơ quan soạn thảo lại tỏ ra sốt sắng với các loại quỹ. Nếu dự thảo được thông qua, bên cạnh Quỹ bình ổn giá xăng dầu, Quỹ bình ổn giá điện, người dân sẽ phải trực tiếp trích ra từ lương một khoản không nhỏ tiền Quỹ tiết kiệm nhà ở và chi gián tiếp một khoản khác thông qua ngân sách để đóng góp vào Quỹ phát triển nhà ở.

Cơ hội của... "Quỹ"?!

Quỹ tiết kiệm nhà ở được hình thành từ đóng góp của người lao động từ tiền lương hàng tháng. Theo ban soạn thảo, có những quốc gia quy định ở mức cao từ 10 - 15%, mức thấp từ 3 - 5%. Quỹ này sẽ được dùng để đầu tư xây dựng nhà ở xã hội và cho người mua hoặc thuê nhà ở vay ưu đãi. Người gửi tiền sau 10 - 15 năm sẽ được mua nhà ở xã hội bằng tiền tiết kiệm. Nếu người gửi không có nhu cầu mua nhà ở thì khi nghỉ hưu sẽ được trả cả gốc lẫn lãi. Bộ Xây dựng sẽ "Chủ trì nghiên cứu, đề xuất mô hình thành lập Quỹ tiết kiệm nhà ở", nếu dự thảo được thông qua. Theo tính  toán của ban soạn thảo, với hơn 1,1 triệu cán bộ công chức và mức lương bình quân 3 triệu đồng/tháng, thì chỉ cần thu 1% tiền lương tháng của người lao động thì mỗi năm sẽ được khoảng gần 400 tỷ đồng. Đây là con số không nhỏ, nếu so sánh với tiền thu từ thuế thu nhập doanh nghiệp từ chuyển nhượng bất động sản năm 2009 chỉ là hơn 1.000 tỷ đồng.

Dự thảo của Bộ Xây dựng đề xuất lập ba loại quỹ, nhưng đáng chú ý nhất là Quỹ phát triển nhà ở và Quỹ tiết kiệm nhà ở, vì hai loại quỹ này một trích từ ngân sách, một lấy trực tiếp từ lương người lao động. Theo đó, Quỹ phát triển nhà ở theo quy định của pháp luật về nhà ở lấy từ nguồn thu tiền bán, cho thuê nhà ở thuộc sở hữu Nhà nước; tiền sử dụng đất thu được của các dự án phát triển nhà ở, mức tối thiểu là 10% và tiền ngân sách của địa phương. Số tiền dành cho quỹ này không hề nhỏ khi chỉ đơn cử như năm 2009, thu tiền sử dụng đất đã là 33.000 tỷ đồng.

Giá xăng dầu, giá điện, giá than... đang thị trường hóa, tiệm cận mức "tính đúng, tính đủ" theo thị trường, thuế Thu nhập cá nhân đã áp dụng được hơn 2 năm, chỉ có lương của cán bộ công chức là chưa được tính đúng, tính đủ. Tưởng như Bộ Xây dựng sẽ đề xuất một cuộc cách mạng, tính đủ giá nhà ở vào tiền lương, nhưng cuối cùng lại chỉ là "phình" thêm các loại quỹ. Có lẽ đã đến lúc chúng ta phải lựa chọn: Tăng lương để cán bộ công chức tự quyết định chuyện nhà ở của mình, hay tăng thêm các loại quỹ để quản lý, phân phối... quỹ? Lại quanh quẩn "phân phối nhà" mà chắc gì đã khá hơn câu chuyện mua bán nhà thu nhập thấp ở Hà Nội vừa qua?

Ông Lê Duy Hiếu, Chuyên gia kinh tế Viện Kinh tế Việt Nam: Trích quỹ 15 năm cũng chẳng thể có nhà

"Thứ nhất về đề xuất trích 5-10% tiền lương cán bộ công chức có nhu cầu về nhà ở để lập Quỹ tiết kiệm là không khả thi. Với giá bất động sản hiện nay, với khoản trích ra như vậy thì 10-15 năm tôi không thấy có cách nào để công chức có nhà được, đấy là chưa nói đến việc quản lý cái quỹ như thế nào. Còn đề xuất đưa giá nhà vào tiền lương công chức, Bộ Xây dựng chỉ có thể đề xuất theo chức năng quản lý của mình. Đây là vấn đề lớn, cần có kế hoạch tổng thể và thuộc thẩm quyền của Chính phủ".
 
PGS.TS Đỗ Đức Định, Viện Nghiên cứu Châu Phi và Trung Đông: Ai cũng muốn nhưng… không thể!

"Có thể nói tất cả những người làm công ăn lương ai cũng muốn có thể sống bằng lương, nhưng hiện nay chỉ có các công ty tư nhân mạnh và công ty nước ngoài là có thể trả lương cho người lao động của mình đáp ứng nhu cầu đó. Nâng lương công chức (để có tiền nhà - PV) là chủ trương đúng đắn, nhưng nói là thực hiện ngay ở Việt Nam hiện nay là không thể. Chúng ta đang gặp một rào cản rất lớn là thói quen "lương chính", "lương phụ" mà "lương phụ" thực chất lại là "lương chính". Tuy nhiên, tôi cho rằng về lâu dài Nhà nước cần đặt ra mục tiêu này, với một lộ trình cụ thể và bài bản".

(Theo Giadinh.net)

  • 133
  • By Admin
  • 28/06/2011
  • 17