• 0933331087
  • nhadatgialai.company@gmail.com

Dự thảo nghị định về quản lý nhà thuộc sở hữu nhà nước

Bộ Xây dựng vừa hoàn chỉnh lần cuối Dự thảo Nghị định Về quản lý sử dụng nhà ở thuộc sở hữu nhà nước sau khi tổng hợp ý kiến các thành viên Chính phủ tham gia góp ý vào dự thảo Nghị định.
 
Sẽ có thêm nhiều đối tượng được thuê, thuê mua nhà ở thuộc sở hữu nhà nước.


Theo đó, sẽ có nhiều đối tượng được thuê, thuê mua cũng như được miễn giảm giá khi thuê, mua nhà ở thuộc sở hữu nhà nước. Người được thuê mua nhà ở xã hội phải thanh toán ngay lần đầu tiền thuê mua bằng 20% giá trị của nhà ở và phải có hộ khẩu thường trú hoặc có hợp đồng lao động có thời hạn từ một năm trở lên và có đóng bảo hiểm xã hội tại địa phương nơi có nhà ở cho thuê...

Nhà ở thuộc sở hữu nhà nước quy định trong Nghị định này bao gồm: Nhà ở công vụ, nhà ở xã hội, nhà ở sinh viên, nhà ở cũ (nhà ở được tạo lập bằng vốn từ ngân sách nhà nước hoặc có nguồn gốc sở hữu khác được chuyển sang xác lập thuộc sở hữu nhà nước và được bố trí sử dụng vào mục đích để ở theo quy định của pháp luật, bao gồm cả nhà ở thuộc diện tự quản.

Những đối tượng thuộc diện được thuê, mua nhà ở xã hội thuộc sở hữu Nhà nước bao gồm: Người có công với cách mạng; cán bộ, công chức, viên chức; lực lượng vũ trang; công nhân; người thu nhập thấp, hộ nghèo có khó khăn về nhà ở tại khu vực đô thị; người khuyết tật, người già cô đơn và các đối tượng đặc biệt có khó khăn về nhà ở tại khu vực đô thị.

Đáng chú ý, hộ gia đình, cá nhân thuộc diện tái định cư mà chưa được bố trí đất ở hoặc nhà ở tái định cư cũng nằm trong diện người được thuê mua nhà ở thuộc sở hữu nhà nước.

Đối với nhà ở cũ, đối tượng và điều kiện thuê nhà là người đang thực tế thuê nhà ở và có nhu cầu tiếp tục thuê nhà ở đó. Trường hợp người đang thực tế sử dụng nhà ở và có tên trong hợp đồng thuê thì không phải ký lại hợp đồng thuê nhà, trừ trường hợp hợp đồng thuê nhà ở hết hạn và các bên phải ký lại hợp đồng.

Trường hợp người đang thực tế sử dụng nhà ở và không có tên trong hợp đồng thuê nhà ở nhưng có tên trong quyết định phân phối, bố trí nhà ở thì phải làm thủ tục ký hợp đồng thuê nhà với đơn vị quản lý vận hành nhà ở.

Nếu người đang thực tế sử dụng nhà ở mà không có tên trong hợp đồng thuê nhà ở và không có tên trong quyết định phân phối, bố trí nhà ở, nhà ở đó không có tranh chấp thì phải được cơ quan quản lý nhà ở chấp thuận bằng văn bản và phải làm thủ tục ký hợp đồng thuê nhà với đơn vị quản lý vận hành nhà ở.

Đặc biệt, trong Dự thảo quy định rõ: Thủ tướng Chính phủ là đại diện chủ sở hữu đối với nhà ở công vụ của các cơ quan nhà nước và các tổ chức chính trị - xã hội ở trung ương, nhà ở được đầu tư xây dựng bằng nguồn vốn ngân sách trung ương và giao cho các cơ quan sau đây thực hiện các quyền của đại diện chủ sở hữu.

Bộ Xây dựng là cơ quan của Chính phủ thực hiện thống nhất chức năng quản lý nhà nước về nhà ở thuộc sở hữu nhà nước trong phạm vi cả nước, có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành và Ủy ban nhân dân cấp tỉnh tổ chức triển khai thực hiện các quy định của Nghị định này cũng như giúp Thủ tướng Chính phủ kiểm soát việc thực hiện các quyền của đại diện chủ sở hữu của các Bộ, ngành trung ương đối với nhà ở thuộc sở hữu nhà nước được giao quản lý...

Dự thảo Nghị định cũng quy định về nhiều vấn đề khác liên quan đến nhà ở thuộc sở hữu nhà nước như: Giải quyết cho thuê đối với nhà ở và nhà không có nguồn gốc là nhà ở nhưng được bố trí để ở sau ngày 27/11/1992; các trường hợp thu hồi nhà ở thuộc sở hữu nhà nước; quy định về đối tượng được mua và điều kiện nhà ở thuộc sở hữu nhà nước thuộc diện được bán và giá bán nhà ở thuộc sở hữu nhà nước...
  • 174
  • By Admin
  • 18/01/2013
  • 17