Dự thảo luật thuế nhà đất: Lẫn lộn các mục tiêu?
Hầu hết các ý kiến đều cho rằng, mục tiêu của thuế nhà đất đang được xây dựng là nhằm đảm bảo các mục tiêu như: tăng thu ngân sách, chống đầu cơ, đảm bảo công bằng xã hội…Tuy nhiên, theo như những gì mà dự thảo luật thuế nhà đất đưa ra thông qua việc căn cứ đối tượng, cách thức tính thuế, đối tượng chịu thuế… thì nhiều ý kiến đã cho rằng, những mục tiêu của dự thảo đề ra không những khó đạt được mà còn ít tạo được đồng thuận trong dư luận.
Nhiều chuyên gia còn băn khoăn về cách thức tính thuế nhà đất.
Khó chống đầu cơ
Theo GS Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, đành rằng cách đánh thuế nhà đất theo thuế nông nghiệp như hiện nay là không còn phù hợp và không có ý nghĩa, kể cả cho mục đích điều tiết lợi ích từ sử dụng đất lẫn cho mục đích tạo nguồn thu cho ngân sách, không kiểm soát được tình trạng đầu cơ đất đai.
Tuy nhiên, nếu dự thảo lấy giá trị nhà để làm căn cứ để tính thuế thì sẽ không phù hợp với thực tế của đất nước hiện nay và cũng không chống được đầu cơ nhà đất. Lý do là bởi, nếu tính theo giá trị thì sẽ không thể hiện được ai sở hữu nhà nhiều hay ít, từ đó sẽ dẫn tới lãng phí nhà đất.
Hơn nữa, việc xác định giá trị nhà là một việc khá “động”, dễ dẫn đến những tiêu cực, tham nhũng, khiếu kiện khi xác định tính thuế. Đặc biệt, dự thảo không nên xem tiêu chí tăng thu cho ngân sách là một trong những tiêu chí quan trọng mà nên hướng tới làm sao để luật trở thành một công cụ quan trọng nhằm chống hoạt động đầu cơ nhà đất.
Còn theo ông Phạm Sỹ Liêm, Phó chủ tịch Tổng hội Xây dựng, mục tiêu hàng đầu của dự thảo là hạn chế đầu cơ nên các nhà soạn thảo dự thảo luật thuế nhà đất dường như đang bị tâm lý chống đầu cơ “đè nặng” khi xây dựng luật. Thế nhưng, trên thực tế thì chúng ta vẫn chưa thể kiểm soát được tình trạng đầu cơ nhà đất cũng như đánh giá tác hại của nó gây ra, bởi không có một thống kê nào được công bố cả.
Hơn nữa, theo ông Liêm, trong khi chúng ta chưa có được định nghĩa thế nào là đầu cơ thì cũng không nên gán cho những mảnh đất chưa được đưa vào sử dụng là đất thuộc dạng đầu cơ, bởi có rất nhiều nguyên nhân. Nhưng ngược lại, có những mảnh đất dù đang được nông dân trồng lúa nhưng trên thực tế thì đã được bán cho các nhà đầu cơ từ mấy năm trước.
“Trong quá trình xây dựng luật tất yếu là phải tham khảo các nước đi trước. Tuy nhiên, có những điều chúng ta không thể áp dụng giống họ vì thực lực nền kinh tế cũng như nguồn nhân lực của chúng ta còn đi sau họ rất nhiều.”, ông Liêm nói.
Chính vì vậy, theo ông Liêm, nếu chỉ vì một mục tiêu “mơ hồ” nào đấy mà bắt hàng triệu người khác phải chịu nộp khoản thuế “chống đầu cơ” là một điều cần phải cân nhắc.
Có đảm bảo công bằng?
Theo TS Phạm Sỹ Liêm, việc áp dụng biểu suất thuế chung đối với nhà như dự thảo là không hợp lý mà nên phân thành các vùng giàu, đô thị, vùng miền núi, miền xuôi với các mức khác nhau. Đối với nhà thì nên áp dụng cụ thể hơn nữa chứ không nên chỉ áp dụng cho nhà cấp 3, cấp 4…mà nên áp dụng cho từng địa phương, từng khu vực, vùng miền. Thậm chí cùng là khu vực nghèo cũng phải tính thuế khác nhau bởi có khu vực nghèo thật nhưng có khu vực nghèo nhưng đang trên đà phát triển.
Ngoài ra, dự thảo cũng không nên cộng các nhà lại để thu thuế, bởi thực tế có nhiều người có cả nhà ở nông thôn và thành thị, nhưng nhà nông thôn thì không phải là sự đầu cơ nhưng vẫn phải nộp thuế đất lũy tiến.
Còn theo TS Nguyễn Minh Phong, Trưởng phòng nghiên cứu kinh tế - Viện nghiên cứu phát triển kinh tế-xã hội Hà Nội, nếu giá tính thuế đối với nhà, đất được ổn định trong vòng 5 năm kể từ năm tính thuế đầu tiên theo quy định của dự thảo luật thì sẽ đánh đồng các nhà đã hết thời hạn khấu hao, qua sử dụng nhiều năm với các nhà mới xây dựng. Quy định này có thể tạo thuận lợi và mang lại nhiều lợi ích cho cơ quan thu thuế, nhưng chắc chắn sẽ gây thiệt thòi cho người dân nghèo.
Ngoài ra, theo ông Phong, việc tính hệ số phân bổ cho các tầng nhà chung cư, nhà nhiều tầng và nhà nhiều hộ ở để tính giá thuế đất sẽ có 2 bất cập. Một mặt, sẽ không khuyến khích xây nhà cao tầng nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng đất như mục tiêu đặt ra ban đầu cho Luật thuế Nhà, đất. Mặt khác, sẽ gây bất bình đẳng xã hội vì người ở tầng cao không có đất sao vẫn phải nộp thuế đất; hoặc người có đất xây nhà càng cao tầng càng phải nộp nhiều thuế đất, trong khi vẫn phải nộp nhiều thuế nhà hơn người xây ít tầng.
Theo Vneconomy
- 0
- By Admin
- 01/09/2009
- 17