Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) đã bám sát thực tế?
Tránh lãng phí, linh hoạt và tăng hạn mức được coi là những điểm mới tích cực trong dự thảo này, tuy nhiên, về tổng thể, nhiều chuyên gia đánh giá Dự thảo Luật vẫn chưa thoát khỏi tư duy cũ.
Đất bỏ hoang tại KCN Soài Rạp, huyện Gò Công Đông, Tiền Giang |
Theo báo cáo thẩm tra của UB Kinh tế: Dự án Luật đất đai (sửa đổi) được trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến và thông qua sớm hơn dự kiến.
Điểm mới...
Chủ nhiệm UB Kinh tế Nguyễn Văn Giàu cho biết: Đa số ý kiến tán thành quy định nhà nước chủ động thu hồi đất theo kế hoạch sử dụng đất hàng năm đã được phê duyệt và tán thành việc quy định cụ thể các trường hợp nhà nước thu hồi đất để sử dụng vào các mục đích quốc phòng, an ninh, phục vụ lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng và các dự án phát triển kinh tế - xã hội.
Trong báo cáo thẩm tra, đa số ý kiến cho rằng, đất đai thuộc sở hữu toàn dân do nhà nước đại diện chủ sở hữu nên giá đất phải do nhà nước quyết định, bao gồm khung giá đất và mức giá cụ thể. Khung giá đất, bảng giá đất được điều chỉnh linh hoạt, phù hợp với từng loại đất, các đối tượng sử dụng đất và các trường hợp giao đất, cho thuê đất. Có cơ chế xử lý chênh lệch giá đất tại khu vực giáp ranh giữa các địa phương. Nhiều ý kiến tán thành nguyên tắc giá đất do nhà nước quy định theo mục đích sử dụng đất tại thời điểm định giá, đảm bảo phù hợp với cơ chế thị trường có sự quản lý của nhà nước.
Về thời hạn giao, cho thuê đất nông nghiệp đối với hộ gia đình, cá nhân cũng như hạn mức giao đất và hạn mức nhận chuyển quyền sử dụng đất, ông Nguyễn Văn Giàu cho biết: Đa số ý kiến tán thành việc quy định thời hạn giao, cho thuê đất nông nghiệp đối với hộ gia đình, cá nhân là 50 năm vì thời hạn này sẽ tạo điều kiện cho người nông dân yên tâm đầu tư sản xuất, nâng cao hiệu quả sử dụng đất.
... chưa thoát khỏi tư duy cũ
Tuy nhiên nhiều ý kiến vẫn cho rằng, dự thảo luật đất đai sửa đổi mới chỉ điều chỉnh về mặt kỹ thuật còn về bản chất không có nhiều thay đổi sơ với Luật Đất đai 2003. Và muốn tạo ra bước đột phá cũng như khắc phục tình trạng vài năm sửa luật một lần thì cần phải thay đổi tư duy. Bởi về quan điểm dự thảo Luật Đất đai sửa đổi lần này vẫn tiếp tục khẳng định đất đai thuộc sở hữu toàn dân do nhà nước đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý; nhà nước không thừa nhận việc đòi lại đất đã giao cho các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân trong quá trình thực hiện các chính sách đất đai; Không đặt vấn đề điều chỉnh lại đất nông nghiệp đã giao cho hộ gia đình và cá nhân.
Tại các cuộc hội thảo lấy ý kiến trước đây, nhiều ý kiến cho rằng, để có sự thay đổi cơ bản về chất phải chuyển thể chế đất đai thuộc sở hữu toàn dân thành đa sở hữu. Khi đó một loạt vấn đề như giao, cho thuê, thu hồi, định giá đất... tự nhiên biến mất khỏi chương trình làm việc của các cấp chính quyền, cũng không lo nhà nước không có đất cho các công trình lợi ích quốc gia. Thể chế đa sở hữu không loại trừ quyền nhà nước trưng thu, trưng mua đất (và các tài sản khác) vì lợi ích quốc gia, nhưng thủ tục phải minh bạch và không thể lạm dụng. Cũng không sợ nếu người sử dụng đất có quyền sở hữu đất thì sẽ tạo điều kiện cho người giàu tích tụ đất, khoét sâu hố phân cách giàu nghèo.
Thực tế ở ĐBSCL và nhiều nơi cho thấy chỉ có người có vốn, lại mê và biết kinh doanh nông nghiệp mới tích tụ được đất. Và nếu họ thực hiện được thì sản xuất sẽ tăng trưởng cao, đất đai được sử dụng hiệu quả hơn, công ăn việc làm sẽ nhiều hơn, thu nhập của người mất đất cũng cao hơn là sản xuất trong nghèo nàn và trên những mảnh đất manh mún.
Trong cuộc hội thảo cách đây không lâu do VCCI tổ chức, ông Nguyễn Tiến Lập - Văn phòng NH Quang và Cộng sự cho rằng: đất đai thuộc sở hữu toàn dân chỉ là hư quyền. Khái niệm toàn dân ở đây có thể hiểu theo rất nhiều cách. Nhưng đất đai chỉ là những thửa đất, mành đất chứ không phải là lãnh thổ. Chúng ta sai về khái niệm như vậy, và từ cái sai đó chúng ta tăng quyền của nhà nước trong Luật này.
Đọc dự thảo luật ta thấy toàn bộ là quyền của nhà nước, mục tiêu của Luật là tăng cường quyền của nhà nước. Tuy nhiên, quyền nhà nước ở đây là quyền gì? Quyền nhà nước với tư cách là chủ sở hữu thì trong luật dân sự nhà nước là một pháp nhân, như vậy có quyền bán đất và không thể giữ mãi quyền sở hữu đó được. Và khi nhà nước đã chuyển nhượng quyền sử dụng đất cho người khác rồi thì đó là quyền của người ta, không phải bàn cãi nữa, đó là xét một cách sòng phẳng về mặt dân sự. Còn quyền của quản lý nhà nước thì lại khác, cần phải vô tư khách quan, nhà nước là trọng tài, không thể vừa đá bóng vừa thổi còi, không thể lẫn lộn giữa chủ sở hữu và quản lý đất đai, đây là điều rất nguy hiểm.
GS Đặng Hùng Võ : Chưa trúng
Đứng trên góc độ DN, chúng ta thấy cơ chế chuyển dịch đất đai từ nông nghiệp sang phi nông nghiệp đang là vấn đề nóng nhất hiện nay. Nó là nguồn gốc hay nó chứa đựng nguy cơ tham nhũng, khiếu kiện của dân. Tôi cho rằng, đây là hai hệ quả nóng hiện nay. Vấn đề đặt ra là chúng ta chọn cơ chế nào? Tôi không nhất trí với cách tiếp cận của dự thảo, tất nhiên trong đó cũng có ý chống tham nhũng như không áp dụng cơ chế thu hồi đất theo dự án (tức là thu hồi đề giao trực tiếp cho một nhà đầu tư) mà chủ yếu là thu hồi đất theo quy hoạch để đưa ra đấu giá cho các hình thức sản xuất kinh doanh, còn thu hồi đất theo mục đích quốc phòng an ninh thì tất nhiên vẫn theo cơ chế dự án, bởi vì dự án đó đã được định hướng và định hình rồi. Dự thảo có cho phép cơ chế thỏa thuận nhưng không có cải tiến gì thêm đối với cơ chế này đặc biệt là dự án nhỏ. Đối với vấn đề này, tôi cho rằng chúng ta vẫn chưa đi trúng cái mà chúng ta cần trong việc đổi mới cơ chế chuyển dịch đất đai (tức là làm gì để có đất cho đầu tư phát triển các dự án phi nông nghiệp từ đất hiện trạng DN đang sử dụng). Bất cập trong quy định thu hồi đất
Theo tôi vấn đề hiện nay không phải là việc tiếp cận đất, mà chúng ta phải tìm hiểu xem tại sao đất đã được cấp rồi mà lại hoang hóa nhiều như vậy. Đề nghị có một Nghị quyết tập trung giải quyết những vướng mắc trước đây đối với đất đã cấp rồi đồng thời chuẩn bị một lộ trình cho Bộ luật mới ra đời. Theo tôi đó là vấn đề bức xúc hơn. |
(Theo DĐDN)
- 161
- By Admin
- 02/11/2012
- 17