Dự thảo Luật Đất đai: Bình cũ, rượu cũng không mới
Theo ý kiến của nhiều chuyên gia tại hội thảo "Tham vấn, đóng góp ý kiến cho nội dung sửa đổi Luật Đất đai năm 2003" do Quỹ Hợp tác và Phát Triển (C&D) và Ủy ban kinh tế của Quốc hội, dự thảo đưa ra còn tồn tại nhiều hạn chế. Đặc biệt, dự thảo chưa có những ý tưởng gì ngăn chặn nguy cơ tham nhũng từ đất đai.
Dễ nảy sinh tiêu cực
GS.TSKH Đặng Hùng Võ, nguyên thứ trưởng Bộ TN&MT lo ngại điểm mới của dự thảo lại là bước thụt lùi |
Trước năm 2003, trung bình khoảng 2,5 năm lại sửa luật hoặc pháp lệnh liên quan đến đất đai một lần (gồm giá đất, tiền sử dụng đất, tiền thuê đất, giá trị bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất). Theo GS.TSKH Đặng Hùng Võ, nguyên thứ trưởng Bộ TN&MT, tình trạng này thể hiện ưu điểm về tính tích cực của Nhà nước nhưng lại cho thấy nhược điểm của quá trình sửa đổi, bổ sung pháp luật đất đai không có tầm nhìn dài. "Nếu có thể nên lùi thời hạn thông qua luật sửa đổi đất đai để có thêm những đột phá mới và hạn chế được những điểm còn hạn chế của dự thảo đưa ra lấy ý kiến lần này", ông Võ đưa ra ý kiến.
Phát biểu tại hội thảo, ông Lê Thanh Khuyến, phó tổng cục trưởng Tổng cục quản lý đất đai (Bộ TN&MT), đại diện ban soạn thảo cho biết: "Dự thảo đưa ra lấy ý kiến lần này đã làm theo đúng trình tự quy định. Trong đó, ban soạn thảo cũng đã có báo cáo đánh giá về lồng ghép giới trong dự thảo".
Tuy nhiên, theo ông Đặng Hùng Võ, dự thảo luật chưa có thay đổi về chính sách lớn mà chỉ thay đổi chi tiết, sửa sang câu chữ, thậm chí có điểm là bước thụt lùi. "Dự thảo luật mới chỉ đứng trên quyền lợi Nhà nước, chứ chưa đứng về phía người dân. Đặc biệt như quy định quyền giao đất, cho thuê đất cho hộ gia đình, cá nhân được giao cho Chủ tịch UBND cấp tỉnh thay vì UBND như trước đây.
Theo luận giải của những người soạn thảo là để rút ngắn các công đoạn, thúc đẩy nhanh việc giao đất. Tuy nhiên, theo tôi, cái đích mà chúng ta cần hướng đến không phải là nhanh mà cần kiểm soát quyền lực của cá nhân có nguy cơ tham nhũng đất đai. Không thể tập trung quyền quyết định vào một cá nhân. Quá trình thẩm tra giao đất cần phải được kiểm soát chặt chẽ", ông Võ nói. Theo chuyên gia này, việc trao quyền từ tổ chức sang cá nhân chắc chắn sẽ khiến nguy cơ tham nhũng nhiều hơn.
Tham nhũng trong quản lý đất đai đang ở nhóm đứng đầu trong "bảng tham nhũng". Nghiên cứu của Đại sứ quán Đan Mạch, Đại sứ quán Thụy Điển và nhóm các nước tài trợ cho Việt Nam đã chỉ ra hai dạng chủ yếu dẫn đến tham nhũng trong quản lý đất đai: Tham nhũng xuất hiện trong quá trình cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và quá trình thu đất của người đang sử dụng để giao trực tiếp cho nhà đầu tư đã được chỉ định. Tuy nhiên, theo ông Võ, trong dự thảo không có những ý tưởng mới để điều chỉnh, kiểm soát, ngăn chặn nguy cơ tham nhũng trong lĩnh vực này.
Cần tính đến sinh kế lâu dài cho dân
Đặc biệt, theo kết quả tham vấn được thực hiện tại 3 địa bàn: Huyện Yên Dũng (Bắc Giang), huyện Lộc Hà (Hà Tĩnh), huyện Củ Chi (TP.HCM) về việc thu hồi đất do các tổ chức Trung tâm nâng cao năng lực bảo vệ môi trường (CEC), Trung tâm giáo dục và truyền thông môi trường (CEACE) và Trung tâm phát triển cộng đồng tỉnh Hà Tĩnh (HCCD) thực hiện, đa số ý kiến của người dân đều cho rằng chỉ nên cưỡng chế thu hồi đất trong trường hợp sử dụng không đúng mục đích và vi phạm pháp luật.
Ông Nguyễn Văn Định, giám đốc HCCD cho biết: "Gần 100% ý kiến của người dân được hỏi đều chung kiến nghị khi Nhà nước thu hồi thì người dân phải được bồi thường bằng việc giao đất mới có cùng mục đích sử dụng. Nếu không có đất để bồi thường thì người dân được bồi thường bằng tiền". Các chuyên gia tại hội thảo đều chung nhận định, tất cả các cơ chế bồi thường hiện nay đều không tính đến sinh kế và quyền lợi lâu dài của người dân.
Theo đại diện của Ngân hàng Thế giới (WB), cần thay đổi căn bản nguyên tắc bồi thường, theo đó, bỏ cơ chế Nhà nước bồi thường tiền một lần rồi bắt dân đi nơi khác. Đại diện WB chia sẻ, các nước trên thế giới như Ấn Độ, Nhật Bản đều áp dụng "nguyên tắc cao nhất là người dân phải được quyền thụ hưởng lợi ích từ dự án đầu tư". Đặc biệt, ở Ấn Độ, với các dự án kinh tế cần thu hồi đất của người dân, họ sẽ có đánh giá tác động của dự án với cộng đồng xã hội. Ở Việt Nam chưa làm được những điều này.
GS.TSKH Đặng Hùng Võ cho rằng: "Cần có một tổ chức, đơn vị độc lập định giá đất để đảm bảo tính công bằng trong việc bồi thường khi thu hồi đất của người dân".
Các ý kiến tham vấn tại hội thảo từ WB, liên mạng Vận động chính sách (INPA), từ các chuyên gia đất đai đều đồng tình quan điểm chỉ thu hồi đất với dự án vì mục đích công cộng, lợi ích quốc gia, quốc phòng an ninh. "Vừa qua, có nhiều bộ ngành đề nghị di dời trụ sở chuyển đến nơi mới. Việc xây dựng trụ sở các bộ cũng thu hồi đất của dân, sau đó bộ chuyển đi thì bán trụ sở. Những trường hợp thu hồi có yếu tố cơ chế thương mại cần phải được quy định chặt chẽ hơn trong sửa đổi Luật Đất đai được thông qua tới đây", ông Võ nhấn mạnh.
Chưa có những bước đột phá thực sự Dự thảo sửa đổi Luật Đất đai 2003 sẽ được Chính phủ trình Quốc hội vào tháng 10/2012 và dự kiến sẽ thông qua Quốc hội vào tháng 6/2013. Tuy nhiên đến nay, dự thảo vẫn chưa nhận được sự đồng tình cao. Nhiều ý kiến của các chuyên gia, người dân và các tổ chức xã hội vẫn tỏ ra băn khoăn về bản dự thảo vẫn chưa có những bước đột phá và ít điểm mới. |
(Theo Nguoiduatin)
- 132
- By Admin
- 22/10/2012
- 17