Dù sụt giảm, vốn FDI đổ vào BĐS vẫn đứng thứ 2
Nhà đầu tư nước ngoài vẫn tin thị trường BĐS VN
Tính đến ngày 30/6/2011, Việt Nam vẫn thu hút được 669 dự án bất động sản có vốn đầu tư nước ngoài, với số vốn lên đến 59,9 tỷ USD. Các nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất vẫn chủ yếu đến từ Singapore, Hong Kong và Malaysia.Đặc biệt, hầu hết các dự án này vẫn tập trung tại Tp.HCM với 143 dự án, tổng số vốn thực hiện là 9,6 tỷ USD. Cơ cấu sở hữu được thông qua các hình thức đầu tư trực tiếp, cổ phần, liên doanh, các hình thức giao dịch niêm yết hoặc không niêm yết.
Một trong những nguyên nhân khiến các nhà đầu tư vẫn tin tưởng ở thị trường bất động sản Việt Nam là cầu vẫn vượt xa cung. Việt Nam là một trong những thị trường lớn nhất thế giới với gần 90 triệu người năm 2010, Việt Nam cũng là một trong những nước có tốc độ đô thị hóa cao nhất Châu Á (2,9%/năm so với 2,6%/năm của Trung Quốc), dân số VN trẻ và sự tăng trưởng của tài chính thế chấp sẽ giúp thúc đẩy khả năng chi trả. Đây là một trong những tiềm năng cho thấy nhu cầu nhà ở của VN trong tương lai sẽ còn tăng trưởng rất mạnh mẽ.
Bên cạnh đó, VN dự kiến sẽ đứng thứ năm trong những nền kinh tế phát triển nhanh nhất thế giới 2010 – 2050. VN cũng là địa điểm thứ hai trong những thị trường mới nổi mà vốn đầu tư trực tiếp từ nước ngoài tìm đến, sau Trung Quốc. Vốn FDI vẫn cao sau khủng hoảng tài chính toàn cầu.
BĐS vẫn là ngành đứng thứ 2 về thu hút vốn FDI |
Các công ty sản xuất tiếp tục di chuyển đến VN do mức lương thấp (bằng 1/3 Trung Quốc) và giao thông đường biển dễ dàng.
Tuy nhiên, các nhà đầu tư nước ngoài vẫn đang phải quan tâm đến nhiều vấn đề như: lạm phát cao, tỷ lệ lãi suất cao (vốn cho vay thương mại lãi suất lên đến 22 – 25%), biến động của ngoại tệ lớn (7% trượt giá),…
Đặc biệt, tỷ lệ lãi suất cao đã khiến cho nhiều công trình đang xây dựng bị hoãn lại do không đủ sức “gánh” mức lãi suất cao. Thị trường văn phòng sẽ tiếp tục bị quá cung trong 18 – 24 tháng tới.
Giá căn hộ tiếp tục giảm và người mua đang chờ để giá giảm thêm và lãi suất cho vay giảm xuống tới mức độ có thể chấp nhận được.
BĐS du lịch và những mặt trái
Bất động sản du lịch tuy là một phân khúc mới hình thành nhưng là một phân khúc có tiềm năng phát triển trong tương lai.Theo đánh giá của nhiều nhà đầu tư, bất động sản du lịch là kênh đầu tư khá an toàn, ít rủi ro, hiệu quả kinh tế cao. Cụ thể, lượng khách du lịch vào VN ngày càng tăng với tốc độ tăng trưởng bình quân khoảng 11 – 11,5%/năm, chỉ tính riêng năm 2010 đã có khoảng 5 triệu lượt khách vào VN. Tuy nhiên, đầu tư vào phân khúc này đòi hỏi các nhà đầu tư phải có năng lực tài chính tốt.
Thời gian vừa qua, có thể thấy thị trường bất động sản VN xuất hiện ngày càng nhiều các khu nghỉ dưỡng, khách sạn, các khu vui chơi giải trí, các trung tâm mua sắm lớn ở các thành phố lớn như: Hà Nội, Tp.HCM, Đà Nẵng, Nha Trang, Vũng Tàu,…
Tuy nhiên, sự phát triển quá “nóng” của phân khúc này, cũng đã cho thấy những mặt trái và hạn chế như: Các dự án bất động sản du lịch thường được phát triển tại các vùng bờ biển có phong cảnh đẹp. Cũng chính vì thế, bờ biển nhiều nơi đã bị khoanh vùng làm hạn chế quyền hưởng thụ của cộng đồng.
Những dự án bất động sản nghỉ dưỡng thường thuộc dạng cao cấp (5 sao) nên chỉ phù hợp với đối tượng có thu nhập cao (đối tượng này chỉ chiếm tỷ lệ thấp trong xã hội). Dịch vụ tại các khu nghỉ dưỡng cũng thường khép kín nên dân cư vùng có dự án cũng không được hưởng lợi trực tiếp từ dự án, thậm chí không có chỗ tắm biển, vui chơi, neo đậu tàu thuyền,…như trước đây.
Theo ông Phan Hữu Thắng, Phó Chủ tịch Hiệp hội bất động sản Việt Nam, các dự án bất động sản du lịch đòi hỏi nhà đầu tư có năng lực về tài chính, có đầu óc dự đoán sự phát triển của thị trường nên nhiều dự án của nhà đầu tư nước ngoài, mặc dù đăng ký vốn vào loại khủng, có dự án lên đến hàng tỷ USD nhưng không thực hiện được theo như cam kết, dẫn đến bị thu hồi giấy phép như: dự án Bãi Biển Rồng (Quảng Nam) đăng ký 4,15 tỷ USD đã bị thu hồi năm 2010. Đầu năm 2011, các dự án: Hồ Tràm Asian Coast (Bà Rịa – Vùng Tàu) triển khai quá chậm hay dự án TP Sáng tạo (Phú Yên) cũng bị thu hồi.
Ngoài ra, việc đầu tư tràn lan các dự án bất động sản du lịch nghỉ dưỡng nhiều khi kéo theo quy hoạch đầu tư thiếu cân xứng, cơ cấu đầu tư không hợp lý, lãng phí đất đai…Vấn đề môi trường chưa được quan tâm đúng mức. Chính sách phát triển bất động sản du lịch còn cứng, cũng như hạ tầng xã hội chưa theo kịp sự phát triển của bất động sản du lịch.
(Theo VTCnews)
- 0
- By Admin
- 31/08/2011
- 17