• 0933331087
  • nhadatgialai.company@gmail.com

Dư nợ BĐS là yếu tố gây bất ổn lãi suất

Thưa ông, lãi suất tăng cao có phải xuất phát từ việc NH không thu hồi được vốn từ cho vay bất động sản của nhiều năm qua?

Đúng vậy, NHNN không thể né tránh dư nợ cho vay bất động sản đã tồn đọng từ năm 2008 đến nay. Đây chính là yếu tố gây bất ổn về lãi suất và điều hành chính sách tiền tệ. Hiện nay, dư nợ cho vay bất động sản khoảng 235.000 tỉ đồng và đang “bất động” tại các dự án nhà ở. Do doanh nghiệp bất động sản không trả được nợ nên phải đảo nợ, tiền lãi đắp vào vốn hợp đồng vay mới, làm dư nợ cho vay tăng lên.

Dư nợ BĐS là yếu tố gây bất ổn lãi suất | ảnh 1
Minh họa (IE)

Tính đến cuối tháng 5/2011, tín dụng cho nền kinh tế tăng 6,2% so với cuối năm 2010. Tổng khối lượng tín dụng tăng ròng 135.800 tỉ đồng, trong đó phần lớn là số tiền đảo nợ vốn vay bất động sản. Do đó, Chính phủ cần thành lập ban xử lý nợ bất động sản.

Trên cơ sở đánh giá lại hồ sơ cho vay và tài sản bảo đảm, ban xử lý nợ bất động sản sẽ đề nghị NHNN cho vay tái thế chấp những hợp đồng tín dụng tốt. NH nào “bốc hơi” trên 50% vốn tự có từ việc cho vay bất động sản thì cần tiến hành xử lý (sáp nhập, đóng cửa, kiểm soát đặc biệt…).

Thời gian qua, việc kiểm soát lãi suất đầu vào đã không hiệu quả. Theo ông, đến thời điểm này có nên thả nổi lãi suất?

Theo tôi, việc thả nổi lãi suất cần có lộ trình nhất định. Trước mắt, NH vẫn cần duy trì trần lãi suất đầu vào nhưng cần kết hợp với các cơ quan chức năng phát hiện, xử lý mạnh tay những trường hợp vi phạm. Đồng thời, NHNN phải bảo đảm cung ứng đủ vốn cho các NH thông qua nghiệp vụ thị trường mở, đặc biệt là kênh tái cấp vốn, tức các NH sẽ thế chấp hồ sơ cho vay sản xuất kinh doanh để vay tiền từ NHNN với lãi suất 14%/năm.

Khi thị trường bắt đầu ổn định, NHNN bỏ ngay trần lãi suất huy động vốn. Cũng không nên quy định trần lãi suất cho vay vì tùy theo đối tương vay, mức độ rủi ro…, các NH sẽ đưa ra mức lãi suất cho vay khác nhau. Ví dụ, lãi suất cho vay tiêu dùng lúc nào cũng cần cao hơn lãi suất cho vay sản xuất.

Về cơ cấu dư nợ cho vay sản xuất và phi sản xuất, NHNN không nên cào bằng trần tăng trưởng tín dụng 20% và tỉ trọng cho vay phi sản xuất 16% vào cuối năm 2011, bởi chiến lược kinh doanh các NH luôn khác nhau. NH nào có tỉ trọng dư nợ phi sản xuất lớn thì NHNN áp tỉ lệ dự trữ bắt buộc cao, làm tăng chi phí đầu vào của NH đó khiến lãi suất cho vay phi sản xuất tăng cao, sẽ hạn chế tốc độ tăng trưởng tín dụng.

Ngược lại, NH nào có dư nợ cho vay sản xuất kinh doanh đạt trên 80%/tổng dư nợ cho vay thì NHNN giảm tỉ lệ dự trữ bắt buộc để NH đó có điều kiện giảm dần lãi suất cho vay.

Như vậy, cơ chế điều hành lãi suất cần phải thay đổi để phù hợp với tình hình mới?

Người ta thường nói cơ chế lãi suất dương, tức lãi suất phải cao hơn lạm phát. Thế nhưng, nhiều quốc gia trên thế giới thường ám chỉ lãi suất dương là lãi suất cho vay chứ không phải là lãi suất tiền gửi. Vì nếu để lãi suất cho vay thấp hơn lạm phát sẽ kích thích doanh nghiệp vay tiền nhiều, đầu cơ tích trữ hàng hóa gây ra lạm phát cao.

Hiện nay, một số quốc gia đã điều hành lãi suất cho vay cao hơn lạm phát, còn lãi suất tiền gửi thì dựa vào lạm phát cơ bản (đã loại trừ các yếu tố bất thường như thiên tai, dịch bệnh, đầu cơ, khủng hoảng chính trị...). Điển hình như tại Trung Quốc, lạm phát 5,3%, nhưng lãi suất trần tiền gửi chỉ 3,25%; Singapore lạm phát 5%, lãi suất tiền gửi 0,42%; Thái Lan lạm phát 4%, lãi suất tiền gửi 2%...

Tại Việt Nam, nếu lạm phát năm 2011 được dự báo ở mức 16% thì lãi suất tiền gửi được điều hành ở mức 14%/năm là hợp lý. Vì vậy, bên cạnh lạm phát chung, Chính phủ cần tính thêm lạm phát cơ bản để làm cơ sở điều hành chính sách tiền tệ. Chúng ta không e ngại người gửi tiền rút tiền vì hiện nay khó có kênh đầu tư nào hấp dẫn, an toàn so với việc gửi tiết kiệm lãi suất 14%/năm. Từ đó, lãi suất cho vay có thể từng bước đi xuống.

(Theo NLĐ Tp.HCM)

  • 0
  • By Admin
  • 31/05/2011
  • 17