• 0933331087
  • nhadatgialai.company@gmail.com

Dự kiến ba phương án tài chính cho việc di dời các trường ĐH

Theo đó, Bộ Giáo dục và Đào tạo đề xuất 3 phương án lên Chính phủ.

Phương án thứ nhất, ngân sách nhà nước đầu tư xây dựng hoàn chỉnh cơ sở hạ tầng kỹ thuật theo quy hoạch không gian và cơ cấu chức năng của khu đại học và các dự án công trình dùng chung (thư viện, phòng thí nghiệm, ký túc xá...). Sau đó, cho thuê đất (đối với trường tư), hoặc giao đất (đối với trường công) để các trường tự xây dựng các công trình học tập và nghiên cứu khoa học phù hợp theo yêu cầu. Cho phép các trường công được hoán đổi cơ sở vật chất và mặt bằng trong nội thành để có vốn đầu tư cơ sở mới và hoàn trả vốn ngân sách đầu tư hạ tầng.

Phương án thứ hai, lựa chọn một số nhà đầu tư có năng lực để chỉ định đầu tư xây dựng hoàn chỉnh hệ thống hạ tầng kỹ thuật (bao gồm cả chi phí bồi thường giải phóng mặt bằng, tái định cư) cho khu đại học tập trung. Sau đó, căn cứ nhu cầu sử dụng đất của từng trường sẽ thuê đất (trường tư), hoặc giao đất (trường công) từ đơn vị đầu tư kinh doanh hạ tầng (như hình thức đầu tư kinh doanh hạ tầng khu công nghiệp). Khi thuê đất, hoặc nhận giao lại đất, các trường phải trả chi phí cho nhà đầu tư hạ tầng.

Phương án thứ ba là thực hiện hình thức hợp đồng xây dựng - chuyển giao (BT). Theo đó, nhà đầu tư sẽ ứng vốn để xây dựng hoàn chỉnh toàn bộ cơ sở vật chất ở khu đại học tập trung theo quy hoạch và yêu cầu của từng trường. Sau khi xây dựng xong, nhà đầu tư được mua chỉ định mặt bằng cũ của các trường theo giá thỏa thuận để khai thác thu hồi vốn.

Được biết, tại Hội nghị trực tuyến về quy hoạch mạng lưới các trường đại học, cao đẳng dạy nghề và kế hoạch di dời các trường đại học, cao đẳng ra ngoại thành Hà Nội và Tp.HCM mới đây, vấn đề khái toán chi phí di dời, xây dựng mới đã được đưa ra.

Theo tính toán của Bộ Giáo dục và Đào tạo, để di dời các trường đại học, cao đẳng, Hà Nội cần khoảng 44.800 tỷ đồng (tương đương 2,24 tỷ USD), TP.HCM cần khoảng 47.000 tỷ đồng (tương đương 2,3 tỷ USD), bình quân 50 - 60 triệu USD/trường, trường hợp phải đền bù giải phóng mặt bằng, thì chi phí sẽ tăng gấp đôi.

Tại Hội nghị, ông Bùi Văn Ga, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết, trước mắt, trong giai đoạn 2011 - 2015, mỗi thành phố sẽ thí điểm di dời 5 trường, với nhu cầu vốn khoảng 600 triệu USD (chưa tính chi phí giải phóng mặt bằng). Giai đoạn 2015 - 2020, mỗi thành phố sẽ di dời khoảng 10 - 15 trường, với nhu cầu vốn 1,2 - 1,8 tỷ USD (chưa tính các chi phí giải phóng mặt bằng). Giai đoạn 2020 - 2030, sẽ di dời các trường còn lại.

(Theo VIR)

  • 0
  • By Admin
  • 11/06/2011
  • 17