Dự án xi măng Sài Gòn- Tân Kỳ: Khởi công rồi “đắp chiếu”
Sau nhiều năm dự án Xi măng Sài Gòn - Tân Kỳ vẫn nằm trên giấy. Ảnh: ĐN |
Khởi công rồi “đắp chiếu”
Dự án Xi măng Sài Gòn - Tân Kỳ có công suất 910 nghìn tấn/năm do TCty Đô thị và phát triển Kinh Bắc (thuộc Tập đoàn Đầu tư Sài Gòn) làm chủ đầu tư, với tổng mức đầu tư khoảng 100 triệu USD tương đương 2.100 tỷ đồng. Theo quy hoạch dự án được xây dựng trên diện tích 600ha (tại xã Tân Long, huyện Tân Kỳ), khi đi vào hoạt động sẽ thu hút khoảng 500 lao động. Dự án được cấp phép đầu tư vào tháng 9/2009, ngày 19/5/2010 chủ đầu tư tổ chức lễ khởi công hoành tráng.Sau lễ động thổ, người dân có đất sản xuất nằm trong khu vực dự án được thông báo “chuẩn bị xây dựng nhà máy” nên đã ngưng sản xuất trên diện tích gần 100ha đất nông nghiệp để chờ bồi thường, bàn giao đất cho nhà đầu tư thực hiện dự án. Thế nhưng, sau hơn 2 năm khởi công dự án này vẫn chỉ nằm trên giấy.
Chị Nguyễn Thị Thủy ở xóm Tân Lập, xã Tân Long đang chăm sóc dưa hấu trên ruộng dưa của mình tỏ ra lo lắng: “Năm ngoái chúng tôi được huyện thông báo thu hồi đất nên bỏ hoang, không trồng trọt chi cả. Ai ngờ nhà máy chẳng thấy, đền bù cũng không. Năm ni không thấy thông báo gì nên gia đình tranh thủ trồng thêm vụ dưa chứ để đất hoang thì lấy chi mà ăn, mà đất bỏ hoang cũng xót lắm”. Theo lời chị Thủy, 2ha đất khoán này trồng dưa hấu mỗi vụ sau khi trừ chi phí, gia đình chị cũng cho thu về khoảng 50 - 60 triệu đồng. “Họ thu hồi nếu bồi thường cũng chỉ hơn trăm triệu, mà lấy đất rồi bầy tui biết sống bằng chi”, chị Thủy lo lắng.
Ông Trịnh Gia Hiếu, xóm trưởng xóm Tân Lập, xã Tân Long cho biết, dự án ảnh hưởng đến đất sản xuất của người dân 5 xóm, trong đó riêng xóm ông 82 hộ thì có gần 70 hộ có đất sản xuất bị thu hồi để thực hiện dự án KCN xi măng. Năm ngoái, dân đã phải bỏ hoang gần 100ha đất, gây thất thu hàng tỷ đồng của dân. “Bây giờ dân chúng tôi đang thấp thỏm và đang đề nghị tỉnh cần trả lời là dự án có thực hiện nữa hay không. Nói thật, chúng tôi mong họ hủy dự án để lấy đất làm ăn chứ lấy đất là dân khổ”, ông Hiếu nói.
Thu hồi dự án
Khởi công từ năm 2010 thế nhưng cho đến nay dự án Xi măng Sài Gòn - Tân Kỳ vẫn nằm trên giấy, việc dự án chậm triển khai khiến đời sống của người dân nằm trong khu vực quy hoạch phát triển dự án gặp nhiều khó khăn. Ông Phạm Văn Hóa - Phó chủ tịch UBND huyện Tân Kỳ tỏ ra thất vọng trước dự án nghìn tỷ này: “Chúng tôi không biết lý do vì sao nhà đầu tư lại bỏ đi và cũng không rõ họ có quay lại nữa hay không. Vừa rồi, chúng tôi gọi điện cho ông Trường là giám đốc điều hành dự án này nhưng ông trả lời đã chuyển sang nơi làm mới. Do đó, huyện cũng không biết liên lạc với nhà đầu tư bằng cách nào. Chúng tôi đã 2 lần báo cáo với tỉnh bằng văn bản và nhiều lần bằng miệng nhưng tỉnh chỉ nói đang chờ nhà đầu tư trả lời. Tỉnh đã 2 lần tổ chức mời nhà đầu tư đến họp nhưng họ không đến”.Ông Hóa cũng thừa nhận việc dự án động thổ rồi bỏ đó đã ảnh hưởng đến đời sống của người dân, trong đó có một số hộ trong diện di dời không dám làm nhà cửa, dân không an tâm để sản xuất. “Như năm ngoái, gần 100ha đất bỏ không nếu tính thu nhập của người trồng mía, cũng đã gây thiệt hại cho dân vài tỷ đồng rồi. Thiệt hại thì dân chịu chứ ai đền bù được cho họ!”, ông Hóa cho biết thêm.
Trước bức xúc của người dân về việc dự án Xi măng Sài Gòn - Tân Kỳ chậm triển khai, tỉnh Nghệ An đã lập đoàn kiểm tra việc thực hiện dự án. Qua kiểm tra đoàn đã kiến nghị UBND tỉnh thu hồi dự án, nguyên nhân thu hồi là do dự án chậm triển khai ảnh hưởng đến đời sống của người dân nằm trong khu vực quy hoạch xây dựng nhà máy.
(Theo Xây dựng)
- 133
- By Admin
- 14/08/2012
- 17