Dự án tuyến tránh TP Phan Rang-Tháp Chàm: Vướng mặt bằng, thi công cầm chừng
Thi công cắt khúc
Dự án tuyến tránh TP.Phan Rang - Tháp Chàm được đầu tư theo hình thức BOT, chủ đầu tư là Liên doanh CTCP Đầu tư Năm Bảy Bảy và CTCP Đầu tư hạ tầng kỹ thuật Tp.HCM. Dự án có tổng chiều dài 8,3km, với điểm đầu của dự án từ km 1551+200 QL1A (tại ngã ba Cà Đú) đến điểm cuối là km 1561+000 (ngã ba Long Bình - tỉnh Ninh Thuận).Quy mô tuyến tránh gồm 4 làn xe ôtô, 2 làn xe thô sơ, với bề rộng nền đường 29m, có vỉa hè trồng cây xanh, dải phân cách, đèn chiếu sáng. Ngoài việc mở rộng tuyến, dự án còn xây dựng hệ thống cống thoát nước ngang bằng cách sửa chữa nối dài các cống cũ, tận dụng và mở rộng 5 cầu cũ trên tuyến đảm bảo đủ bề rộng nền đường.
Dẫn chúng tôi đi kiểm tra tiến độ thi công trên công trường, ông Đoàn Nhật Tảo, Giám đốc CTCP Đầu tư và Phát triển xây dựng Ninh Thuận chỉ về phía những điểm “tắc” về GPMB mà ngao ngán. Ông Tảo cho biết, trên 6 gói thầu xây lắp của toàn dự án, gói thầu nào cũng vướng mặt bằng.
Tại gói thầu số 2, đoạn từ Km 1551+200 đến Km1553 nằm đầu tuyến của dự án, do CTCP Đầu tư Năm Bảy Bảy thi công, chúng tôi gặp anh Nguyễn Đệ Văn Bình, Trưởng ban điều hành dự án của Công ty Năm Bảy Bảy. Anh Bình cho biết, phía bên trái tuyến, nhà thầu đã thi công cơ bản hoàn thiện việc mở rộng mặt đường, hệ thống thoát nước, bó vỉa hè. Tuy nhiên, phía bên phải, đơn vị đang thi công hệ thống thoát nước thì phải dừng lại vì 10 hộ dân không chịu bàn giao mặt bằng, mặc dù đã nhận tiền đền bù.
Gói thầu số 3, đoạn từ Km1553 đến Km1555 cũng do CTCP Đầu tư Năm Bảy Bảy thi công. Đây là gói thầu có nhiều hộ dân không chịu di dời nhiều nhất. Tổng cộng có 23 hộ nằm trong diện phải cưỡng chế di dời. “Chúng tôi buộc phải thi công theo kiểu “cắt khúc”. Đoạn nào có mặt bằng trước thì thi công trước, chứ không thể ngồi chờ có toàn bộ mặt bằng mới triển khai”, anh Bình nói.
Căng nhất là tại Km1556 - khu vực ngã năm Phủ Hà thuộc gói thầu số 4 do CTCP 565 thi công. Đây là nút giao thông được thiết kế theo kiểu đảo hình xuyến, vì vậy số hộ thuộc diện phải di dời khá lớn với 59 hộ. Theo quy định, các hộ dân này được di dời vào khu tái định cư do UBND tỉnh Ninh Thuận đầu tư xây dựng.
Tuy nhiên, đến nay khu tái định cư vẫn chưa xây dựng xong nên việc giải phóng mặt bằng tại khu vực này gần như nằm im. Tại gói số 6 cũng đang vướng rải rác một số hộ dân không chịu nhận tiền đền bù, cản trở thi công.
Sẽ cưỡng chế di dời
Theo quy định về đầu tư xây dựng, công tác GPMB được tách thành tiểu dự án độc lập và giao cho UBND tỉnh Ninh Thuận tổ chức thực hiện. UBND tỉnh Ninh Thuận đã phê duyệt phương án GPMB tổng thể và giao cho Trung tâm Phát triển Quỹ đất Ninh Thuận làm chủ đầu tư.Từ tháng 5/2010 công tác GPMB như bị bế tắc. Mặc dù lúc đó cơ bản đã hoàn thành các hồ sơ đền bù chính, nhưng việc chi trả tiền đền bù không tiến triển do nhiều hộ dân cho rằng giá thấp và chờ giải quyết các khiếu nại, khiếu kiện đã gửi trình trước đây.
Trước tình hình đó, tỉnh Ninh Thuận đã đề nghị nhà đầu tư hỗ trợ thêm kinh phí đền bù ngoài khung giá Nhà nước để tháo gỡ vướng mắc. Nhà đầu tư đã chấp nhận hỗ trợ thêm 5 tỉ đồng cho công tác đền bù GPMB cho người dân, nâng tổng kinh phí cho GPMB lên 45 tỉ đồng, thay vì 40 tỉ như dự kiến ban đầu. Đến tháng 11/2010, tỉnh đã ban hành hầu hết các quyết định bổ sung hổ trợ đền bù, giải quyết khiếu nại... tiến hành chi trả, giao mặt bằng thêm.
Chủ đầu tư dự án đã có nhiều nỗ lực trong việc phối hợp với địa phương để đáp ứng các yêu cầu kể cả bằng nguồn vốn hỗ trợ thêm. Hiện tại, về cơ bản 5 cây cầu trên tuyến đã được đầu tư mở rộng theo bản mặt đường. Tuy nhiên chủ đầu tư tiểu dự án GPMB còn thiếu nỗ lực trong trong việc giải quyết các tồn đọng vướng mắc để hoàn thành dứt điểm công tác GPMB. Hiện tại vẫn còn khoảng 20% mặt bằng chưa được bàn giao do 25 hộ không chịu nhận bồi thường.
Trước tình hình đó, UBND tỉnh Ninh Thuận đã có chỉ thị các sở, ngành kiểm tra hồ sơ lập danh sách các đối tượng cưỡng chế, các địa phương đang lập hồ sơ, thủ tục để thi hành.
Có một số hộ dân đã chấp thuận nhận tiền, tương ứng khoảng 3% mặt bằng đang chờ tháo dỡ để thi công, những hộ dân còn lại sẽ phải cưỡng chế theo quy định của pháp luật. Ông Tống Mỹ Cường, Giám đốc Trung tâm phát triển quỹ đất Ninh Thuận cho biết, đã hoàn tất hồ sơ của các hộ dân thuộc diện cưỡng chế và đã bàn giao cho các địa phương. Trong đó huyện Ninh Hải đã cơ bản hoàn thành xong các bước thủ tục và sẽ tiến hành cưỡng chế trong tháng 7/2011.
Việc chậm trễ trong công tác đền bù GPMB đã làm ảnh hưởng nhiều đến tiến độ thi công dự án. Tình hình mưa nhiều, đợt lũ cao điểm tháng 11/2010 đã gây một số tổn thất vật chất và làm chậm tiến độ dự án. “Nếu tình hình bàn giao mặt bằng theo kiểu này sẽ gây khó khăn cho chủ đầu tư khi mùa mưa đang đến gần. Chúng tôi rất lo ngại là nếu có lũ lớn như năm 2010 thì những thiệt hại là rất lớn”, ông Đoàn Nhật Tảo, Giám đốc CTCP Đầu tư và Phát triển xây dựng Ninh Thuận nói.
(Theo GTVT)
- 113
- By Admin
- 30/06/2011
- 17