• 0933331087
  • nhadatgialai.company@gmail.com

Dự án thương mại: Thu hồi đất phải được dân đồng thuận

"Làm Bộ trưởng, nghe người dân phản ánh về việc các cán bộ tài nguyên môi trường nhũng nhiễu, đòi "bôi trơn", "phong bì", tôi rất buồn. Đất đai liên quan rất nhiều đến người dân. Việc giao đất, cho thuê đất, đấu giá đất, cấp sổ đỏ... đều do các địa phương trực tiếp làm. Các địa phương phải kiểm soát chặt chẽ cán bộ, nếu sai phải xử lí thật nghiêm" - Bộ trưởng Quang thẳng thắn bày tỏ trong buổi giao lưu trực tuyến với người dân và doanh nghiệp sáng 15/4.

Gần 700 câu hỏi đã được gửi về Bộ, trong đó 85% tập trung vào lĩnh vực đất đai. Những thắc mắc của người dân đã được lãnh đạo Bộ, lãnh đạo Sở Tài nguyên - Môi trường các địa phương trả lời trực tiếp.

Theo quy định mới của Luật Khoáng sản, việc cấp quyền khai thác khoáng sản sẽ được thực hiện qua hình thức đấu giá. "Trước 2010, việc cấp phép tương đối dễ dàng dẫn đến việc khai thác khoáng sản tuỳ tiện, không hiệu quả, gây lãng phí tài nguyên. Việc đấu giá sẽ đảm bảo quyền lợi của người dân, doanh nghiệp đồng thời giúp cho việc quản lí tài nguyên chặt chẽ hơn. Đấu giá sẽ tạo sân chơi công bằng, chỉ những doanh nghiệp đủ năng lực mới có thể tham gia bởi sau đấu giá, doanh nghiệp phải nộp khoản tiền rất lớn. Điều này sẽ hạn chế doanh nghiệp "tay không bắt giặc", xin dự án rồi bán, chuyển nhượng" - Bộ trưởng Quang cho biết.

Tuy nhiên, vị tư lệnh ngành tài nguyên môi trường này vẫn băn khoăn: "Hiện nay Bộ Tài chính và Bộ Tài nguyên - Môi trường vẫn chưa thống nhất được trong việc nộp phí cấp quyền khai thác khoáng sản. Bộ Tài chính muốn doanh nghiệp chỉ nộp một lần. Quan điểm của chúng tôi là nếu như vậy sẽ không có doanh nghiệp nào tham gia nổi vì số tiền nộp rất lớn, có khi lên đến hàng nghìn tỉ. Tôi cho rằng, nếu dự án lớn nên để cho doanh nghiệp nộp giãn ra thành vài lần".

Dự án thương mại: Thu hồi đất phải được dân đồng thuận

Các dự án thương mại sẽ phải thỏa thuận với dân về giá đền bù.

Liên quan đến việc khoanh định khoáng sản dự trữ quốc gia, phía Bộ Tài nguyên - Môi trường cho biết, việc khoanh định sẽ căn cứ vào nhu cầu thực tế cũng như phải phù hợp với chiến lược khoáng sản quốc gia. Những loại khoáng sản trữ lượng lớn phải giữ cho lâu dài như than, apatit, bauxite, titan... sẽ được ưu tiên dự trữ. Việc công bố các điểm khoáng sản nhỏ lẻ, phân tán cũng sẽ hết sức hạn chế nhằm ngăn ngừa tình trạng khai thác trái phép.

Trước bức xúc của người dân Hà Tĩnh khi chính quyền địa phương thu hồi đất để xây dựng nghĩa trang, Bộ trưởng Quang khẳng định: "Có hai nội dung thu hồi đất mà người dân phản đối rất nhiều: thu hồi đất để xây dựng cơ sở xử lí rác thải và thu hồi đất để làm nghĩa trang. Bức xúc của người dân có thể hiểu được vì điều đó ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống của họ. Nhưng đó cũng là yêu cầu của thực tế cuộc sống, buộc phải làm. Khi thu hồi, địa phương nên làm tốt công tác tư tưởng để người dân đồng tình đồng thời có chính sách hỗ trợ thích hợp".

Trả lời câu hỏi của một người dân ở Quảng Bình về chính sách hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất, Tổng cục Quản lí Đất đai cho biết, theo quy định mới của Luật Đất đai 2013, Nhà nước chỉ bố trí tái định cư trong các trường hợp: Hộ gia đình, cá nhân phải di chuyển chỗ ở do bị thu hồi hết đất ở mà không có chỗ ở nào khác; Hộ gia đình, cá nhân bị thu hồi đất mà phần diện tích đất ở còn lại sau thu hồi không đủ điều kiện để ở theo quy định của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh mà không có chỗ ở nào khác trong địa bàn xã, phường, thị trấn nơi có đất bị thu hồi... Trường hợp trong hộ gia đình có nhiều thế hệ (nhiều cặp vợ chồng) cùng chung sống đủ điều kiện tách hộ hoặc có nhiều hộ gia đình có chung quyền sử dụng một thửa đất ở bị thu hồi thì Ủy ban nhân dân cấp tỉnh căn cứ vào điều kiện thực tế tại địa phương để bố trí tái định cư.

"Đối với vấn đề thu hồi đất, tinh thần chung là cần làm rõ quyền của nhà nước và quyền của người dân. Phải khẳng định đất đai là sở hữu toàn dân do Nhà nước đại diện chủ sở hữu. Do vậy, Nhà nước chỉ thu hồi đất phục vụ cho mục đích quốc gia, công cộng. Đối với các dự án thương mại, không áp dụng hình thức thu hồi mà phải thỏa thuận với dân. Đất đai là sinh kế của người dân nên phải hạn chế tối đa việc thu hồi đất tuỳ tiện" - Bộ trưởng Quang nói.

Từ tháng 4/2014, Bộ Tài nguyên - Môi trường sẽ thanh tra đồng loạt các khu công nghiệp về việc chấp hành pháp luật về đất đai và môi trường. Nội dung thanh tra tập trung vào vấn đề giao đất, cho thuê đất; cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất; việc thực hiện nghĩa vụ tài chính về đất; chấp hành các quy định về đánh giá tác động môi trường; nộp phí bảo vệ môi trường đối với nước thải...

"Hôm trước tôi có đi thực tế tại công ty Hào Dương (công ty đã nhiều lần bị xử phạt vì xả thải ra môi trường), có lẽ chúng ta đã sai từ quy hoạch bố trí, bởi đã phê duyệt xây dựng nhà máy ngay cạnh sông. Có đi thực tế mới hiểu, người làm công tác phê duyệt cần phải đi tận nơi, chứ không thể ngồi nhà rồi đặt bút kí" - Bộ trưởng Quang chia sẻ

  • 0
  • By Admin
  • 17/04/2014
  • 17