• 0933331087
  • nhadatgialai.company@gmail.com

Dự án tại khu đất vàng Hà Nội: Dân đòi bồi thường 1 tỷ đồng/m2

Thông tin ông Lâm Quốc Hùng, Phó Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm, kiêm Trưởng Ban chỉ đạo GPMB quận Hoàn Kiếm cho biết khi trao đổi với các cơ quan thông tin đại chúng mới đây.

Theo ông Hùng, đây là Dự án xây dựng Trung tâm thương mại, văn phòng và nhà tái định cư tại 22- 24 Hàng Bài và 25- 27 Hai Bà Trưng (quận Hoàn Kiếm), được thành phố duyệt từ lâu nhưng tới nay vẫn chưa thực hiện xong khâu giải phóng mặt bằng (GPMB). Khu đất vàng này gồm hai mặt tiền ở ngã tư Hàng Bài - Hai Bà Trưng và gần khu vực bờ hồ Hoàn Kiếm, nên từ lâu đã được nhiều chủ đầu tư nhòm ngó.

Năm 2004, UBND TP Hà Nội có quyết định thu hồi khu đất hơn 4.000 m2 tại đây để giao CTCP Kinh doanh và Xây dựng nhà thuê để xây dựng Trung tâm thương mại văn phòng và nhà ở tái định cư. Tuy nhiên, năm 2009, UBND thành phố lại có quyết định chuyển chủ đầu tư dự án trên sang CTCP Thời đại mới T&T, với việc cho phép Cty này được kế thừa các văn bản, nội dung các công việc dự án đã thực hiện.

Đại diện chủ đầu tư, Chủ tịch HĐQT CTCP Thời đại mới T&T - Trần Hồng Sơn cho biết, trong hơn 4.000m2 của khu đất có 3.776m2 do công ty nhựa Hà Nội thuê của thành phố, còn lại gần 300m2 là diện tích mà 17 hộ dân đang sinh sống. 

Hiện đơn vị đã xây dựng phương án thỏa thuận đền bù theo mức giá cao, như diện tích tầng một (thông tầng) là 500 triệu đồng một m2, đất tầng một không có nóc là 300 triệu đồng một m2 và tầng 2 là 200 triệu đồng một m2… Đến nay, đơn vị đã chi trả gần 200 tỷ đồng để đền bù cho 14 hộ dân.

"Sau khi khảo sát giá thị trường tại Hàng Bài cao nhất là 450 triệu đồng một m2 và giá đất của thành phố cao nhất tại khu vực này là 60 triệu đồng/m2, chúng tôi đã đưa ra mức bồi thường cao hơn cho người dân", ông Sơn nói.

Đề cập lý do đưa ra mức giá đền bù cao kỷ lục, đại diện chủ đầu tư cho biết, do dự án đã chậm tiến độ quá lâu, lại không muốn cưỡng chế các hộ dân nên doanh nghiệp đã cân đối nguồn vốn, xin ý kiến UBND thành phố Hà Nội để được thỏa thuận đền bù với dân.

Tuy nhiên, vẫn còn 2 hộ dân thuộc phường Hàng Bài và một chủ sử dụng đất thuộc phường Tràng Tiền (gồm các đồng sở hữu) không chịu nhận đền bù, bàn giao mặt bằng, đồng thời yêu cầu chủ đầu tư đưa ra mức giá phi lý tới 1 tỷ đồng một m2.

Khu đất mà người dân đòi bồi thường 1 tỷ đồng/m2 . Ảnh: Nguyễn Tú

Thỏa thuận hay cưỡng chế?

Theo ông Nguyễn Văn Chính - Ban GPMB quận Hoàn Kiếm, để đảm bảo tiến độ dự án, tới đây quận sẽ áp dụng các biện pháp hành chính trong việc thu hồi đất, GPMB theo đúng quy định của pháp luật.

Theo đó, trong trường hợp phải cưỡng chế GPMB thì mọi sự thỏa thuận sẽ chấm dứt. Người dân sẽ lên lĩnh tiền tại Hội đồng đền bù và GPMB theo chính sách của thành phố, chủ đầu tư sẽ nộp tiền vào kho bạc theo đúng chính sách đền bù của Nhà nước để đảm bảo quyền lợi cho người bị cưỡng chế. Dự kiến thời gian GPMB xong trước ngày 15-1-2011.

Tuy nhiên, theo tìm hiểu, một số hộ dân ở đây cho rằng, đây là dự án xây trung tâm thương mại nhằm mục đích kinh doanh chứ không phải phục vụ mục đích quốc phòng, an ninh hay lợi ích công cộng, không thuộc diện Nhà nước thu hồi. Vì thế, họ chỉ đồng ý di dời khi chủ đầu tư đưa giá hợp lý, đặc biệt diện tích đất bị thu hồi lại nằm ở vị trí đắc địa có khả năng sinh lời cao và có mức chênh lệch rất lớn giữa giá đất thực tế và giá đất theo quy định.

Trả lời câu hỏi, “việc chủ đầu tư đưa ra mức giá đền bù vượt khung quy định, liệu có tạo tiền lệ xấu đối với các dự án khác?”, ông Lâm Quốc Hùng nói: “Nếu đền bù mức cao như thế sẽ gây sức ép cho các dự án khác, nhưng vì đây là dự án phát triển kinh tế, hơn nữa nằm ở vị trí có khả năng sinh lời cao nên nhà đầu tư căn cứ vào khả năng tài chính của mình và được phép có thời gian thỏa thuận với dân”.

(Theo PLVN,TP)

  • 0
  • By Admin
  • 24/11/2010
  • 17