Dự án sân golf trong sân bay Tân Sơn Nhất: Sẽ giảm chiều cao các cao ốc?
Trao đổi với Thanh niên quanh vấn đề an toàn bay khi xây sân golf với khu dịch vụ cao tầng trong sân bay Tân Sơn Nhất, ông Tĩnh nói:Chúng tôi xin cảm ơn và ghi nhận tất cả các phản ánh khách quan của dư luận trên Báo Thanh Niên thời gian vừa qua. Tất cả vấn đề mà báo nêu, bản thân tôi tiếp thu được rất nhiều điều, giúp chúng tôi nhận được những thông tin phản biện, góp ý đa chiều rất hữu ích cho việc triển khai dự án. Dù các phương án đầu tư, quy hoạch dự án đã được phê duyệt, song trên tinh thần lắng nghe và trân trọng những góp ý này, công ty sẽ nghiêm túc rà soát, khắc phục những điểm chưa hợp lý của dự án vì lợi ích chung của cộng đồng. Quan điểm của chúng tôi là đầu tư dự án không mâu thuẫn với lợi ích chung, đặc biệt là không có chuyện quá đặt nặng vấn đề tiền bạc mà xem nhẹ các quy định đảm bảo an toàn cho hành khách tham gia hoạt động hàng không.
- Cụ thể, công ty sẽ tính toán điều chỉnh những vấn đề gì?
Qua ghi nhận ý kiến trên Báo Thanh Niên, chúng tôi nhận thấy vấn đề chưa hợp lý nhất ở dự án chính là tầng cao. Dự án gồm tổ hợp khách sạn 5 sao và nhà hàng cao tối đa 12 tầng (hơn 55m), khu chung cư cao cấp 8 tầng (45m)… Để đảm bảo an toàn, chúng tôi sẽ nghiên cứu, đề xuất hạ chiều cao xuống, có thể chỉ còn khoảng 20 - 25m (tương đương 5 - 6 tầng). Ngoài ra, vì thời gian thuê đất đến 50 năm nên công ty cũng tính toán đầu tư phân kỳ. Từ nay đến năm 2015 chúng tôi mới có thể xong được phần sân golf và khu nhà câu lạc bộ (cao 5 tầng); còn cụm khách sạn, nhà hàng, chung cư cao cấp, biệt thự chưa triển khai ngay, mà có thể đợi đến khi chuyển sân bay TSN ra Long Thành thì mới cho phép xây.
- Đây có thể xem như một lời hứa chắc chắn không, thưa ông?
Đây là một lời hứa và chúng tôi đã hứa thì chắc chắn sẽ làm chứ không có chuyện hứa cho có. Cái gì đã xác định sai thì phải sửa chứ không bảo thủ, giấu dốt, đó là quan điểm rõ ràng của chúng tôi. Chính chúng tôi là những người đi máy bay nhiều nhất, hơn ai hết chúng tôi phải lo sợ nguy cơ mất an toàn bay, bởi biết đâu lỡ xảy ra sự cố mình lại là nạn nhân thì sao. Thà biết sai để điều chỉnh từ đầu còn hơn khi xây xong bị các cơ quan chức năng “cắt ngọn” còn lãng phí hơn.
- Có ý kiến cho rằng nếu dùng quỹ đất 157 ha để mở rộng sân bay TSN đang quá tải sẽ đem lại lợi ích chung cho xã hội, còn xây sân golf chỉ phục vụ một nhóm người có điều kiện kinh tế, quan điểm của ông thế nào?
Tôi biết hiện nay dư luận bức xúc với chuyện đầu tư sân golf, cho rằng chỉ để phục vụ một nhóm người giàu. Tuy nhiên, đầu tư dự án kiếm tiền từ người giàu cũng là một cách đóng góp cho kinh tế chung. Theo kế hoạch, đối tượng phục vụ của sân golf gồm các cơ quan chính phủ, ngoại giao, các nhà đầu tư, khách du lịch, người chơi golf (trong đó người nước ngoài chiếm 70%, chủ yếu thu bằng ngoại tệ). Nếu dự án vận hành hiệu quả, lợi nhuận cao cũng đóng góp cho lợi ích chung của TP. Cùng với việc đầu tư dự án, chúng tôi cũng tiến hành chỉnh trang lại khu vực đất quân sự đang bị bỏ hoang tại đây, tăng thêm mảng xanh.
Trong khi đó, định hướng phát triển của hàng không ở phía Nam đã rất rõ rồi, đó là hình thành sân bay quốc tế Long Thành (Đồng Nai). Chẳng qua vì lịch sử để lại, chứ sân bay TSN đặt trong TP là không hợp lý, nhất là về vấn đề an toàn. Các nước Thái Lan, Hàn Quốc, Nhật Bản… đều phải đẩy sân bay ra xa TP ít nhất 100 km. Theo tôi, trong tương lai cả ga quốc tế lẫn nội địa đều phải chuyển về Long Thành, chứ không phải thể tách ra. Việc bố trí nội địa chung với quốc tế là để sau khi xuống sân bay hành khách có thể quá cảnh đi nội địa ngay chứ không phải đi đường bộ nữa. Nếu tách riêng quốc tế và quốc nội, thì khách đến Long Thành lại phải đi đường bộ vào TSN, với hệ thống giao thông thế này rồi sẽ chẳng ai người ta vào. Cho nên, theo chủ trương chiến lược thì quy mô sân bay TSN chỉ nên dừng lại ở đây, không đầu tư mở rộng thêm vì sẽ lãng phí và manh mún. Nếu muốn phát triển hàng không thì phải khẩn trương đầu tư sân bay Long Thành để theo kịp nhu cầu phát triển.
(Theo Thanh niên)
- 133
- By Admin
- 25/07/2011
- 17