Dự án sân golf: Kinh doanh dịch vụ hay bất động sản?
Theo báo cáo, trong tổng số 90 sân golf trong quy hoạch được phê duyệt, chỉ có 21 dự án là kinh doanh sân golf, còn lại 69 dự án khác kết hợp kinh doanh sân golf và kinh doanh bất động sản, khu du lịch, trong đó sân golf chỉ là một dự án thành phần.
Báo cáo cũng cho biết, một số dự án sân golf có diện tích chiếm đất rất lớn như Tam Nông (Phú Thọ) có diện tích 2.069 ha, trong đó diện tích để xây dựng sân golf chỉ có 171,6 ha; dự án Khu du lịch quốc tế Tản Viên (Hà Nội) có diện tích 1.204 ha, trong đó diện tích sân golf là 222 ha; dự án Khu du lịch - đô thị sinh thái hồ Quan Sơn, huyện Mỹ Đức (Hà Nội) có diện tích 1.730 ha, trong đó diện tích sân golf là 161,5 ha; dự án Khu du lịch Tam Chúc (Hà Nam) có diện tích 2.042,4 ha, trong đó diện tích sân golf là 143,4 ha…
Cũng theo báo cáo, tổng số vốn đầu tư đăng ký của 90 dự án sân golf trong quy hoạch là 24,487 tỷ USD, trong đó vốn nước ngoài là 20,5 tỷ USD, chiếm 84%; vốn trong nước là 3,987 tỷ USD, chiếm 16%.
Tuy nhiên, qua rà soát, Bộ Kế hoạch và Đầu tư lưu ý một số địa phương có những dự án diện tích dành đất cho quy hoạch sân golf lớn nhưng vốn đầu tư lại nhỏ, suất đầu tư tính trên một ha thấp. Tiêu biểu là tại Lâm Đồng (sân golf Đạ Ròn: 18 triệu USD/750ha; sân golf Bảo Lộc: 18 triệu USD/254 ha), hay như tỉnh Quảng Bình (sân golf Phong Nha: 8 triệu USD/400 ha; sân golf suối Bang: 11 triệu USD/820 ha).
Theo thống kê của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tính đến nay đã có 59/90 dự án có quyết định thu hồi đất với diện tích thu hồi trên 15.653 ha. Tuy nhiên, diện tích quy hoạch xây sân golf chỉ chưa đến 6.400 ha, chiếm 41% đất của dự án.
Trong phần diện tích còn lại, 8% là diện tích đất ở; 51% là diện tích đất sử dụng cho các mục đích xây dựng khu du lịch sinh thái, giải trí, trung tâm thương mại… Đã có 3/59 dự án sân golf tiến hành xây dựng nhà ở, biệt thự để bán với diện tích trên 304 ha, chiếm 23% diện tích đất quy hoạch nhà ở.
Với 24 dự án sân golf đã đi vào hoạt động, báo cáo cho biết tổng số vốn đầu tư giải ngân mới đạt khoảng 75,6 triệu USD, tương đương 1.512,4 tỷ đồng. Các dự án này đã thu hút trên 8.000 lao động, mức nộp ngân sách năm 2010, theo thống kê chưa đầy đủ, đạt khoảng 505 tỷ đồng, trong đó phải kể đến thuế sử dụng đất đóng nhiều hơn so với thuế đất nông nghiệp.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng, hiệu quả đầu tư của các dự án sân golf hoặc các dự án có mục tiêu sân golf hiện nay chủ yếu là từ việc kinh doanh bất động sản (bán và cho thuê biệt thự trong khu vực dự án) và bán thẻ hội viên.
“Đương nhiên không thể so sánh một ha đất nông nghiệp với thu nhập bình quân khoảng 50 triệu đồng/ha/năm; vì đất xây dựng sân golf chủ yếu là đất đồi, đất cát ven biển, không hoặc chiếm một tỷ lệ rất thấp đất nông nghiệp, nhất là đất lúa”, báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho hay.
Lý giải về việc một số dự án sân golf đã được chính quyền địa phương giao đất từ lâu nhưng triển khai rất chậm, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, nhiều dự án chủ đầu tư thiếu vốn hoặc có khó khăn trong giải phóng mặt bằng.
(Theo NDHMoney)
- 0
- By Admin
- 23/05/2011
- 17