Dự án quy hoạch sông Hồng: Chậm là bỏ lỡ thời cơ?
Cân nhắc khi Hà Nội đã khác
"Cần đặt dự án trong bối cảnh hiện nay khi quỹ đất Thủ đô đã tăng đáng kể. Việc tìm kiếm đất để xây các đô thị mới, nhà cao tầng... nhằm tái định cư cho dự án, hoặc thu hồi vốn không còn nan giải như trước đây" - GS. TSKH Nguyễn Tài (ĐH Dân lập Phương Đông) đánh giá. Theo ông Tài, dự án Quy hoạch cơ bản sông Hồng nên lấy mục tiêu chính là bảo đảm an toàn cho các khu dân cư, làm đẹp cảnh quan và bảo vệ môi trường chứ không nên coi mục tiêu chính là nhằm có thêm quỹ đất. Theo Dự án, việc di dời 35.270 hộ dân trong các năm 2008-2020 sẽ do thành phố Hà Nội chịu trách nhiệm là việc làm quá sức, không tưởng, bởi chỉ riêng dự án đường vành đai 3 mà 10 năm chưa xong. TS. KTS Đào Ngọc Nghiêm, nguyên Giám đốc Sở QH-KT cho rằng, quy hoạch có đề cập đến việc cung cấp nhà cho khoảng 97.000 hộ dân nhưng chỉ với mức 10m2/người. Đây là điều không thể chấp nhận được với Hà Nội mở rộng.
Trả lời cho rất nhiều câu hỏi đặt ra đối với dự án, ông Đỗ Viết Chiến - Phó giám đốc Sở QH-KT cho biết, dù thành phố có mở rộng như thế nào đi nữa thì sông Hồng vẫn là trục cảnh quan cực kỳ quan trọng của thành phố trung tâm. Hà Nội mở rộng về phía tây không có nghĩa là thành phố không phát triển ở phía bắc và phía đông, nơi có các cực hút phát triển đô thị của Vùng Thủ đô.
Về vấn đề di dân, theo ông Đỗ Viết Chiến, cần phải khẳng định rõ, có hai đối tượng phải di dời. Đối tượng buộc phải di dời theo pháp luật (dù có dự án hay không cũng phải di dời - PV) nằm trong khu vực hành lang thoát lũ và nằm trong hành lang bảo vệ đê. Đối tượng không nằm trong hai hành lang nêu trên nhưng trong phạm vi thực hiện của dự án thì sau khi quy hoạch cơ bản được duyệt khung nguyên tắc sẽ lên quy hoạch chi tiết, điều tra lên phương án khu vực nào phải di dời, khu vực nào cải tạo chỉnh trang theo quy hoạch, khu vực nào xây dựng mới. Đền bù có thể bằng tiền, bằng nhà, đối tượng di dời luôn được ưu tiên số một. Việc thực hiện sẽ theo phương thức cuốn chiếu, không ai di dời cùng một lúc mấy vạn dân.
Chậm là bỏ lỡ thời cơ
"Với dự án sông Hồng nếu không khai thác vào thời điểm này thì sẽ bỏ lỡ thời cơ có một không hai và sau này sẽ trả giá" - ông Đỗ Viết Chiến nói. Sở dĩ là thời cơ vì cũng một lúc hội tụ các điều kiện mà trước đây không có, trước hết là pháp luật, trước đây cứ dính đến sông là vướng Pháp lệnh Đê điều, không thể làm được. Bao nhiêu dự án thí điểm đã vướng quy định này mà phải dừng lại, không ai duyệt. Trong khi đó lại phải chấp nhận thực tế khu vực dân cư ngoài bãi sông phát triển bừa bãi, không quản lý được. Về cơ sở khoa học, Quyết định số 92/2007/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về quy hoạch phòng chống lũ sông Hồng - sông Thái Bình đã tạo ra một điểm tựa căn bản. Về mô hình thực hiện, không phải ngẫu nhiên đưa mô hình sông Hàn vào sông Hồng. Chế độ thủy văn của sông Hàn và sông Hồng tương đồng. Sông Hàn có mực nước giữa mùa khô và mùa lũ chênh nhau tới 13m nước, ở sông Hồng là 12m nước. Lúc này, dự án còn có được sự ủng hộ của các cấp, các ngành, có được sự đồng thuận của các nhà lãnh đạo, quản lý và người dân.
Theo ông Đỗ Viết Chiến "lấy đô thị nuôi đô thị" là một chủ trương nếu chậm thì dự án sẽ bị triệt tiêu hết nguồn lực do không còn quỹ đất, khối lượng dân cư phải đền bù, di dời lớn hơn. Trước đây cứ muốn làm động đến vấn đề "tiền đâu" là tắc. Từ trị thủy làm dôi ra được quỹ đất này để tạo nguồn lực thực hiện dự án. Lấy 1.500ha trong 10.600ha đất của 40km dọc sông Hồng là đã đủ để nuôi được dự án. Có ý kiến cho rằng thực hiện dự án đồng nghĩa với việc cắm một quy hoạch kiến trúc cảnh quan của sông Hàn, của Seoul, vào lòng Hà Nội. Nhưng ông Chiến khẳng định, kiến trúc hai bên sông Hàn không có gì ta phải học, hiện nay ta có điều kiện để làm đẹp hơn. Cái đáng học chính là kinh nghiệm trị thủy thành công, kinh nghiệm khai thác có hiệu quả nguồn lực từ đất đai.
Theo KTĐT
- 0
- By Admin
- 06/01/2009
- 17