Dự án nhà ở cho sinh viên cũng "mắc kẹt" vì... đói vốn
90% sinh viên phải ở trọ
Là sinh viên gia đình thuộc hộ cận nghèo, nhưng giấc mơ được ở KTX của trường với giá rẻ của Nguyễn Thị Thoa (Lạng Sơn) không thành hiện thực. Thoa tâm sự: "Khi mới vào trường, em nộp đơn xin ở KTX, nhưng đơn không được chấp nhận vì các bạn trong diện con nhà nghèo, con thương binh liệt sĩ còn không đủ chỗ".Được ở ký túc xá là niềm mong ước của nhiều sinh viên (ảnh minh họa) |
Sự chờ đợi nhà ở cho sinh viên không chỉ được tính bằng tháng, mà bằng năm. Nguyễn Thu Thủy, sinh viên Khoa Giáo dục mầm non, ĐH Sư phạm Hà Nội chia sẻ, từ khi dự án xây dựng nhà ở A12 của trường khởi công, Thuỷ và rất nhiều sinh viên háo hức chờ đợi. Bởi với mức giá nhà trường cho sinh viên thuê 1,6 triệu đồng cả năm học, tương đương với tiền thuê phòng trọ bên ngoài một tháng. Nhưng với tiến độ thi công các dự án nhà ở như hiện nay, có lẽ đến khi ra trường, sinh viên các trường đại học, cao đẳng khóa Thuỷ cũng chưa chắc đã được ở.
Ông Phạm Ngọc Phương, Phó Cục trưởng Cục Cơ sở vật chất và Thiết bị trường học, đồ chơi trẻ em - Bộ Giáo dục và Đào tạo - cho biết, trước những năm 1980, tỷ lệ sinh viên ở trong KTX trường học chiếm 100%. Sau này, do số lượng sinh viên tăng lên nhưng cơ sở vật chất các trường chưa đáp ứng nổi nên không đủ phòng trước nhu cầu của sinh viên.
"KTX các trường đại học, cao đẳng mới chỉ đáp ứng 20% chỗ ở cho sinh viên, vì vậy các em phải thuê trọ trong điều kiện giá cả tăng cao như hiện nay là hết sức khó khăn".
Tuy nhiên, theo Thanh tra Sở Xây dựng Hà Nội, con số 20% vẫn còn quá cao, trong số hàng vạn sinh viên Hà Nội may ra chỉ 10% may mắn được ở trong các khu KTX của trường. Việc được vào ở KTX là điều mơ ước của hầu hết các sinh viên.
Trước những khó khăn trên, Chính phủ đã ban hành Đề án KTX cho sinh viên với mục tiêu tới năm 2015 đáp ứng cho 60% sinh viên có nhu cầu thuê nhà được ở tại các khu KTX. Tuy nhiên, dù đề án này đã được triển khai vài năm nay, song do quy mô sinh viên ngày càng lớn nên chưa đáp ứng kịp, nhất là ở các thành phố lớn.
Chậm vì đói vốn
"Không có tiền, bọn em tạm chấp nhận ở những khu nhà xập xệ, ẩm thấp với mức giá thấp nhất, hoặc ở chung tới 5-7 người dù rất chật chội, thiếu thốn để giảm chi tiêu. Ngày nào đi qua khu xây dựng cũng tưởng tượng một ngày mình được ở đó. Nhưng ngày hoàn thành đã gần đến mà công trình vẫn ngổn ngang. Chắc là đến khi bọn em ra trường cũng không được hưởng ngày nào", Nguyễn Viết Huân - sinh viên ĐH Kinh tế Quốc dân Hà Nội, cho hay.Trong các dự án nhà ở cho sinh viên, Khu đô thị mới Pháp Vân - Tứ Hiệp (quận Hoàng Mai) thường được nhắc đến bởi đây dự tính là khu nhà ở cho sinh viên tập trung lớn nhất thành phố. Khởi công từ tháng 10/2009 và theo kế hoạch sẽ hoàn thành cuối năm 2011, dự án sẽ đáp ứng gần 22.000 chỗ ở cho sinh viên.
Tuy nhiên, đến nay dự án vẫn như một đại công trường với gần chục tòa nhà cao 19 tầng im ắng, vắng vẻ lạ thường. Hệ thống thang máy phục vụ thi công ngừng hoạt động, máy móc, thiết bị đắp chiếu.
Một số cán bộ quản lý cho biết, do thiếu vốn, cho nên từ đầu năm 2012 các đơn vị thi công tạm nghỉ. Cả công trường giờ chỉ còn một, hai tốp thợ với khoảng chục công nhân làm các công việc lặt vặt. Vì thế, mặc dù nhà A5, A6 đã hoàn thành phần xây thô và trát ngoài, nhưng vẫn cửa đóng then cài.
Dự án nhà ở cho sinh viên tại khu đô thị Mỹ Đình II (huyện Từ Liêm) cũng là một ví dụ tương tự. Dự án cho 7.500 sinh viên gồm năm đơn nguyên đã bước sang giai đoạn hoàn thiện. Tuy nhiên, đến giai đoạn này lại đột ngột dừng, hoạt động thi công trên công trường cũng khá cầm chừng. Đại diện Sở Xây dựng - chủ đầu tư dự án cho biết, tổng mức đầu tư của hai dự án trên là gần 2.500 tỷ đồng, nhưng đến nay, nguồn vốn ngân sách mới giải ngân được 880 trên tổng số 1.328 tỷ đồng khối lượng giá trị đã thực hiện. Nhu cầu vốn năm 2012 là gần 1.600 tỷ đồng, trong đó 200 tỷ đồng thanh toán khối lượng công việc đã thực hiện trong năm 2011, nhưng đến nay chưa được giải ngân.
(Theo VEF)
- 0
- By Admin
- 18/09/2012
- 17