Dự án lỗi hẹn giao nhà, khách hàng rơi rụng lòng tin
Khởi công xây dựng vào giai đoạn thị trường bất động sản (BĐS) suy thoái, hai dự án căn hộ tại quận Long Biên (Hà Nội) là Berriver Long Biên và Mipec Riverside dự kiến bàn giao căn hộ cho khách hàng trong năm 2014, song đến thời điểm này các chủ đầu tư vẫn chưa thể thực hiện được kế hoạch ban đầu của mình.
Mipec Riverside tọa lạc tại số 2 phố Long Biên (đầu phía Bắc cầu Long Biên), trên địa bàn phường Ngọc Lâm (quận Long Biên, Hà Nội). Tòa tháp được xây dựng trên khu đất có diện tích 17 nghìn m2 với quy mô 2 tòa tháp cao 35 tầng, được khởi công từ quý II/2011, theo dự kiến sẽ hoàn thành và đưa vào sử dụng trong quý III/2014.
Còn dự án Berriver Long Biên do Công ty cổ phần Đầu tư xây dựng số 9 Hà Nội làm chủ đầu tư (HANCO 9), cũng khởi công xây dựng từ năm 2011, với quy mô 3,4 ha bao gồm 5 toà tháp căn hộ trong khuôn viên khu đất số 390 Nguyễn Văn Cừ, quận Long Biên. HANCO 9 dự kiến số vốn đầu tư cho dự án này là khoảng 2.500 tỷ đồng. Theo kế hoạch ban đầu, nhà đầu tư này sẽ bàn giao những căn hộ đầu tiên cho khách hàng tại 3 tòa chung cư (giai đoạn I) vào quý I/2014. Nhưng kế hoạch này sau đó được thông báo dời lại vào quý III/2014 và tiếp tục xin lùi thời hạn hoàn thành và chưa biết đến khi nào mới xong.
Mipec Riverside thêm một lần lỗi hẹn bàn giao cho khách hàng |
Trong giai đoạn khó khăn (2011 - 2013), thị trường BĐS Hà Nội đã chứng kiến nhiều dự án căn hộ phải lùi tiến độ thi công để đợi thị trường hồi phục, chẳng hạn như dự án HP Landmark (Khu đô thị mới An Hưng, quận Hà Đông) với tên gọi cũ là The Pride của Công ty cổ phần Đầu tư Hải Phát; CT Number One (Khu đô thị Vân Canh, huyện Hoài Đức) với tên gọi cũ là CT1 Vân Canh của Công ty cổ phần Bất động sản AZ (AZ Land)… Hiện tại, các dự án ít nhiều đã tìm được lối ra nhờ việc tái cơ cấu sản phẩm, thay tên gọi mới cho dự án, tìm phương án tài chính và đơn vị bán hàng mới. Tuy nhiên, với Berriver Long Biên và Mipec Riverside, dường như các chủ đầu tư vẫn rất bình thản trước những biến động của thị trường.
Thực tế cho thấy, việc lùi hạn giao nhà cho khách hàng cũng khiến các chủ đầu tư gánh nhiều rủi ro, trong đó rủi ro lớn nhất là giá không lên như kỳ vọng. Ví dụ như dự án HP Landmark Tower tại Hà Đông (Hà Nội). Dự án này vốn là toà nhà CT3 trong Tổ hợp chung cư The Pride (Khu đô thị mới An Hưng, Hà Đông) do Công ty cổ phần Đầu tư Hải Phát làm chủ đầu tư. Giai đoạn năm 2011 - 2013, khi thị trường tự do “cắt lỗ”, các căn hộ tại dự án này chỉ còn giá khoảng 15 - 16 triệu đồng/m2. Để có thể tồn tại qua thời điểm khó khăn, chủ đầu tư đã phải bán đi một số tài sản để duy trì dòng vốn đầu tư cho các dự án còn lại. Đến năm 2014, khi chủ đầu tư tái cơ cấu và xây dựng lại thương hiệu cho dự án (HP Landmark Tower) thì mức giá bán căn hộ sau khi làm mới cũng chỉ đạt 17,3 - 18 triệu đồng/m2 (đã gồm VAT, nội thất đầy đủ), mức giá này không cao và chủ đầu tư cũng không lãi hơn là mấy so với việc hoàn thành sớm dự án và bán hết hàng từ năm trước.
Việc “ôm cây đợi thỏ” này cũng từng được áp dụng tại nhiều dự án khác điển hình như: Dự án chung cư AZ Vân Canh, hiện đang được một siêu thị BĐS đổi tên gọi mới là CT Number One Vân Canh, dự án Phuc Ha City Garden của Công ty cổ phần Đầu tư kinh doanh và Phát triển hạ tầng khu công nghiệp Phúc Hà (IPACO), sau khi chậm tiến độ đã đổi tên gọi mới là Thăng Long Victory,… Rõ ràng, các chủ đầu tư sẽ mất rất nhiều thời gian để lấy lại lòng tin và làm mới các dự án có “tiền sử” chậm tiến độ này.
- 0
- By Admin
- 18/11/2015
- 17