• 0933331087
  • nhadatgialai.company@gmail.com

Dự án khu du lịch Làng quê Việt Nam: Ngầm rao bán đất dự án

Đã có một vài doanh nghiệp, cá nhân ký kết với ông Đặng Xuân Nghĩa - Tổng Giám đốc Công ty BNC hợp đồng môi giới bán Dự án KDL Làng quê núp dưới danh nghĩa kêu gọi đầu tư với giá gần 6 triệu USD.

Những hạng mục của dự án bị bỏ quên trở nên hoang tàn. Ảnh: PVMT.

Công ty Cổ phần Resort có bị sập bẫy?

Công ty Cổ phần Resort Việt Nam (CTCP Resort) có Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh số 4000743517, do Sở KH&ĐT Quảng Nam cấp ngày 11-5-2010, đang sống dở chết dở và được cho là có nhiều dấu hiệu bị sập bẫy ngay sau khi hợp tác làm ăn với Công ty BNC. Ngày 26-5-2010, Công ty BNC ký hợp đồng cho CTCP Resort thuê một phần mặt bằng tại Khu Du lịch (KDL) Làng quê Việt Nam để triển khai các dịch vụ kinh doanh du lịch.

Ngay từ khi hợp đồng trên có hiệu lực, CTCP Resort đã đầu tư với số tiền khá lớn để phát triển, cải thiện cơ sở hạ tầng, kinh doanh du lịch, tạo công ăn việc làm cho hơn 30 lao động tại KDL Làng quê VN. Việc kinh doanh đang diễn ra êm ả thì ngày 17-8-2010, Công ty BNC gửi Công văn 18/BNC-TT thông báo đơn phương chấm dứt hợp đồng và không hoàn lại số tiền, tài sản mà CTCP Resort đã đầu tư.

Phó Tổng giám đốc CTCP Resort nói với PV Tiền Phong: "Chúng tôi đang bị lừa gạt. Việc ông Đặng Xuân Nghĩa ủy quyền cho một đơn vị thông báo chấm dứt hợp đồng với chúng tôi là hành vi phi kinh doanh, trái quy định của pháp luật Việt Nam".

Vài triệu USD, bán tất

Theo các văn bản chúng tôi có được, trong 3 năm lại đây, ông Đặng Xuân Nghĩa liên tục ký kết với một số đơn vị, cá nhân; trong đó có cả nghệ sỹ nhiếp ảnh, người môi giới tự do, với chiêu thức kêu gọi đầu tư trong dự án FDI có dấu hiệu bán đất.

Cụ thể, ngày 2-2-2008, ông Nghĩa ký một biên bản ghi nhớ với ông Nguyễn. Tr. H về việc chuyển nhượng vốn pháp định trong Công ty BNC với Công ty Cổ phần Du lịch và Thương mại V (ở Khánh Hòa). Theo đó, ông Nghĩa dự kiến chuyển 95% giá trị tài sản hiện hữu của Công ty BNC với giá 3.800.000 USD cho Công ty Cổ phần Du lịch và Thương mại V.

Để lách luật và né tránh sự giám sát các cơ quan chức năng Việt Nam, ông Nghĩa đã ràng buộc bên mua dự án bằng một điều khoản "Bảo mật" (điều 8 của biên bản ghi nhớ - PV), trong đó ghi rõ: "Trước và sau khi ký kết bản ghi nhớ này, các bên đồng ý rằng các bên sẽ bảo mật nội dung bản ghi nhớ, nội dung của các cuộc thảo luận giữa các bên và các thông tin liên quan việc chuyển nhượng vốn pháp định…".

Chủ đầu tư dự án KDL Làng quê Việt Nam biện minh rằng, không thể có chuyện bán đất. Nhưng nếu chủ đầu tư tuân thủ đúng giấy phép đầu tư, chỉ chuyển nhượng cơ sở hạ tầng thì vì sao khu đất của dự án chỉ có cỏ mọc um tùm mười năm nay cũng được vơ vào tính tiền 550 USD/m2?
Cũng nhằm hoàn tất việc chuyển nhượng tài sản, đất cát trong dự án FDI của Nhà nước, trong hợp đồng này, tổng giám đốc Công ty BNC đã chia quá trình chuyển nhượng ra nhiều bước và quy định chuyển đổi tên Công ty BNC…

Việc chuyển nhượng này không thành, nhưng ông Nghĩa đã thu lợi 500.000 USD, vì đưa tài khoản cá nhân tại Ngân hàng TMCP Việt Á (Chi nhánh Đà Nẵng) vào hợp đồng giao dịch thay vì dùng tài khoản của Công ty BNC.

Ngày 2-5-2009, với Hợp đồng thỏa thuận số 01/HD09, ông Đặng Xuân Nghĩa đã công khai thỏa thuận với nghệ sỹ nhiếp ảnh Nguyễn Đ.L (số tài khoản 1506100000… tại Ngân hàng TMCP Việt Á, chi nhánh Đà Nẵng) với nội dung kêu gọi đầu tư nhưng thực chất là bán đất. "Bên B (ông Nguyễn Đ.L) sẽ thực hiện kêu gọi nhà đầu tư có khả năng góp vốn cổ phần vào kinh doanh KDL Làng quê Việt Nam tại xã Cẩm Nam bao gồm toàn bộ cơ sở hạ tầng và khu biệt thự đã được hoàn thiện với giá 5.827.000 USD".

Phần mở ngoặc trong hợp đồng thỏa thuận này ghi rõ: (10.595m2 x 550 USD/m2= 5.827.250 USD). Trong lần ký hợp đồng này, ông Nghĩa đã dùng tài khoản của Công ty BNC chứ không dùng tài khoản cá nhân như trước đây.

Trong biên bản ghi nhớ chuyển nhượng 95% tài sản của Công ty BNC cho Công ty CP Du lịch và Thương mại V, ông Nghĩa chỉ đề nghị giữ lại 5 loại tài sản là: 1 bọng gỗ, 1 giường thùng bằng gỗ, 1 ông tre (3 trục gỗ lim dùng để ép mía) và 3 cây cổ thụ. Có người từng giao dịch với Công ty BNC cho rằng, vài thứ đồ mà ông Nghĩa muốn giữ lại chỉ là để che mắt cơ quan chức năng, rằng: ông Nghĩa vẫn giữ 5% cổ phần trong Công ty đang sử dụng cả chục nghìn mét vuông đất mà tỉnh Quảng Nam cấp; rằng Công ty BNC vẫn đang đầu tư, kinh doanh trên mảnh đất vàng.

Trong văn bản gửi Công an tỉnh Quảng Nam, giải trình về dự án KDL Làng quê Việt Nam, ông Đặng Xuân Nghĩa kể nhiều về quá trình đầu tư về Việt Nam, cũng như việc ông làm từ thiện ở nhiều nơi rất nhân văn. Song, những chữ ký và văn bản giấy trắng mực đen trong những hợp đồng thể hiện sự bán đất dự án lại lộ rõ biểu hiện lén lút, mập mờ không lý giải nổi. Đây là thực tế phản đầu tư FDI, cho thấy chủ dự án đầu tư không vì mục đích làm lợi cho nền kinh tế Việt Nam.

(Theo Tiền Phong)

  • 0
  • By Admin
  • 15/12/2010
  • 17