Dự án giao thông tại Tp.HCM - Mặt bằng chờ đến bao giờ?
Công trình TSN - Bình Lợi thi công cầm chừng vì chưa bàn giao mặt bằng. Ảnh: Q.Hùng |
Vướng mặt bằng
Một trong những công trình quan trọng nhất hiện nay là tuyến đường Tân Sơn Nhất - Bình Lợi - Vành đai ngoài có chiều dài 13,657km, điểm đầu tại nút giao Trường Sơn, điểm cuối tại nút giao Linh Xuân. Hiện nay con đường đã thành hình hài nhưng lại giống như câu chuyện cây tre trăm đốt. Nghĩa là đơn vị thi công chỉ làm theo từng đoạn, chỗ nào có mặt bằng, làm chỗ nào chưa có, tiếp tục chờ.Quận Gò Vấp còn 53 hộ chưa bàn giao mặt bằng, chủ yếu ở tổ 51 thuộc phường 3; quận Thủ Đức còn 35 hộ; Tân Bình 30 hộ trên đường Hồng Hà. Ngoài ra, còn có 29 đơn vị liên quan, trong đó 25 đơn vị đã lập 31 danh mục bồi thường và di dời; còn 4 đơn vị viễn thông không lập danh mục bồi thường nhưng vẫn di dời ngoài hiện trường. Trong đó, điện lực 6 đơn vị, điện thoại 10 đơn vị, cấp nước 6, chiếu sáng 1, cây xanh 1, đường sắt 1...
Qua 2 năm khởi công xây dựng, đến nay một số đoạn của tuyến đường cao tốc Tp.HCM - Long Thành - Dầu Giây đã dần hình thành. Tuy nhiên, đoạn 4km nối với đại lộ Đông Tây (Tp.HCM) chưa biết khi nào khởi công, vì thế một số đoạn đã hoàn thành nhưng không thể đưa vào khai thác được.
Dự án đường cao tốc Tp.HCM - Long Thành - Dầu Giây có chiều dài gần 55km, chia làm 2 dự án thành phần. Dự án thành phần 1 gồm đoạn 4km từ nút giao An Phú nối đại lộ Đông Tây đến Km4+00 bắt đầu lên đường cao tốc và nút giao vành đai 2. Dự án thành phần 2 từ Km4+00 đến Km54+983 chia làm 6 gói thầu xây lắp. Ban quản lý dự án cho biết, tiến độ chung (không kể 4km đầu) đạt trên 55%, đảm bảo như hợp đồng, nhưng từng gói thầu cụ thể còn nhiều vướng mắc, chủ yếu là mặt bằng.
Ông Lê Mạnh Hùng, Giám đốc Ban Quản lý dự án đường cao tốc Tp.HCM - Long Thành - Dầu Giây cho biết, phần lớn các hộ dân đã bàn giao mặt bằng, tuy nhiên vẫn còn một vài hộ khiếu kiện kéo dài, làm ảnh hưởng thi công mố cầu Long Thành. Hiện công tác giải phóng mặt bằng (GPMB) còn chậm, không đồng bộ, khả năng giao mặt bằng cho chủ đầu tư VEC vào quý 3-2012 là khó.
Theo báo cáo tiến độ các dự án trọng điểm của Sở GTVT Tp.HCM, nhiều dự án đang thi công dở dang nằm ở cửa ngõ thành phố bị vướng mặt bằng. Ở dự án mở rộng xa lộ Hà Nội, phần giải phóng mặt bằng thuộc quận 9 và một phần quận Thủ Đức vẫn chưa được thực hiện.
Tại đoạn từ cuối nút giao ngã tư Thủ Đức đến cầu vượt Trạm 2 (dài 2,7 km) bế tắc do vướng tuyến ống nước D1.000. Theo chủ đầu tư, Công ty cổ phần Đầu tư hạ tầng kỹ thuật Tp.HCM (CII), quận Thủ Đức đã bàn giao mặt bằng nhưng tình trạng mặt bằng “da beo” khiến tiến độ thi công chỉ cầm chừng.
Chậm triển khai
Trong các cuộc họp về tiến độ thi công các công trình trọng điểm, Phó Chủ tịch UBND Tp.HCM Nguyễn Hữu Tín đã nhiều lần giao nhiệm vụ cho ngành GTVT trong năm 2012 phải khép kín đường vành đai 2. Tuy nhiên, dự án này vẫn chưa biết khi nào mới hoàn thành bởi vẫn còn “hở” 2 đoạn. Cụ thể, từ cầu Rạch Chiếc 2 đến nút giao thông Gò Dưa (dài 9 km) và đoạn thứ hai từ ngã ba An Lập đến đường Nguyễn Văn Linh (dài 5,2 km).Đứng đầu trong danh sách này phải kể đến Dự án mở rộng xa lộ Hà Nội do CII làm chủ đầu tư với nguồn vốn trên 8.887 tỷ đồng. Để đảm bảo tiến độ, UBND TP đã chỉ đạo các địa phương bàn giao mặt bằng theo từng mốc thời gian. Cụ thể, quận 2 bàn giao trước tháng 2-2012, quận Thủ Đức bàn giao trước 30-4 và quận 9 bàn giao trước 30-6. Thế nhưng, hiện chỉ có quận 2 là cơ bản bàn giao xong mặt bằng, còn quận 9 và Thủ Đức vẫn chưa bàn giao xong mặt bằng cho đường song hành. Theo báo cáo của chủ đầu tư, phải đến năm 2014, mới có thể hoàn thành toàn bộ công trình.
Điều lo ngại nhất là các dự án kết nối các công trình trọng điểm vẫn chưa được đầu tư đồng bộ. Đường cao tốc Tp.HCM - Trung Lương và Võ Văn Kiệt đã đưa vào sử dụng hơn 2 năm nay. Tuy nhiên, giữa hai tuyến đường này vẫn chưa có đường nối trực tiếp nên chưa phát huy hết hiệu quả. Dự án xây dựng đường nối đại lộ này với cao tốc Tp.HCM - Trung Lương có tổng kinh phí trên 1.346 tỷ đồng do Tổng Công ty Quản lý và Phát triển hạ tầng Cửu Long làm chủ đầu tư. Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa tìm được nguồn vốn nên chưa biết lúc nào mới khởi công.
Ngoài ra còn nhiều dự án đường nối khác như dự án xây dựng đường nối vành đai phía Đông – xa lộ Hà Nội; dự án xây dựng đường nối Bình Thái - Gò Dưa; dự án xây dựng đường nối nút giao Gò Dưa đến đường Tân Sơn Nhất - Bình Lợi - Vành đai ngoài... dù đã lập dự án nhưng chưa biết lúc nào mới triển khai xây dựng.
UBND Tp.HCM đã xây dựng danh mục 14 dự án trọng điểm để kêu gọi đầu tư nước ngoài giai đoạn 2011 - 2015. Gồm tuyến xe điện mặt đất số 1 (Sài Gòn - Chợ Lớn - Bến xe miền Tây); tuyến Monorail số 2 (Nguyễn Văn Linh - Thủ Thiêm), tuyến Monorail số 3 (ngã sáu Gò Vấp - Công viên phần mềm Quang Trung - Tân Thới Hiệp); tuyến đường sắt đô thị số 6 (Bà Quẹo - Vòng xoay Phú Lâm); đường trên cao tuyến số 1, 2, 3; mở rộng quốc lộ 22 (đường Xuyên Á). Những dự án TP dự kiến mời gọi đầu tư theo hình thức BOT (xây dựng - kinh doanh - chuyển giao) hoặc PPP (đối tác công tư, nhà nước và tư nhân cùng làm). Theo ước tính của ngành giao thông vận tải Tp.HCM, nhu cầu vốn đầu tư hạ tầng giao thông của TP năm 2012 lên đến 46.800 tỷ đồng (gấp đôi năm 2011) nhưng chỉ có thể huy động được gần 41.200 tỷ đồng, thiếu hụt khoảng 5.600 tỷ đồng. Trong 5 - 10 năm tới, TP dự kiến triển khai thêm hơn 40 dự án cơ sở hạ tầng theo phương thức BT (xây dựng - chuyển giao) với tổng mức đầu tư hơn 85.880 tỷ đồng và 6.100 triệu USD, 10 dự án BT kết hợp BOT (xây dựng - kinh doanh - chuyển giao) với tổng mức đầu tư hơn 78.500 tỷ đồng. |
(Theo SGGP)
- 122
- By Admin
- 05/07/2012
- 17