Dự án đường Uông Bí - cầu sông Chanh: Vẫn dang dở sau 4 năm thực hiện
Các đơn vị nhà thầu thi công "cầm chừng" vì chưa được bàn giao mặt bằng |
Các nhà thầu đã cam kết sẽ hoàn thành dự án vào cuối năm 2009, nhưng đến thời điểm này, sau gần bốn năm thi công, tuyến đường vẫn chưa thảm nổi một mét nhựa.
Năm 2003, dự án đường Uông Bí - cầu sông Chanh được UBND tỉnh Quảng Ninh phê duyệt đầu tư tại Quyết định số 4306. Quy mô dự án thuộc nhóm B, thiết kế theo tiêu chuẩn đường cấp III đồng bằng, tổng chiều dài tuyến hơn 10 km, trong đó có 9 km đi qua địa phận huyện Yên Hưng. Chiều rộng mặt đường 11 m, trên tuyến có hai cầu Mai Hòa (dài 89 m) và Cồn Khoai (dài 48 m), tải trọng thiết kế H30-XB 80. Tổng số vốn đầu tư gần 150 tỷ đồng, do Vinacomin làm chủ đầu tư theo chương trình đổi đất lấy cơ sở hạ tầng với tỉnh Quảng Ninh. Theo đó, sau khi dự án đường Uông Bí - cầu sông Chanh hoàn thành và đưa vào sử dụng, sẽ tạo tiền đề để những dự án tiếp theo đã được tỉnh Quảng Ninh phê duyệt như: Khu công nghiệp Ðông Mai; cơ sở 2 Trường đại học Công nghiệp Quảng Ninh, hay dự án khu công nghiệp sửa chữa và đóng tàu Tiền Phong,... tiếp tục được đầu tư xây dựng, đồng thời tạo cơ hội thúc đẩy mạnh mẽ quá trình đô thị hóa và hình thành một số cụm dân cư mới hai bên tuyến đường.
Dự án được khởi công vào cuối tháng 9/2007, được chia làm tám gói thầu, trong đó các gói thầu từ 1 đến 4, gồm các công việc thiết kế, từ gói thầu số 5 đến 8 là các gói thầu thi công xây lắp do bốn nhà thầu thi công gồm: Công ty cổ phần đầu tư Xây dựng và Phát triển nông thôn; Công ty CP Cơ giới và Xây dựng Thăng Long; Công ty xây dựng 472 (Tổng công ty Trường Sơn) và Công ty CP Ðầu tư và Xây dựng công trình 116 (Cienco I).
Tuy nhiên, đến nay sau gần bốn năm thi công, tuyến đường Uông Bí - cầu sông Chanh (Yên Hưng) chưa hoàn thành được mét thảm nhựa nào. Trên toàn tuyến khối lượng thi công của các nhà thầu phần nền đường cơ bản đạt hơn 70% khối lượng công việc và 60% giá trị xây dựng, nhưng vẫn còn có một số đoạn mới dừng ở công đoạn san nền đường. Hiện các nhà thầu thi công trên tuyến đều ở tình trạng cho máy móc 'đắp chiếu' hoặc chỉ thi công cầm chừng, kéo dài thời gian. Nguyên nhân có nhiều, nhưng trong đó phải kể đến trách nhiệm của địa phương trong công tác GPMB, năng lực của nhà thầu thi công kém và chủ đầu tư dự án giải ngân chậm.
Trong dự án này, huyện Yên Hưng có hơn 400 hộ thuộc bốn xã là Sông Khoai, Ðông Mai, Hiệp Hòa, Yên Giang và thị trấn Quảng Yên bị ảnh hưởng, trong đó có 28 hộ phải tái định cư đến nơi ở mới. Ðến cuối tháng 12-2009 công tác GPMB mới cơ bản được hoàn thành. Hiện tại gói thầu 8 đoạn qua thôn Mai Hòa 2 (xã Ðông Mai) vẫn còn vướng do tranh chấp giữa hai hộ dân và hộ gia đình ông Nguyễn Văn Xếp không cho thi công vì chưa đền bù chiếm dụng đất hành lang tạm thời. Hiện vẫn còn khoảng 200 m đoạn đấu nối với QL18 do phải điều chỉnh lại quy hoạch, liên quan chín hộ ở phường Nam Khê phải di dời, nhưng đến nay TP Uông Bí vẫn chưa giải tỏa xong.
Một nguyên nhân nữa là do năng lực của nhà thầu kém, hầu hết các gói thầu, các đơn vị thi công đã không tập trung mọi nguồn lực và huy động lực lượng mỏng. Mới đây, đi khảo sát dọc tuyến đường này, chúng tôi nhận thấy, tất cả các gói thầu thi công đều đang dở dang. Tại gói thầu 8, anh Nguyễn Ðức Nam, Chỉ huy phó công trường cho biết: Hợp đồng thi công gói thầu của nhà thầu là 362 ngày, nhưng vướng mặt bằng, trong quá trình thi công phải đắp gia tải, chờ tắt lún cũng mất gần một năm. Khi được hỏi hiện đã xong phần nền đường sao không tiến hành thảm và hoàn thiện gói thầu thì anh Nam cho biết, chờ các gói thầu khác hoàn thành nền cùng thảm luôn, hiện nhà thầu đang chuẩn bị lắp đặt trạm thảm.
Tại gói thầu 6, cầu Mai Hòa mới cơ bản hoàn thành, cầu Cồn Khoai vẫn còn thi công dở dang, và đang dừng thi công. Còn gói thầu 7 cũng trong tình trạng phương tiện nằm 'đắp chiếu', mặc dù thời tiết thuận lợi nhưng không thấy nhà thầu thi công. Tại gói thầu 5, gói thầu duy nhất có nhà thầu đang thi công trên tuyến nhưng chúng tôi cũng chỉ thấy có một máy san và một máy lu đang thi công lớp mặt. Anh Nguyễn Thành Yên, kỹ sư chỉ đạo thi công cho biết: Hiện còn vướng 188 m điểm đầu tuyến chưa GPMB, trên tuyến còn vướng hai hộ và không biết đến bao giờ mới được bàn giao. Bên cạnh đó, do chủ đầu tư không giải ngân kịp tiến độ cho nhà thầu thi công, cùng với đó là thủ tục về quy trình thanh toán quá rườm rà do các đơn vị thi công phải thực hiện bàn giao, nghiệm thu từng phần. Ðơn cử như gói thầu 8, hiện giá trị xây lắp đạt khoảng 40 tỷ đồng (tính cả trượt giá), chủ đầu tư mới chỉ dải ngân cho nhà thầu được có 50% khối lượng.
Dự án đường Uông Bí - cầu sông Chanh hoàn thành sẽ là tuyến đường giao thông quan trọng nối liền QL18 với huyện Yên Hưng, giúp thúc đẩy và giao lưu kinh tế của huyện với TP Uông Bí, TP Hạ Long và các tỉnh bạn thông qua QL10 (cũ) và QL18. Ðồng thời có vai trò quan trọng trong việc tạo đà cho huyện Yên Hưng cũng như của tỉnh Quảng Ninh trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội trong các năm tới. Việc dự án thi công chậm trễ ngày nào sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến tổng mức đầu tư của dự án cũng như điều kiện phát triển kinh tế địa phương ngày đó. Ðã đến lúc chủ đầu tư cũng như các bên liên quan cần có những giải pháp hợp lý để tuyến đường sớm được hoàn thành và đưa vào sử dụng.
(Theo NDO)
- 0
- By Admin
- 28/04/2011
- 17