Dự án “đô thị sông Hồng” đang bị lung lay
Là một dự án kinh doanh bất động sản?
Đây là ý kiến của TS. KTS Đào Ngọc Nghiêm đưa ra tại hội thảo Quy hoạch cơ bản phát triển khu vực sông Hồng đoạn qua Hà Nội do sở Quy hoạch kiến trúc và Hội quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam tổ chức ngày 16/12.
Ý kiến này được đưa ra trong bối cảnh Thủ đô Hà Nội đã được mở rộng với nhiều yếu tố mới có tác động liên quan đến dự án.
PGS. TS Huỳnh Đăng Hy, Tổng Thư ký Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam khẳng định: Các đồ án Quy hoạch chung Hà Nội được duyệt năm 1998, Quy hoạch chi tiết quận Tây Hồ được duyệt năm 2000 không còn thích hợp. Việc xây dựng đê mới, gia cố toàn bộ hệ thống đê 2 bên sông là cơ sở rất quan trọng để lập đồ án Quy hoạch chung điều chỉnh của Hà Nội mở rộng.
TS. Nguyễn Hoàn, Viện kinh tế Việt Nam cũng tỏ ra rất thận trọng: “Đối với đề xuất xây dựng đê mới bao quanh các bãi nổi trong dòng sông Hồng cần phải được tính toán chu đáo hơn, bởi nó có thể làm mất dung tích điều tiết lũ, khiến mực nước sông Hồng đoạn qua Hà Nội cao thêm... Rồi tính ổn định của các đê bao đó qua nhiều mùa mưa lũ sẽ ra sao?"
“Bài học về đợt mưa lũ vừa qua cho thấy, chúng ta không thể chủ quan trước những tai họa thiên nhiên có thể xảy ra cũng như trong vấn đề trị thủy sông Hồng” - GS. TSKH. KTS Nguyễn Thế Bá, Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam bày tỏ quan điểm.
Tại hội thảo này, một số ý kiến đã cho rằng: Dự án lập quy hoạch cơ bản phát triển khu vực sông Hồng đoạn qua Hà Nội thực chất là một dự án kinh doanh bất động sản 100% vốn đầu tư nước ngoài.
TS Nguyễn Hoàn cho biết: tổng vốn đầu tư của dự án khoảng 7.099 triệu USD. Và chủ đầu tư chẳng dại gì đổ vào Việt Nam số tiền đó mà chỉ bỏ một khoản khiêm tốn sau đó bán nhà, bán đất với giá cắt cổ, tích tụ chuyển ngoại tệ mạnh về chính quốc.
Vô hình thành hữu hình?
Theo phân tích của một số nhà kinh tế: nếu dự án này được thông qua thì chủ đầu tư Hàn Quốc thắng to. Với hơn 7.099 triệu USD “vô hình” mà được hữu hình tới 10.200 ha đất tại trung tâm Hà Nội và một giá trị thương hiệu Thủ đô Hà nội 1000 năm tuổi.
Đồng thời họ lại cắm một quy hoạch kiến trúc cảnh quan của sông Hàn, của Seoul vào chính lòng Hà nội một cách lâu dài với chi phí tiền tệ rất rẻ, chưa từng có từ trước tới nay.
Hiện nay ven sông Hồng đang là nơi cư trú của 42.965 hộ gia đình với 189.600 khẩu. Số đối tượng phải di dời là 39.100 hộ. Theo kế hoạch đến năm 2016 sẽ di dời xong. Đây là cuộc di dân tái định cư có chủ trương với quy mô cực lớn.
“Trong dự án không hề đề cập đến việc đảm bảo cho người dân tại nơi ở mới có cuộc sống ổn định hơn. Người dân sẽ lâm vào tình cảnh không nghề nghiệp, không tài sản, con cái thiếu học hành... mấy đời nối tiếp nhau. Thực tế này đang diễn ra và dự án không nên lặp lại” - PGS. TS. Nguyễn Thu Thanh, Viện phó Quy hoạch và phát triển nông thôn nêu ý kiến.
"Cần đặt dự án trong bối cảnh hiện nay: Quỹ đất Thủ đô đã tăng đáng kể. Việc tìm kiếm đất để xây các đô thị mới, nhà cao tầng... nhằm tái định cư cho dự án, hoặc thu hồi vốn không còn nan giải như trước đây" - GS. TSKH. Nguyễn Tài (ĐH Dân lập Phương Đông) đã có suy nghĩ vậy.
Theo ông, dự án Quy hoạch cơ bản sông Hồng nên lấy mục tiêu chính là bảo đảm an toàn cho các khu dân cư, làm đẹp cảnh quan và bảo vệ môi trường chứ không nên coi mục tiêu chính là nhằm có thêm quỹ đất.
Rõ ràng, cho tới thời điểm này, khi Hà Nội mở rộng thì dự án quy hoạch phát triển sông Hồng nhất thiết phải xem lại. Sự đồng thuận của các chuyên gia cũng như dư luận không chỉ là phù hợp với quy hoạch Thủ đô mà còn phải giải được bài toán trong hàng loạt vấn đề từ trị thủy sông Hồng đến cảnh quan đô thị, môi trường…đặc biệt là giải quyết việc di dời của hàng chục nghìn hộ một cách thấu tình đạt lý.
Theo Dân trí
- 0
- By Admin
- 17/12/2008
- 17