• 0933331087
  • nhadatgialai.company@gmail.com

Dự án căn hộ chậm tiến độ, nhà đầu tư khốn khổ

Gom hết tiền dành dụm mua căn hộ Good House, quận 8, nhưng không đủ, anh Lê Thành Vinh phải vay ngân hàng. Lãi suất lên đến 23% một năm, nợ gốc và lãi mỗi tháng đến 25 triệu đồng, chiếm 83% thu nhập, song dự án chậm giao gần 2 năm.

Vinh cho biết, anh mua căn hộ vào năm 2010 với hy vọng có nơi an cư và gom góp toàn bộ tài sản, kể cả lương hàng tháng để trả góp được 85% giá trị căn nhà. Theo hợp đồng tháng 6/2011 chủ đầu tư giao nhà nhưng anh vừa nhận được thông báo xin lùi thời hạn bàn giao thêm 20 tháng nữa. "Thu nhập của tôi 30 triệu đồng mỗi tháng, trả góp hàng tháng đã 25 triệu đồng, tôi chỉ còn 5 triệu đồng nhưng vừa phải thuê nhà và chi tiêu cho cuộc sống", anh Vinh giãi bày.

Khách hàng này cho hay, anh không hề được chủ đầu tư cam kết trả lãi phạt chậm giao nhà hay bồi thường thiệt hại cho khách hàng. "Tôi mất ăn mất ngủ từ khi hay tin dự án hoãn bàn giao căn hộ gần 2 năm. Cứ tưởng chậm nhất năm nay sẽ có nhà nhưng nào ngờ lại trắng tay", anh nói.

Cũng bế tắc tài chính vì mua phải dự án đình trệ, bà Nguyễn Hoàng Thi mua căn hộ trên đường Tạ Quang Bửu bộc bạch: "Tôi đã gom tiền tiết kiệm, cộng thêm tiền vay ngân hàng để mua nhà và đã đóng gần một tỷ đồng. Lẽ ra sắp được nhận căn hộ nhưng dự án đình trệ nên giờ tôi vẫn phải ở thuê".

Dự án căn hộ chậm tiến độ, nhà đầu tư khốn khổ | ảnh 1
Dự án chậm giao khiến nhiều khách hàng lâm cảnh nợ nần do vừa phải trả lãi ngân hàng, vừa phải trả tiền thuê nhà trong thời gian dài. Ảnh: Vũ Lê

Bà Thi cho hay, vợ chồng bà đã vay ngân hàng mua nhà với lãi suất 22% một năm, ngốn phần lớn thu nhập hàng tháng của gia đình. Hiện bà phải thuê nhà hàng tháng với chi phí 6 triệu đồng mỗi tháng. "Tiền chôn vào dự án không biết làm cách nào lấy ra, mình lại trắng tay chẳng dư đồng nào. Tôi lo nhất là nếu bỏ hoang phế trong thời gian dài thì công trình cũng nhanh chóng xuống cấp", nữ khách hàng lo ngại.

Không chỉ vướng vào vòng lẩn quẩn: thiếu nợ ngân hàng, dốc hết tiền dành dụm đổ vào dự án trên đường Âu Dương Lân, chị Huỳnh Liên còn đứng ngồi không yên vì phải săn lùng địa chỉ mới của chủ đầu tư. Chị Liên kể, cuối năm 2011 chị được doanh nghiệp thông báo bàn giao nhà trễ do công trình chậm tiến độ. Từ thời điểm này chị phát hiện chủ đầu tư đã dời trụ sở đi nơi khác. "Tôi muốn chủ đầu tư cam kết về thời gian bàn giao nhà, tiến độ thật sự của dự án hoặc lấy lại tiền nhưng không tài nào được gặp người có thẩm quyền giải quyết vụ việc", chị nói.

Nỗi lo của khách hàng không may vướng phải dự án chậm triển khai hoặc đình trệ trong thời gian dài là vốn đã góp gần hết nhưng nhà chưa thấy giao trong khi dòng tiền bị kẹt trong dự án cũng không lấy về được. Thậm chí, bản thân khách hàng còn lo chủ đầu tư phá sản họ có thể bị mất trắng.

Giám đốc bộ phận nghiên cứu thị trường bất động sản Công ty tư vấn kinh doanh hội nhập toàn cầu (GIBC) Huỳnh Phước Nghĩa nhận định: "Tình trạng dự án chậm giao dù khách đóng 80-90% giá trị căn hộ đang tăng cao do chủ đầu tư bị đói vốn. Người mua nhà chịu thiệt thòi lớn nhất".

Theo ông Nghĩa, những tổn thất mà nhóm khách hàng này phải chịu gồm: tổn thương về tài chính, mất chi phí cơ hội, mất niềm tin, tỷ lệ rủi ro suất đầu tư bị đẩy lên cao.

Để giải quyết khó khăn này, ông Nghĩa cho rằng các bên liên quan phải minh bạch thông tin và có thiện chí cùng nhau vượt khó. Theo đó, chủ đầu tư phải công khai tài chính: tỷ lệ vốn huy động của khách hàng, vốn tự có của doanh nghiệp và vốn vay ngân hàng cũng như các khoản nợ nhà thầu, nhân công. Khách hàng cũng cần cam kết tiếp tục góp vốn và chấp nhận gánh thêm một khoản chi phí nhằm hỗ trợ dự án hoàn thiện. Từ cơ sở này, có thể tính được tổng chi phí cần thiết để hoàn thiện dự án và nhờ đến ngân hàng làm trung gian điều phối dòng vốn.

Chuyên gia này cho biết thêm, thông thường ở các nước phát triển, khi những dự án lâm vào tình trạng thiếu vốn có nhiều hướng xử lý. Người mua nhà có thể cầu cứu chính phủ, các quỹ đầu tư. Thậm chí là những quỹ đầu tư có thể tính toán lại giá trị của dự án để phát hành trái phiếu dự án và hỗ trợ hoàn thiện công trình. "Tuy nhiên, tại Việt Nam do vẫn còn vướng pháp lý về sở hữu tài sản cho người nước ngoài nên các quỹ đầu tư quốc tế tỏ ra dè dặt mua lại các dự án bị đình trệ vì thiếu vốn", ông nói.

(Theo VnExpress)

  • 0
  • By Admin
  • 27/02/2012
  • 17