• 0933331087
  • nhadatgialai.company@gmail.com

"Dự án Splendora có nhiều dấu hiệu sai phạm, lừa đảo khách hàng"

>> Dự án Splendora: Quảng cáo một đằng, chất lượng một nẻo

Đó là nhận định của LS Trần Đình Triển - Trưởng văn phòng Luật sư Vì Dân – Đoàn LS thành phố Hà Nội - người đã và đang trực tiếp tư vấn cho rất nhiều khách hàng mua nhà của Splendora.

"Dự án Splendora có nhiều dấu hiệu sai phạm, lừa đảo khách hàng" | ảnh 1
Cả chục khách hàng đã đem băng rôn phản đối chủ đầu tư với những kiến nghị mà họ cho là không hợp lý.

Theo LS Trần Đình Triển, việc các khách hàng của dự án Splendora Bắc An Khánh khiếu nại là không chuẩn xác bởi việc khiếu nại mức giá các căn biệt thự mà họ mua bị “tăng giá” so với hợp đồng góp vốn (HĐGV) không có gì khó hiểu, khách hàng đã ký hợp đồng với mức giá được ghi rõ trong từng bản hợp đồng mua bán (HĐMB) với từng căn.

Hai HĐGV và HĐMB không có liên quan tới nhau nên không thể căn cứ vào giá đã thể hiện trong hai bản hợp đồng này. Rõ ràng, về mặt pháp lý, khi bản HĐMB được ký kết giữa hai bên, điều đó đồng nghĩa với việc HĐGV hết hiệu lực. Vì vậy không thể lấy mức giá ở HĐGV ra để làm căn cứ trước pháp luật được.
"Dự án Splendora có nhiều dấu hiệu sai phạm, lừa đảo khách hàng" | ảnh 2
Luật sư Trần Đình Triển.

Tuy nhiên, qua sự việc này đã cho thấy những sai phạm nghiêm trọng của đơn vị chủ đầu tư dự án Splendora.

Bản chất của sự việc là đơn vị chủ đầu tư đã không có vốn để triển khai dự án khi được phê duyệt nên họ đã tìm cách kêu gọi người dân góp vốn bằng những lời hứa hẹn.

Quy định của nhà nước về kinh doanh bất động sản đã chỉ rõ rằng: chỉ được thực hiện việc mua bán sản phẩm về nhà ở khi mà dự án đã hoàn thiện hệ thống cơ sở hạ tầng, xây móng. Nhưng ở đây, Công ty liên doanh TNHH phát triển đô thị mới An Khánh (An Khánh JVC) đã thực hiện việc giao dịch bán đất biệt thự cho khách hàng khi dự án chưa đi vào thực hiện.

LS Trần Đình Triển cho hay, phía chủ đầu tư đã có những dấu hiệu của hành vi lừa đảo khách hàng. LS Triển viện dẫn căn cứ: Để bán được sản phẩm của mình, chủ đầu tư đã tiến hành xây dựng nhà mẫu rất đẹp để khách hàng tới xem.

Nhà mẫu được giới thiệu cho khách thấy các loại vật liệu rất đắt giá và thuộc hàng cao cấp nhằm thu hút khách hàng bỏ tiền ra mua. Việc này đã được khẳng định, trước đây chủ đầu tư có "xây dựng một phần cho nhà bếp, khu vệ sinh tại khu Trung Hòa". Theo lý giải của Splendora thì việc phá dỡ khu trưng bày này là do phải trả lại mặt bằng đi thuê và chuyển về trung tâm marketing mới tại khuôn viên của dự án.

Tuy nhiên, khi những giao dịch đã hoàn tất, chủ đầu tư đã bán hết hàng thì họ tiến hành phá bỏ căn nhà mẫu. Như vậy, mọi căn cứ để so sánh sản phẩm khi được bàn giao cho khách với căn nhà mẫu sẽ không còn. Lúc đó, các trang thiết bị, nội thất bên trong không được như mong muốn hay không như sản phẩm mẫu, khách hàng cũng không còn căn cứ nào để so sánh.

Bởi vậy, việc cần thiết nhất là yêu cầu chủ đầu tư phải xây dựng lại nhà mẫu để khách hàng có cơ sở so sánh.

Theo LS Triển, không dừng lại ở đó, chủ đầu tư đã vi phạm quy định về thu tiền của khách. Việc thu tiền đã không theo hợp đồng được ký kết và quy định về xây dựng khi mà phần thô của căn nhà chưa xong thì họ đã yêu cầu khách hàng nộp tiền.

"Dự án Splendora có nhiều dấu hiệu sai phạm, lừa đảo khách hàng" | ảnh 3
Cho tới nay, khi dự án vẫn chưa hoàn tất cơ sở hạ tầng nhưng chủ đầu tư đã yêu cầu khách hàng nộp đủ 70%  tổng giá trị của hợp đồng.

Khi nhà chưa được hoàn tất, chưa sẵn sàng bàn giao chủ đầu tư đã lại yêu cầu khách nộp tiền đợt tiếp theo và ép khách hàng bằng cách “dọa” sẽ chấm dứt hợp đồng hoặc sẽ phải chịu lãi suất nếu không nộp tiền sau 3 tháng khách hàng không đóng tiền kể từ ngày thông báo... Điều này, các khách hàng của Splendora cũng khẳng định rằng có các văn bản thông báo của chủ đầu tư tới khách hàng.

Cho đến nay, dự án vẫn chưa hoàn thiện hệ thống hạ tầng nhưng chủ đầu tư yêu cầu khách hàng phải nộp đủ 70% tổng giá trị nhà từ cuối năm ngoài, nhiều khách hàng đã nộp tiền, như vậy, chủ đầu tư đã sai phạm quy định của nhà nước về xây dựng và kinh doanh bất động sản.

Chủ đầu tư Splendora sẽ phải trả lãi cho các khách hàng đã đóng số tiền đó tính từ thời điểm họ đóng cho tới khi nào chủ đầu tư thông báo cơ sở hạ tầng hoàn thiện.

Ngoài ra, trong bản hợp đồng quy định số tiền ghi trong hợp đồng đã bao gồm tiền sử dụng đất, giá trị gia tăng, việc thực hiện mua bán không qua trung gian nhưng trên thực tế, khách hàng phải nộp cả trăm triệu đồng phí giao dịch trên sàn bất động sản Simco Sông Đà khi khách chuyển từ hợp HĐGV sang HĐMB.

LS. Triển nói: Xét về góc độ đầu tư, chủ đầu tư đã mắc nhiều sai phạm, tìm mọi cách để lách luật, tìm đủ mọi cách để thu hút nguồn vốn từ khách hàng. Sau đó, khi đã có vốn đầu tư, chủ đầu tư lại tìm mọi cách để chặt chém, moi tiền của khách...

(Theo GDVN)

  • 0
  • By Admin
  • 09/10/2012
  • 17