Dự án Luật Quy hoạch đô thị: Cóp nhặt, chưa đủ tầm
Dự kiến tại kỳ họp Quốc hội khóa XII (khai mạc ngày 16-10), Quốc hội sẽ cho ý kiến về dự án Luật Quy hoạch đô thị.Trước đó, Đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM đã tổ chức buổi tọa đàm về dự án này. Các đại biểu góp ý dự luật tỏ ra mất phương hướng. PV đã trao đổi thêm với tiến sĩ-kiến trúc sư Lê Văn Nin, ủy viên thường vụ Ban chấp hành Hội Quy hoạch-phát triển đô thị TP.HCM, về dự luật này.
Cóp nhặt từ Luật Xây dựng
* Tại buổi tọa đàm, ông đã đề nghị khoan thông qua dự luật Quy hoạch đô thị, tại sao vậy?
Tôi có cảm giác nội dung chủ yếu của dự luật là một quy chế hướng dẫn cách thức lập quy hoạch dành cho người làm công tác quy hoạch. Còn người quản lý, nhất là người thụ hưởng quy hoạch (chủ đầu tư, người dân) thì rất ít, thậm chí chỉ có vài hàng.
Luật Quy hoạch đô thị phải dành cho nhiều đối tượng chứ nếu chỉ về quy chế lập quy hoạch thì đã có Nghị định 08 năm 2005 hướng dẫn Luật Xây dựng điều chỉnh rồi. Bây giờ nếu cần thì ban hành kèm theo thôi.
* Có phải vì vậy mà ông cho rằng dự luật còn ít chặt chẽ hơn một chương của Luật Xây dựng?
Dự luật này được cóp nhặt từ chương 2 Luật Xây dựng và mong muốn nâng lên thành luật nhưng chưa đạt. Ví dụ, chế tài cho vi phạm trong lĩnh vực quy hoạch thì yếu hơn rất nhiều so với Luật Xây dựng.
Dự luật còn đặt ra một số thuật ngữ rất kỳ lạ. Tôi làm công tác này hơn 40 năm mà chưa nghe bao giờ. Ví dụ như khái niệm “quy hoạch phân khu” đi kèm quy định “quy hoạch phân khu được duyệt là cơ sở để xác định các dự án đầu tư xây dựng trong đô thị và lập quy hoạch chi tiết” (Điều 30).
Trước đây có bản đồ phân khu đi kèm quy hoạch sử dụng đất. Còn “quy hoạch phân khu” gồm có cái gì thì tôi cũng chưa rõ. Đọc vào thấy rõ người soạn Luật Xây dựng và người soạn dự luật Quy hoạch đô thị là khác nhau.
Kiến trúc sư trưởng là cá nhân: Cáng đáng không xuể!
* Theo ông, tại sao dự luật trên sau một thời gian lấy ý kiến không hoàn thiện thêm mà lại rơi vào mất phương hướng, vừa thiếu vừa thừa như một số đại biểu góp ý? Có phải do người soạn dự luật thiếu thực tế?
Có lẽ người soạn dự luật nắm vấn đề nào nhất, gần gũi với công tác nào nhất thì họ sẽ đề cập đến nó nhiều nhất. Chẳng hạn như công tác lập quy hoạch đã được nhắc đến như nội dung chủ yếu, đó cũng là điều tự nhiên thôi.
Do đó, dự luật cần lấy ý kiến rộng rãi và hoàn chỉnh ở mức cao nhất trước khi Quốc hội thông qua. Không thể là một dự án mà về hình thức thì còn sai lỗi kỹ thuật, câu cú, ngữ pháp, về nội dung thì vừa thừa vừa thiếu vì sẽ làm mất nhiều thời gian.
* Vậy điều ông hài lòng nhất ở dự luật này là đề xuất nào? Có phải là việc thành lập chức danh kiến trúc sư trưởng thành phố làm nhiệm vụ tư vấn, tham mưu, phản biện cho chủ tịch UBND TP về các vấn đề liên quan đến quy hoạch, kiến trúc đô thị?
Tôi cho rằng kiến trúc sư trưởng thành phố là cần thiết. Tuy nhiên, dự luật lần rồi chỉ nói chung chung “đây là chức danh”, không nói rõ là cá nhân hay cơ quan. Bản thân tôi cho rằng kiến trúc sư trưởng nên là văn phòng, người kiến trúc sư trưởng hoàn toàn có thể là người nước ngoài.
Văn phòng này tồn tại song song với Sở Quy hoạch-Kiến trúc với nhiệm vụ khác nhau. Sở Quy hoạch-Kiến trúc quản lý nhà nước, còn văn phòng kiến trúc sư trưởng tham mưu về chuyên môn.
Theo dự luật, nhiệm vụ của kiến trúc sư trưởng là rất lớn và quan trọng nên nếu chức danh trên là cá nhân thì không phải dễ dàng chọn được một người đủ năng lực đảm nhiệm vị trí này.
Bản thân người ấy cũng khó mà tự tin để tham mưu cho chủ tịch UBND TP trước mọi vấn đề quy hoạch, kiến trúc đô thị.
Hiện nay, lớp người nhiều kinh nghiệm thì hầu như đã về hưu, chỉ đóng vai trò cố vấn. Còn lớp trẻ hơn thì chưa đủ sức, chưa đủ tầm. Hơn nữa, mỗi cá nhân có một trường phái, nếu kiến trúc sư trưởng chỉ có một người tham mưu thì coi chừng quy hoạch, kiến trúc dễ rơi vào chủ quan.
* Xin cảm ơn ông.
>Luật Quy hoạch đô thị: Công cụ hữu hiệu trong phát triển đô thị
Theo Pháp Luật TP
- 0
- By Admin
- 17/10/2008
- 17