• 0933331087
  • nhadatgialai.company@gmail.com

Dự án KĐT mới tại bán đảo Thanh Đa: Dân sống khổ vì dự án “treo” 20 năm

Dự án KĐT mới tại bán đảo Thanh Đa: Dân sống khổ vì dự án “treo” 20 năm | ảnh 1
Vụ sạt lở nghiêm trọng vào mùa mưa lũ năm 2010 khiến hàng chục ngôi nhà khu vực bán đảo Thanh Đa bị trôi sông

Tuy nhiên, các dự án đầu tư vào khu vực này cũng lập thêm một kỷ lục khác: dự án "treo” qua hai thế kỷ (XX-XXI), khiến người dân lâm vào tình cảnh sống chung với ngập úng triền miên từ năm này qua năm khác.

Nỗi khổ gần 20 năm vì dự án "treo”

"Do quy hoạch, người dân không thể xây, sửa nhà. Muốn bán nhà cũng không xong. Muốn ở thì phải chịu nỗi lo nơm nớp về sạt lở, ngập úng”. Đây là bất cập mà năm nào người dân cũng phản ánh tại các kỳ họp HĐND Tp.HCM nhưng chưa thấy dấu hiệu "tăng tốc” của chủ đầu tư, cũng như tác động tích cực nào có lợi cho dân từ phía chính quyền. Hậu quả, qua gần 20 năm với hàng loạt các quyết định được thay đổi "xoành xoạch” của chính quyền TP đã khiến cho đời sống người dân lâm vào cảnh sống chung với ngập úng hàng chục năm mà không được khắc phục. Đi tìm hiểu về thực trạng này, người viết không khỏi băn khoăn: "Vì sao ở một khu vực chỉ cách trung tâm thành phố chưa đầy 5km, nhưng người dân phải sống cơ cực giống như các vùng ngoại thành khó khăn ?”.

Cần nhắc lại là ngay từ năm 1992, UBND TP. Hồ Chí Minh đã thông báo việc quy hoạch khu đất Bình Quới - Thanh Đa là khu văn hóa, thể thao, du lịch, nghỉ ngơi, giải trí. Từ khi thông báo này được đưa ra đến khi có quyết định thu hồi, tạm giao đất của chính quyền TP kéo dài gần 13 năm, tức tới tận tháng 6-2004. Tiếp đó, phải chờ thêm 3 năm, TP mới phê duyệt chính thức chủ đầu tư cho dự án. Riêng dự án xây dựng khu tái định cư 18,4ha, với quy mô 2.500 căn hộ tại Khu đô thị Bình Quới - Thanh Đa bị "treo” tổng cộng gần 20 năm khiến người dân chờ nhà tái định cư trong tuyệt vọng.

Ngoài ra, bất cập trong công tác giải tỏa đền bù cũng khiến cho Dự án chống sạt lở bờ sông Thanh Đa liên tục bị trì hoãn. Ngay từ năm 2007, giai đoạn đầu dự án từ hạ lưu cầu Kinh Thanh Đa cũng phải ngừng lại do còn 19 hộ dân trong phạm vi dự án chưa được di dời và bàn giao mặt bằng. Trong khi đó, đoạn 1.1 của dự án chống sạt lở kênh Thanh Đa dự kiến hoàn thành trong tháng 9-2008 nhưng cũng phải đợi đến tháng 1/2009, công trình mới được khánh thành và đưa vào sử dụng. Dư luận đặt câu hỏi: Nếu cứ theo tốc độ "rùa bò” như đoạn 1.1 thì chỉ một phép "tính nhẩm” cũng có thể ước lượng thời gian người dân còn phải sống chung với ngập úng chí ít cũng phải 20 năm nữa để hoàn thành các đoạn 1.2, 1.3, 1.4.

Do những bất cập kể trên của dự án, từ thời điểm 2009 – 2011 đã xảy ra liên tiếp các vụ sạt lở nghiêm trọng, gây thiệt hại hàng chục tỷ đồng. Đầu tiên là vào thời điểm tháng 6/2009, vụ sạt lở nghiêm trọng tại khu vực này đã khoét sâu vào bờ khu vực này tới 10m, khiến các chủ đầu tư dự án đứng ngồi không yên.

Nhiều lo ngại vào thời điểm đó cho rằng nếu không có kế hoạch xây bờ kè chống sạt lở ngay thì toàn bộ bán đảo Thanh Đa sẽ bị tách làm đôi do sạt lở. Hậu quả như dự đoán xảy ra vào đêm 24/7/2010, khi vụ sạt lở nghiêm trọng tại một nhánh khu vực bờ sông kênh Thanh Đa đã khiến 11 căn nhà của dân, cùng nhiều tài sản giá trị bị trôi sông, thiệt hại lên tới hàng chục tỷ đồng.

Dự án KĐT mới tại bán đảo Thanh Đa: Dân sống khổ vì dự án “treo” 20 năm | ảnh 2
Dự án ThanhDa View, dự kiến hoàn thành vào quý II-2012 phục vụ nhu cầu nhà ở, kinh doanh cho người dân tại bán đảo Thanh Đa. Ảnh: HỒNG PHÚC

Người dân đã quá quen với "hứa suông”

Đối phó với mùa mưa lũ 2011, Sở Xây dựng Tp.HCM mới đây trình UBND TP phương án di dời, tháo dỡ, đầu tư xây dựng mới cụm chung cư lô chữ, cư xá Thanh Đa nhằm phục vụ tái định cư cho người dân. Trong khi đó, Tổng Công ty Địa ốc Sài Gòn MTV đã kiến nghị lấp hồ điều tiết để xây dựng khu tái định cư. Tuy nhiên, dường như với những phương án được đề ra và thay đổi "xoành xoạch” từ năm 1992 tới nay, người dân đã không còn hào hứng để chờ đợi dự án mới.

Quan tâm lớn nhất của người dân hiện nay là các dự án về cơ sở hạ tầng hiện hữu (có từ trước quy hoạch) cần phải được tu bổ, sửa để người dân bớt khổ, đi lại dễ dàng hơn qua mỗi đợt triều cường.

Đáng lưu ý, hiện do địa thế bán đảo Thanh Đa được bao bọc bởi sông Sài Gòn nên kết nối giao thông với các khu vực khác hết sức khó khăn. Hầu hết các giao lưu với bên ngoài đều phải thông qua cây cầu Kinh Thanh Đa độc đạo. Tuy nhiên, cây cầu này được xây dựng từ trước năm 1975, chỉ đáp ứng phương tiện vận tải 15 tấn, đồng thời đã xuống cấp.

Trước kiến nghị liên tục của người dân, hiện dự án cầu Kinh Thanh Đa (quy mô 4 làn xe và 2 lề bộ hành), với tổng vốn đầu tư xây dựng gần 435 tỷ đồng đã được thành phố quan tâm cho khởi công từ đầu năm 2011. Dự án với chức năng nối liền trung tâm thành phố với khu đô thị bán đảo Thanh Đa trong tương lai. Do đó về ý nghĩa thì đây chính là cửa ngõ chính của khu đô thị mới tại đây. Tuy nhiên cũng phải đợi tới tháng 6/2013 người dân mới được hưởng lợi từ dự án. Như vậy, "ít nhất” qua hai mùa mưa lũ nữa người dân mới có thể thoát khỏi "nỗi lo” sạt lở khi sống trong chính ngôi nhà của mình.

(Theo DDK)

  • 0
  • By Admin
  • 29/06/2011
  • 17