• 0933331087
  • nhadatgialai.company@gmail.com

Dự án KĐT Hiệp Bình Phước: Nhiều “khuất tất” trong đền bù giải tỏa

Áp mức đền bù gần 10 năm trước?

Theo quyết định số 256/QĐ-UB ngày 20/1/2004 của UBND Tp.HCM chấp thuận giao 198ha đất cho Công ty xây dựng và phát triển kinh tế Quận 6 (Công ty quận 6) đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật chính khu đô thị Hiệp Bình Phước, quận Thủ Đức.

Sau khi TP chấp thuận giao đất cho Công ty Quận 6 làm chủ đầu tư, UBND quận Thủ Đức ban hành phương án số 1500/PABT về bồi thường hỗ trợ thiệt hại tái định cư để giải phóng mặt bằng thực hiện dự án.

Đến cuối năm 2006, do Công ty Quận 6 không có điều kiện để tiếp tục thực hiện dự án, TP ban hành quyết định điều chỉnh bổ sung (số 5222/QĐ-UB, ngày 15/11/2006) với nội dung giao cho Công ty TNHH Vạn Phúc tổ chức xây dựng hạ tầng chung cư dự án và thực hiện dự án thành phần tại khu đất 198ha mà trước đó đã giao cho Công ty Quận 6.

Dự án KĐT Hiệp Bình Phước: Nhiều “khuất tất” trong đền bù giải tỏa | ảnh 1
Bản đồ quy hoạch tổng thể KĐT Hiệp BÌnh Phước.

Theo tinh thần của quyết định này, Vạn phúc chịu trách nhiệm đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án, không để dự án kéo dài, phải hoàn tất công tác bồi thường trong thời hạn 12 tháng kể từ ngày ký quyết định.

Tuy nhiên, mãi đến tháng 6/2011, Công ty CP Đầu tư Địa ốc Vạn Phúc mới gửi công văn (64/VP-HC/2011) cho Ban bồi thường giải phóng mặt bằng quận Thủ Đức về mức thỏa thuận, đền bù cho các hộ dân trong dự án với mức giá tối đa 1.500.00 đồng/m2 gồm cả cây cối và hoa màu trên phần đất.

Trong công văn, Công ty Vạn Phúc nhấn mạnh rằng mức giá này chỉ áp dụng đối với những trường hợp chính quyền địa phương không thực hiện lệnh cưỡng chế thu hồi đất; còn trường hợp có quyết định cưỡng chế thu hồi thì mức giá mà Vạn Phúc bồi thường chỉ 900.000 đồng/m2.

Theo phản ánh của các hộ dân, chỉ có 16 hộ được mời tham dự cuộc họp ngày 13/8/2011 để thỏa thuận về mức đền bù như nói trên. Tuy nhiên, khi nhiều hộ dân kéo đến thì lúc này Công ty Vạn Phúc mới công bố công văn số 64/VP-HC/2011 nói trên.

Ông Trương Đức Lợi, người dân khu phố 5, phường Hiệp Bình Phước bức xúc: “Một số hộ có ruộng đất cạnh dự án bán sang tay để xây nhà giá từ 4-6 triệu đồng/m2, trong khi, mức bồi thường của Vạn Phúc thì lại chưa đến một nữa giá thị trường. Trong khi đó, đây là dự án kinh doanh của Công ty Vạn Phúc nhưng chủ đầu tư và người dân lại không có sự thỏa thuận, hiệp thương về giá".

Nhiều hộ dân cho hay, quyết định 192/QĐ-UBND (12/1/2011) ban hành về việc chi trả tiền bồi thường, hỗ trợ khu thu hồi đất của dân, nhưng họ lại không nhận được quyết định thu hồi đất cũng như các khoản bồi thường về đất bị thu hồi theo điều 38, 39, 40 của Luật đất đai 2003 và điều 36 của Nghị định 181/2004/NĐ-CP.

Điều đáng nói là quyết định 192/QĐ –UB ban hành việc chi trả bồi thường, hỗ trợ khi thu hồi đất dựa trên các qui định tại Nghị định 22/1998/NĐ – CP về đền bù thiệt hại khi nhà nước thu hồi đất, trong khi nghị định này đã hết hiệu lực kể từ ngày 23/12/2004?

Bên cạnh đó, quyết định 192/QĐ –UB dựa trên căn cứ QĐ 5567/QĐ – UB (ngày 9/11/2004) để duyệt phương án bồi thường hỗ trợ, tái định cư tại thời điểm do Công ty quận 6 làm chủ đầu tư.

Đến thời điểm này, Công ty Vạn Phúc lại áp dụng phương án phê duyệt theo quyết định 5567 để bồi thường cho dân là điều cần xem xét lại.

Bà Liên, một hộ dân ở phường Hiệp Bình Phước nói: “Quyết định số 192/QĐ–UB ban hành việc chi trả tiền bồi thường, hỗ trợ và thu hồi mặt bằng trong dự án đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật chính khu đô thị Hiệp Bình Phước lại dựa trên cơ sở là biên bản giá trị bồi thường lập ngày 4/1/2011, nhưng bà hoàn toàn không được biết đến biên bản này (? Do đó, người dân không thể nhận biết được căn cứ và cơ sở làm phát sinh số tiền bồi thường, hỗ trợ thu hồi đất”.

Còn ông Châu bức xúc: “Quyết định 192 đã nêu số tiền bồi thường hỗ trợ nhưng tại quyết định này không nêu vị trí thửa đất thu hồi thuộc thửa nào, tờ bản đồ số, diện tích đất tôi bị thu hồi là bao nhiêu và căn cứ vào đâu để xác định giá trị bồi thường cho tôi?”

Cưỡng chế khi chưa giải quyết đơn khiếu nại?

Trong lúc người dân đang nộp đơn khiếu nại thì ngày 12/5/2011, UBND quận Thủ Đức lại ban hành quyết định 2688/QĐ-UBND cưỡng chế hành chánh đối với 16 hộ dân, mặc cho người dân đang trông chờ vào văn bản trả lời giải quyết khiếu nại về các khoản bồi thường mà họ cho là xâm phạm đến quyền lợi hợp pháp của mình.

Dự án KĐT Hiệp Bình Phước: Nhiều “khuất tất” trong đền bù giải tỏa | ảnh 2
Người dân chỉ còn biết đứng nhìn khi bị cưỡng chế.

Theo quyết định cưỡng chế này, buộc các hộ dân phải di chuyển phần mộ ra khỏi khu đất bị thu hồi và bàn giao mặt bằng cho Công ty Vạn Phúc để thực hiện dự án đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật chính khu đô thị Hiệp Bình Phước.

Vị trí, diện tích đất thu hồi do ban bồi thường giải phóng mặt bằng và chủ đầu tư xác định.

Việc cưỡng chế đã gây bức xúc hoang mang cho người dân ở khu vực này. Bởi trước đó, các hộ dân đã gửi đơn khiếu nại các quyết định chi trả của UBND quận Thủ Đức và chính quyền địa phương cũng đã tiếp nhân hồ sơ khiếu nại. Tuy nhiên, hơn 3 tháng trôi qua, UBND quận Thủ Đức đã không giải quyết khiếu nại mà ban hành quyết định cưỡng chế hành chánh đối với các hộ không chấp nhận mức bồi thường.

Tại thời điểm cưỡng chế, các hộ dân có đất chỉ còn biết lặng người đau xót chứng kiến mộ người thân bị bốc dỡ. Họ chấp hành quyết định của nhà nước mà lòng không phục.

Ông Trần Xân nghẹn ngào nói: “Gia đình chúng tôi đồng tình việc nhà nước thực hiện dự án, tuy nhiên mức hỗ trợ thiệt hại quá thấp làm quyền lợi của chúng tôi thiệt thòi. Chúng tôi đã khiếu nại xin nâng mức bồi thường, hỗ trợ thiệt hại, chính quyền chưa ban hành quyết định giải quyết khiếu nại lại ban hành quyết định cưỡng chế!”.

16 hộ dân đang rất mong chờ các cấp có thẩm quyền phê duyệt lại phương án bồi thường đúng theo qui định của pháp luật để đời sống người dân không rơi vào cảnh chật vật khó khăn, vì số tiền bồi thường không thể tìm được nơi ở mới, còn những người dân lâu nay vẫn sống bám vào ruộng đồng lại rơi vào cảnh không biết tiến thoái ra sao khi đất vườn bị giải tỏa?.

Điều 11 Nghị định 69/2009 NĐ – CP ngày 13/8/2009 của Chính phủ quy định:

Khi nhà nước giao đất có thu tiền sử dụng đất không thông qua hình thức đấu giá quyền sử dụng đất hoặc đấu thầu dự án có sử dụng đất, cho thuê đất, sẽ phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ tái định cư khi nhà nước thu hồi đất.

Trường hợp DNNN tiến hành cổ phần hóa lựa chọn hình thức giao đất mà giá đất do UBND cấp tỉnh qui định tại thời điểm giao đất, cho thuê đất, thời điểm quyết định thu hồi đất, thời điểm tính giá đất vào giá trị doanh nghiệp cổ phần hóa chưa sát với giá chuyển nhượng quyền sử dụng đất thực tế trên thị trường trong điều kiện bình thường thì UBND cấp tỉnh căn cứ vào giá chuyển nhượng quyền sử dụng đất thực tế trên thị trường để xác định lại giá đất cụ thể cho phù hợp.

(Theo PLVN)

  • 0
  • By Admin
  • 12/09/2011
  • 17