Dự án Ba Lai (Bến Tre): "Né” bồi thường bằng cách xin điều chỉnh thiết kế
Tháng 7/2011, Pháp Luật Tp.HCM có bài phản ánh việc hơn 220 hộ dân điêu đứng vì tỉnh này đột ngột tạm hoãn trả tiền bồi thường các gói thầu số 6, 7, 8 giai đoạn hai của dự án nạo vét thượng nguồn sông Ba Lai (thuộc dự án ngọt hóa Bắc Bến Tre). Lý do được cơ quan chức năng đưa ra là thiếu vốn. Sau đó, ông Lê Phong Hải, Giám đốc Sở NN&PTNT Bến Tre, chủ đầu tư dự án đã làm việc với UBND huyện Châu Thành để bàn các giải pháp tháo gỡ.Đề xuất nạo vét kiểu “đầu voi đuôi chuột”
Tại buổi làm việc, ông Hải đề xuất lấy ý kiến để làm tờ trình gửi các cấp có thẩm quyền xin điều chỉnh thiết kế theo hướng bóp hẹp lòng sông lại. Điều này nhằm giảm bớt một khoản tiền khá lớn phải chi cho việc bồi thường, giải phóng mặt bằng. Cụ thể: Ở nhánh chính của sông Ba Lai (gói thầu số 5, thuộc địa phận các xã Quới Thành, Thành Triệu, Phú Đức, đã khởi công trước tết Nguyên đán 2011), đáy sông được nạo vét theo thiết kế rộng 30 m. Còn các gói thầu số 6, 7, 8 (đang ngưng trệ vì thiếu vốn, cũng có thiết kế tương tự) bị đề nghị thu hẹp đáy sông chỉ còn 15 m.Khu đất của ông Nguyễn Văn Phận (xã Thành Triệu) thuộc gói thầu số 6 bỏ hoang hơn 15 tháng qua vì dự án Ba Lai chậm triển khai. Ảnh: T.PHÚC |
Theo ông Phạm Công Đoàn, Giám đốc Trung tâm Phát triển quỹ đất kiêm Trưởng ban Bồi thường giải phóng mặt bằng huyện Châu Thành, việc điều chỉnh thiết kế sẽ tạo thêm khó khăn cho địa phương. Bởi khi đó khâu xác định mốc giới giải tỏa, kê biên áp giá bồi thường… sẽ phải làm lại từ đầu. Phải mất thêm một thời gian điều chỉnh nữa người dân mới được nhận tiền bồi thường. Như vậy, nhiều hộ đã vay mượn ngân hàng để mua đất sản xuất, di dời nhà cửa, bàn giao mặt bằng cho dự án thi công sẽ tiếp tục è cổ trả lãi vay.
Ngoài ra, đề xuất nêu trên còn bị người dân phản ứng khá gay gắt do ảnh hưởng đến quyền lợi của họ. Lý do là nhiều hộ trước đây đã đồng thuận tự đốn bỏ cây cối, di dời nhà ở… để bàn giao mặt bằng cho dự án. Nếu chủ trương thu hẹp diện tích giải tỏa được thông qua, ai sẽ bồi thường thiệt hại cho phần đất đã bỏ hoang còn lại?
Vẫn chưa đòi được tiền tạm ứng
Như đã thông tin, trong khi không đủ vốn bồi thường cho dân, trong năm 2010, Sở NN&PTNT tỉnh Bến Tre lại ứng trước 50% tổng giá trị trúng thầu cho ba nhà thầu thi công (gần 20 tỉ đồng). Tỉnh đã đề nghị chủ đầu tư thu hồi hơn 11,5 tỉ đồng nhưng đến nay các nhà thầu vẫn chưa chịu trả.Câu hỏi được đặt ra: Vì sao các nhà thầu lại được ưu ái ứng vốn đến 50%? Đại diện chủ đầu tư dự án Ba Lai cho biết: “Do trong năm 2010, nguồn vốn trung ương rót khá dồi dào, chúng tôi cứ tưởng năm 2011 cũng sẽ được cấp vốn đủ để tiếp tục thi công. Nhưng năm 2011, dự án chỉ được trung ương cấp vốn có 15 tỉ đồng, trong khi chi phí bồi thường giải tỏa mặt bằng phát sinh tăng vọt quá cao...”.
Một vấn đề nữa là hiện các nhà thầu chưa được bàn giao mặt bằng để thi công. Vậy họ sử dụng số tiền tạm ứng khá lớn vào việc gì? Về điều này, chủ đầu tư chỉ trả lời bâng quơ: “Thì dùng tiền để mua sắm vật liệu chuẩn bị thi công…”. Tuy nhiên, thực tế không ai biết vật liệu thi công được tập kết ở đâu, gồm những loại gì. Tính đến nay, số tiền tạm ứng đã được các nhà thầu cầm giữ hơn một năm và dù đã cam kết sẽ nộp lại 30% nhưng họ cứ liên tục khất hẹn.
Để gỡ khó cho người dân, ông Trần Văn Thọ, Chủ tịch UBND huyện Châu Thành, cho biết huyện vừa kiến nghị UBND tỉnh tạm ứng ngân sách chi trả 50% số tiền bồi thường cho tất cả hộ dân thuộc gói thầu số 6. “Chúng tôi mong việc thi công nạo vét khơi thông dòng sông Ba Lai diễn ra trôi chảy đúng theo thiết kế ban đầu. Hy vọng từ đây đến cuối năm 2011, tỉnh sẽ tìm được nguồn vốn để chi trả một phần tiền bồi thường cho các hộ dân”.
(Theo PLTP)
- 0
- By Admin
- 15/08/2011
- 17