Dự án BĐS thế chấp để bảo lãnh ngân hàng thuộc diện an toàn
Tại buổi tọa đàm "Thế chấp dự án: bình thường và bất thường" được tổ chức ngày 2/8 vừa qua, bà Vũ Thị Khuyên, Trưởng Văn phòng thường trực Ban chỉ đạo chính sách nhà ở và thị trường bất động sản (Sở Xây dựng thành phố) phân tích, rất khó xác định dự án đã thế chấp ngân hàng là dự án tốt hay không tốt. Bởi vì còn nhiều điều phải thẩm định liên quan đến một dự án nhà ở, chứ không phải chỉ phụ thuộc vào tiêu chí đang thế chấp ngân hàng. Những dự án vẫn được ngân hàng cấp vốn thì tạm hiểu là ở nhóm tốt. Nhưng cũng có những dự án không được tổ chức tín dụng cho vay nữa thì cần phải xem lại.
Song, bà Khuyên nhấn mạnh, theo quy định của Luật kinh doanh bất động sản sửa đổi, chủ đầu tư muốn bán nhà hình thành trong tương lai phải được ngân hàng bảo lãnh. Vì vậy, việc chủ đầu tư thế chấp sổ đỏ dự án trong trường hợp bảo lãnh này có thể xác định nằm trong nhóm an toàn. Bà Khuyên cho biết, trong những đợt công bố danh sách các dự án thế chấp sắp tới, Sở sẽ lưu ý vấn đề này để phân loại cụ thể hơn nhằm giúp người dân hiểu rõ tình trạng pháp lý của dự án.
Theo Sở Xây dựng, việc chủ đầu tư thế chấp sổ đỏ dự án trong trường hợp
bảo lãnh có thể xác định nằm trong nhóm an toàn
Đại diện Sở Xây dựng Tp.HCM cho biết thêm, thị trường bất động sản đã phát triển đến thời điểm đòi hỏi sự minh bạch cao. Nhưng muốn vậy thì chủ đầu tư phải minh bạch trước tiên. Bà Khuyên kêu gọi các chủ đầu tư nên chủ động công khai mọi tình trạng pháp lý của dự án cho khách hàng của mình nắm rõ trước khi cơ quan quản lý nhà nước công bố.
Liên quan đến trường hợp dự án thế chấp để thực hiện bảo lãnh ngân hàng, ông Lê Hùng Mạnh, Lãnh đạo Công ty Gia Hoà đề xuất nên phân loại rõ mục tiêu thế chấp dự án để tránh việc công luận hiểu nhầm. Vị này lý giải, dự án The Art do ông làm chủ đầu tư tại quận 9 là một trường hợp bị tiếng oan trong nhóm 77 dự án thế chấp công bố hồi tháng 7 vừa qua.
Theo ông Mạnh, dự án được mang đi thế chấp không phải để vay vốn mà vì mục đích bảo lãnh ngân hàng, muốn thực hiện đúng pháp luật, nhằm bảo vệ cho người mua theo quy định của Luật Kinh doanh bất động sản. Vì vậy, ông cảm thấy bức xúc vì thấy tên dự án của mình bị công bố cùng diện với các doanh nghiệp đang vay.
Có kinh nghiệm trong nghề được hơn 20 năm, ông Mạnh cho biết, cứ 3-5 năm lại thấy khủng hoảng một lần, và mỗi lần như thế những ai vay vốn ngân hàng đều cực kỳ khó khăn. Do đó, tôi rất ngại vay, chủ yếu là "liệu cơm gắp mắm". Rất mong việc công bố dự án thế chấp trong thời gian tới sẽ có sự chuẩn bị kỹ lưỡng nhằm hướng dẫn dư luận hiểu đúng vấn đề.
Về vấn đề này, ông Nguyễn Văn Đực, Phó giám đốc Công ty địa ốc Đất Lành kiến nghị, việc công bố danh sách dự án thế chấp ngân hàng nhằm mục đích minh bạch thông tin là tốt, tuy nhiên cách làm còn khuyết điểm. Ông Đực đề nghị Sở Xây dựng công bố thêm pháp lý dự án và Sở Tài nguyên môi trường công khai việc cấp giấy chứng nhận của từng dự án để người dân nắm rõ.
Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Tp.HCM đánh giá, việc công bố các dự án đang thế chấp vừa qua vẫn còn nhiều bất cập. Một là, cần cân nhắc công bố thông tin cá nhân thế chấp thì lo ngại vi phạm Luật Dân sự. Hai là, việc cập nhật tình trạng thế chấp và giải chấp chưa kịp thời. Trách nhiệm của cơ quan quản lý phải công bố và trách nhiệm doanh nghiệp cũng cần minh bạch vấn đề này.
Ba là, mới chỉ công bố 77 dự án trên tổng số 584 dự án đang triển khai, song trên thực tế rất nhiều doanh nghiệp huy động vốn mà chưa có giấy chứng nhận của Sở Xây dựng về việc đủ điều kiện huy động vốn. Do đó, công bố 77 dự án thế chấp dựa trên danh sách các dự án đủ điều kiện bán chưa phải là con số đúng và đủ.
Chính vì vậy, ông Châu đề nghị Sở Tài nguyên môi trường và Văn phòng đăng ký đất đai cân nhắc công bố thông tin các dự án thế chấp theo thời gian thực. Nâng cấp đường truyền để đáp ứng điều này nhằm đáp ứng nhu cầu minh bạch thông tin của người dân. Đồng thời, đề nghị Sở Tư pháp tham gia để cung cấp thêm thông tin về các dự án thế chấp quyền tài sản. Lãnh đạo hiệp hội kiến nghị Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo các ngân hàng thương mại giám sát việc thế chấp dự án. Thực tế, ngân hàng có trách nhiệm giám sát tài sản hình thành trong tương lai.
Ông Phạm Ngọc Liên, Giám đốc Văn phòng đăng ký đất đai Tp.HCM cho hay, ngay trong tuần này, các doanh nghiệp có rút bớt tài sản, mặc dù chỉ giải chấp một căn hộ cũng sẽ được cập nhật thông tin trên website, trường hợp doanh nghiệp có thể giải chấp toàn bộ dự án thì càng tốt.
Theo Giám đốc Văn phòng đăng ký đất đai Tp.HCM, trong lần cập nhật các dự án thế chấp sắp tới, tổ công tác sẽ cân nhắc chỉ nêu mã số căn hộ, ẩn danh thông tin cá nhân. Những ai có nhu cầu có thể đến Văn phòng đăng ký đất đai để được cung cấp.
Sau khi xem xét nhận thấy, một dự án nhà ở xuất hiện 3 loại tài sản hình thành trong tương lai. Thứ nhất là sở hữu riêng của người mua. Thứ hai là sở hữu riêng của chủ đầu tư. Còn lại là tài sản sở hữu chung. Sở sẽ khuyến khích chủ đầu tư đăng ký tách riêng từng loại tài sản khi thế chấp để tiện cho việc minh bạch thông tin.
Ông Liên nhận định, Tp.HCM cần một "nhạc trưởng" trong việc công bố thông tin dự án thế chấp. Như vậy, Sở ngành nào có nhiều thông tin liên quan thì đứng ra chủ trì. Đồng thời, thành phố cũng cần tập làm quen với việc minh bạch thông tin từng quy trình, từng khâu pháp lý của dự án.
Cũng theo ông Liên, UBND Tp.HCM vừa có văn bản trong tháng 8/2016 sẽ có tổ công tác kiểm tra các dự án có vướng mắc. Khi kết thúc nhiệm vụ sẽ báo cáo Uỷ ban và công bố thông tin để người dân được rõ.
- 0
- By Admin
- 03/08/2016
- 17