• 0933331087
  • nhadatgialai.company@gmail.com

"Đột nhập" nhà của người Peranakan ở Penang

“Vinh hoa năng sử gia thinh viễn – Dương diệu thiên giáo thế trạch long” (Vinh hoa có thể làm tiếng tăm gia đình truyền xa – Ánh dương sáng chói làm gia đình hưng thịnh), đôi liễn đậm văn hoá Á Đông ấy tôi đọc được trong ngôi nhà của một gia đình người Peranakan ở đảo rùa Penang, Malaysia. Ngôi nhà nay đã hơn 100 năm tuổi, được bảo tồn nguyên vẹn, là một phần của di sản trong phố cổ George Town.
 
Không gian đậm nét Á Đông trong trang trí nội thất của ngôi nhà người Peranakan. Các chi tiết trang trí là sự hoà trộn đa phong cách Á – Âu – thuộc địa trong ngôi nhà người Peranakan.

 
Theo tiếng Malaysia, Peranakan có nghĩa là “người lai”, thuộc thế hệ con cháu của người di dân. Người Peranakan còn có tên gọi khác là người Baba – chỉ nam giới, và người Nyonya – chỉ nữ giới. Người Peranakan hoà nhập rất nhanh với cộng đồng bản địa, giao thương buôn bán giỏi, trở thành tầng lớp giàu có, xây dựng phố xá, nhà cửa với một phong cách kiến trúc độc đáo, là sự pha trộn văn hoá của người Hoa di dân, cộng với nét văn hoá bản địa lẫn ngoại lai Âu châu dưới thời thuộc địa, đem lại một hình thái kiến trúc đặc biệt, đa dạng mà đồng nhất.

Hải Ký Sạn

Trong chuyến đến đảo rùa Penang theo đường bay của Silk Air (hãng hàng không trực thuộc Singapore Airlines) khởi hành từ Đà Nẵng, anh bạn đồng hành từng có hơn ba năm làm việc tại đảo rùa Penang, chia sẻ với tôi về câu chuyện người Peranakan bản địa, cùng lối kiến trúc nhà ở độc đáo của họ khiến tôi không khỏi tò mò. Bởi rằng cộng đồng người này tôi chưa từng nghe qua, thêm với những miêu tả về kiến trúc, hình thái nhà ở của họ trong phố cổ George Town – nơi kiến trúc cổ được UNESCO vinh danh là Di sản văn hoá – như một sức hấp dẫn kỳ thú mà nhất định tôi sẽ tìm đến để khám phá.

Ngôi nhà tiêu biểu của người Peranakan mà những người bản địa giới thiệu nên tìm đến chính là Hải Ký Sạn – Hai Kee Chan (tiệm buôn Hải Ký), toạ lạc ở số 29, đường Nhà Thờ trong khu phố cổ George Town. Nhìn từ ngoại thất, ngôi nhà mang đậm lối kiến trúc người Hoa, với lối xây dựng hình chữ “Khẩu” – bốn dãy nhà khép kín với nhau tạo thành khoảng không lớn ở giữa làm giếng trời (thiên tĩnh) để lấy sáng. Phần mặt tiền hướng ra đường Nhà Thờ, với vẻ ngoài đơn giản, kết cấu một trệt, một lầu, phân thành ba gian, gian chính có bức đại tự Hải Ký Sạn, các ô cửa bổ đều theo bố cục ba gian của ngôi nhà, sử dụng cửa lá sách trang trí – một nét dễ nhận trong kiến trúc thuộc địa miền nhiệt đới.

Phần cửa vào chính của ngôi nhà nằm ở dãy hông bên phải, bức đại tự Vinh Dương với đôi liễn diễn đạt ý nghĩa mà tôi đề cập ở trên, được phủ sơn đen trên nền thếp vàng trông rất sang trọng, tinh tế, với lối chạm trổ thuần khiết phong cách Á Đông rõ rệt qua các chi tiết như cuốn thư, con dơi, có cả dấu triện ghi rõ xuất xứ của chủ nhân ngôi nhà đến từ vùng Phước Kiến.

Sự hoà trộn Á – Âu

Hải Ký Sạn còn được gọi theo tên địa phương là Pinang Peranakan Mansion, một ngôi nhà tiêu biểu tượng trưng cho lối sống giàu có, hưng vượng của chủ nhân nó từ hơn một thế kỷ trước. Nếu như phần ngoại thất của Hải Ký Sạn khá giản đơn, không cầu kỳ các chi tiết trang trí, thì khi qua khỏi phần ngạch cửa nơi treo bức đại tự Vinh Dương, cả một không gian mới mở ra, lần lượt khiến tôi đi từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác. Nhìn xuống phần nền nhà, tôi thấy ở đó là chất liệu gạch men được nhập từ Anh quốc – một loại vật liệu mà người giàu có ở Penang thường sử dụng trong xây dựng nhà ở vào thời kỳ thuộc địa. Ở các không gian khác như phòng khách, phòng ăn, các bức đại tự, bao lam trang trí lại đem đến cho tôi một cảm xúc về một ngôi nhà Á Đông rõ rệt. Các đề tài hoa lá quen thuộc như Tuế hàn tam hữu (tùng – trúc – mai), Tứ thời (mai – lan – cúc – trúc)… với các cách thể hiện chạm lộng, chạm thủng, trổ miếng trên nền gỗ cực kỳ tinh xảo, khéo léo, mà qua đó, tôi hiểu thêm phần nào về sự giàu có, hưng vượng của gia chủ người Peranakan này.
 
 
 
Sử dụng vật liệu trong nội thất đa phần là gỗ, nhưng nét Âu – Á được thể hiện khá rõ nét ngay từ phần tiền sảnh ngôi nhà, đối diện với nhà ăn qua sân thiên tĩnh là tấm bình phong được chạm trổ rất tinh xảo án ngữ tà ma chướng khí. Vào không gian nhà ăn, chủ nhân lại sử dụng bàn ăn dài, điều này là khác biệt với lối sử dụng bàn ăn tròn kiểu Trung Hoa quen thuộc. Nhà ăn thoạt nhìn mang phong cách Á Đông với phần bao lam trang trí được thếp vàng óng, từng mảng chạm trổ đề tài được chú thích bằng những câu thơ Đường với lối thể hiện bằng thư pháp đầy tinh tế, nhưng các chi tiết khác như đèn chùm, tủ trưng làm từ gỗ tếch – một loại nguyên liệu châu Âu, đến bộ đồ ăn gồm các loại gốm sứ và thuỷ tinh của hãng Victorian… đều mang phong cách châu Âu. Tổng thể không gian này cứ nửa quen, nửa lạ, vừa Âu, vừa Á, nhưng tất cả được sắp xếp, bố cục rất hài hoà, hợp lý. Gian phòng ăn này là nơi để chủ nhân ngôi nhà dùng tiếp đãi những bữa tiệc mà khách mời là các thương buôn đến từ châu Âu.

Bảo tàng Baba – Nyonya

Không chỉ mang kiến trúc độc đáo, ngôi nhà của người Peranakan này cũng được gọi là bảo tàng Baba – Nyonya, với hơn 1.000 món cổ vật gắn liền với sự hình thành của ngôi nhà bao gồm các chất liệu như gỗ, gốm, sứ, thuỷ tinh, bạc… xuất xứ từ Trung Hoa, Anh, Scotland, và các nước châu Âu, được trưng bày trong các không gian sống như phòng ăn, phòng ngủ, phòng khách… tất cả đều giữ nguyên vị trí như ngày xưa chủ nhân sử dụng, đem lại một cái nhìn tổng thể phong phú và sinh động nhất về cuộc sống, nét sinh hoạt gia đình của người Peranakan khi xưa. Từ khoảng sân thiên tĩnh nối lên tầng một, nơi trưng bày các bộ sưu tập, khách phải đi qua một đoạn cầu thang gỗ, với các chấn song trang trí hoa văn bằng sắt mỹ thuật, có nguồn gốc từ Glasgow, Scotland, càng tôn lên vẻ sang trọng và quý phái của ngôi nhà. Những hiện vật bao gồm tranh, ảnh, thảm thêu, tượng thờ, gốm, sứ, thuỷ tinh… được sắp xếp trong từng không gian rõ rệt làm nổi bật sự giàu có của gia chủ.

Điểm nhấn của các gian phòng được nhiều người chú ý là các chi tiết nội thất của phòng ngủ và phòng trang điểm của quý bà, gọi là các Nyonya. Theo các nhà nghiên cứu ngôn ngữ, từ Nyonya dành để chỉ các người phụ nữ quyền quý, cao sang trong cộng đồng người Peranakan. Sự quý phái của chủ nhân ngôi nhà được thể hiện qua các trang phục thường ngày trưng bày trong các căn phòng, từ đôi hài kasot manek thêu các chi tiết trang trí hoa văn tinh xảo, đến các bộ xà rông nyonya kebaya làm từ gấm lụa cao cấp, áo choàng ngoài thêu hoa văn đa màu sắc trên nền lụa, được cài bằng các đinh ghim kesarong làm từ vàng hoặc bạc, được thợ kim hoàn chạm khảm trên đó các chi tiết trang trí tinh tế, bắt mắt.

Các hiện vật gắn liền với chủ nhân ngôi nhà, được tiếp cận ở khoảng cách gần nhất, trong không gian sống đặc trưng riêng của người Peranakan, tất cả được bảo tồn nguyên vẹn, và nay trở thành một điểm đến hấp dẫn, được tôn lên thành di sản không chỉ của riêng gia đình tiệm buôn Hải Ký, mà của cả phố cổ George Town, Penang, Malaysia.
 

Cầu thang là sự kết hợp Á – Âu trong trang trí, tạo điểm nhấn đẹp cho ngôi nhà.

 

 

Rất nhiều cổ vật được bảo tồn lưu giữ nguyên vẹn trong ngôi nhà người Peranakan.

 

Các chi tiết trang trí là sự hoà trộn đa phong cách Á – Âu – thuộc địa trong ngôi nhà người Peranakan.

 

Phòng ngủ của các Nyonya trong ngôi nhà người Peranakan.
  • 346
  • By Admin
  • 28/11/2012
  • 17