Dòng vốn ngừng "chảy", BĐS lao đao
Thị trường BĐS Việt Nam đang gặp khó khăn chưa từng thấy vì thiếu vốn. Các dòng tiền chính giúp thị trường BĐS phát triển và tạo ra những cơn sốt nhà đất giờ đây đều không còn “chảy” nữa. Thiếu tiền, nhiều dự án BĐS “dở sống dở chết”, phải đình trệ và đối diện nguy cơ bị khách hàng kiện tụng. Và, một câu hỏi đang khiến nhiều người băn khoăn là dòng tiền dành cho BĐS vốn như một dòng thác, nhất là dòng tiền trong dân chúng, mà ai cũng tin là rất nhiều ấy, giờ đang nằm ở đâu?4 dòng tiền cho BĐS đều chết yểu!
Không chỉ đến khi Ngân hàng Nhà nước đưa ra chính sách siết chặt tiền tệ, lĩnh vực BĐS mới thiếu vốn và gặp khó khăn. Bởi từ trước đó rất lâu, bài toán thiếu vốn đã khiến nhiều chủ dự án ăn không ngon, ngủ không yên khi phải tìm mọi cách “lách luật” huy động vốn cho dự án.Tuy nhiên, dù rất khó khăn về vốn, song tính thanh khoản của thị trường tốt, cộng với giá BĐS liên tiếp tăng cao nên các nhà phát triển dự án và kinh doanh BĐS vẫn cứ… sống khỏe!
Dòng tiền trong dân chúng còn nhiều nhưng thay vì đầu tư vào BĐS, chúng đang được gửi ngắn hạn trong các ngân hàng. |
Thế nhưng, từ khi chính sách siết chặt tiền tệ của Ngân hàng Nhà nước bắt đầu có hiệu lực, các ngân hàng gần như đã ngừng hẳn việc cho vay đầu tư BĐS. Vì thế, nhiều dự án BĐS mới triển khai và nhiều chủ dự án là những doanh nghiệp nhỏ mới bước vào đầu tư kinh doanh BĐS, ngay lập tức đã chịu ảnh hưởng. Không ít chủ dự án sau đó đã phải âm thầm bán dự án hoặc không thể triển khai dự án. Tình hình khó khăn khiến nhiều chủ dự án là những doanh nghiệp có tiềm lực kinh tế vững chắc cũng lao đao do không thể bán được hàng để quay vòng đồng vốn.
Ông Phạm Trung Hà, tổng giám đốc Hòa Phát Land cho rằng: ở thời điểm thị trường BĐS trong nước diễn ra những cơn sốt, nguồn tiền đổ vào thị trường này nhiều và mạnh như một dòng thác.
Ông Hà dẫn chứng thời điểm thị trường BĐS trên đà phát triển, có rất nhiều nguồn tiền đổ vào lĩnh vực này và nguồn nào cũng rất dồi dào. Cụ thể, có 4 dòng tiền lớn đổ vào BĐS: Dòng tiền từ vốn tự có của doanh nghiệp BĐS; Dòng tiền từ ngân hàng; Dòng tiền huy động từ khách hàng; và Dòng vốn hợp tác đầu tư.
Với dòng tiền từ vốn tự có, nhiều doanh nghiệp BĐS chỉ có rất ít và cũng phụ thuộc chủ yếu vào ngân hàng. Trong khi dòng tiền từ ngân hàng nay cũng không còn do chính sách siết chặt tiền tệ của Ngân hang Nhà nước. Còn với dòng tiền từ hợp tác đầu tư, do tình hình khó khăn, nhiều doanh nghiệp buộc phải thoái vốn, rút vốn khỏi dự án hợp tác, khiến nhiều dự án ngay lập tức lâm vào hoàn cảnh khó khăn, đình trệ.
Vì thế, theo ông Hà, hiện dòng tiền mà thị trường BĐS có được và các chủ dự án trông cậy chỉ là tiền huy động từ chính việc bán hàng tới khách hàng. Song, vì thị trường quá trầm lắng, đầu tư vào BĐS không có lợi nhuận nên người có tiền cũng không dám ném tiền vào BĐS.
Nhiều chủ dự án BĐS do thiếu tiền triển khai dự án đang phải chấp nhận đổi nhà để lấy… gạch, cát, xi măng! |
Tiền gửi trong ngân hàng, chủ dự án BĐS phải đổi nhà lấy… gạch!
Ông Nguyễn Đỗ Việt, Phó tổng giám đốc công ty cổ phần Sông Đà Thăng Long cũng khẳng định thời điểm hiện nay, mọi dòng tiền đầu tư cho BĐS đều đã bị “đóng van”.Ông Việt cũng thừa nhận, hiện hầu hết chủ dự án BĐS chỉ còn trông chờ vào nguồn tiền trong dân chúng. Song, với tình trạng thị trường BĐS trầm lắng và xuống dốc như hiện nay, việc đầu tư vào lĩnh vực BĐS không mạng lại lợi nhuận bằng việc gửi tiền vào ngân hàng. Vì thế, theo ông Việt, hiện phần lớn nguồn vốn là lượng tiền mặt khổng lồ trong dân đều đang “tạm trú” ở trong ngân hàng.
Ông Việt lấy dẫn chứng mới đây, một khách hàng cá nhân của Sông Đà Thăng Long tiết lộ ông đang có tới vài chục tỷ đồng gửi ngắn hạn trong ngân hàng và thu số tiền lãi khổng lồ định kỳ hàng tháng.
Cũng theo nhà đầu tư cá nhân này thì rất nhiều cá nhân khác có tiền cũng đang chọn cách gửi tiền ngắn hạn vào ngân hàng. Bởi với lãi suất cao ngất ngưởng hiện nay, việc gửi tiền trong ngân hàng thời điểm này vẫn là… lãi nhất.
Chưa biết nhận định phần lớn dòng tiền trong dân đang tạm trú trong ngân hàng là đúng hay sai. Nhưng với thị trường BĐS, việc người dân sở hữu tiền chưa chịu đầu tư vào BĐS khi thị trường trầm lắng khiến thị trường BĐS càng gặp khó. Đặc biệt, với những dự án mới triển khai hoặc đang có kế hoạch bán hàng , chủ dự án sẽ không thể bán được sản phẩm và huy động được vốn để triển khai dự án theo dự tính nữa. Vì thế, để tiếp tục triển khai dự án theo tiến độ, nhiều chủ dự án đang phải “chiếm dụng vốn” từ chính các nhà thầu của mình.
Cụ thể, theo ông Việt, rất nhiều chủ dự án BĐS hiện nay do thiếu tiền đã và đang phải thỏa thuận với những nhà thầu, như: nhà thầu thi công, nhà thầu cung cấp xi măng, gạch; nhà thầu cung cấp sắt thép… việc trả tiền công và tiền vật liệu bằng việc tráo đổi chính sản phẩm BĐS của dự án họ đang khởi công và đang cung cấp vật liệu xây dựng.
Và, vì không còn sự lựa chọn, nhiều nhà thầu cũng phải chấp nhận thỏa thuận này để chờ khi thị trường tốt hơn sẽ bán BĐS để thu hồi tiền vốn phục vụ sản xuất!
Thứ trưởng Bộ xây dựng Nguyễn Trần Nam: Muốn “cứu” thị trường, phải “siết” BĐS cao cấp! Trong bối cảnh hiện nay,nhiều công trình, nhiều dự án đã hoàn thành 70 đến 80%, bỗng bị ngừng cho vay, dẫn tới chậm tiến độ và ảnh hưởng tới tính thanh khoản. Nếu không tiếp tục được nhồi vốn, mọi thứ sẽ lửng lơ, dự án không được hoàn thiện. Vì vậy, trước mắt, nên duy trì việc cho vay, với lãi suất ổn dịnh đối với một số doanh nghiệp, dự án, công trình theo các tiêu chí định sẵn. Chẳng hạn, các dự án đạt tỷ lệ hoàn thành từ 75 đến 80%. Các dự án có quy mô nhỏ và vừa với mức giá thấp và dễ dàng tiêu thụ. Hay các doanh nghiệp có uy tín, có tỷ lệ nợ xấu thấp và sản phẩm có tính thanh khoản cao trên thị trường. Tuy nhiên, ông Nam nhấn mạnh tuyệt đối không cho vay đối với những dự án bất động sản cao cấp, xa xỉ. |
(Theo Phunutoday)
- 0
- By Admin
- 24/06/2011
- 17