Dòng tiền chực chờ mua căn hộ đang bị chặn lại
Lại hội thảo
Vào tuần cuối của tháng 4/2012, không khí thị trường bất động sản ở Hà Nội vẫn sôi động hơn hẳn Tp.HCM. Nhưng sôi động như thế nào?
Tối thiểu, sự sôi động cũng diễn ra trên phương diện… hội thảo.
Cuộc hội thảo gần nhất ở Thủ đô có tiêu đề “Diễn đàn BĐS 2012: Cơ hội trong khủng hoảng” do Hiệp hội BĐS Việt Nam phối hợp với VCCI và Bộ Xây dựng cùng tổ chức. Trước đó, vài ba cuộc hội thảo khác cũng diễn ra ở Hà nội, đề cập đến những chủ đề hoàn toàn không mới như giải pháp tìm vốn cho BĐS…, điều mà người ta có thễ nhận ra như một sự lặp lại của tháng 8/2011.
Sự giống nhau về nội dung của các cuộc hội thảo năm nay và năm ngoái cũng phản ánh một hiện thực chán ngắt của thị trường: vẫn chưa có gì được cải thiện. Vẫn chỉ là những đề xuất, giải pháp mà mới đọc qua tưởng như mới, nhưng nhìn kỹ lại mới thấy hầu hết là những giải pháp đã từng được kiến nghị. Thậm chí có những giải pháp đã được nêu trong Chỉ thị số 2196 của Chính phủ về tăng cường quản lý thị trường BĐS, ban hành vào đầu tháng 12/2011, nhưng nay vẫn được các chủ đầu tư hồn nhiên nêu ra.
Điểm khác biệt có lẽ là duy nhất giữa hai thời kỳ hội thảo năm 2011 và 2012 là vào lần này, số chuyên gia và chủ đầu tư mạnh miệng nhận định về việc thị trường lập đáy đã nhiều hơn hẳn. Một số cụm từ hoặc khái niệm được nhấn mạnh như “vùng đáy”, “”đứt gãy của đáy”, “chu kỳ hồi phục bắt đầu”… Chỉ có điều, vẫn chưa một nhận định nào dám chắc chắn về “điểm đáy” của thị trường BĐS.
Với các chủ thể và khách thể của thị trường này, hoàn toàn không có gì ngạc nhiên khi hiện tượng lập đáy của thị trường đang được nhấn nhá với một thái độ sốt ruột. Bởi sự ngạc nhiên đã đến từ trước đó - đầu tháng 4/2012, khi chính Ngân hàng nhà nước, chứ không phải Bộ Xây dựng, đã phát đi thông điệp về “giải cứu BĐS”.
Cần nhắc lại, ngay sau khi thông điệp trên lan tỏa, có vẻ như một làn gió mới đã thổi qua vùng đất phía Đông sông Hồng. Lần này, không phải các dự án Geleximco, Bắc An Khánh hay Vân Canh một thời đã nổi đình đám, mà chính là Long Biên và Gia Lâm mới là những địa danh được giới đầu cơ BĐS Hà Nội đồn đoán về cận cảnh “sóng”.
Nhưng dường như mọi việc lại không khác với hình ảnh thân cô thế cô của dự án Vân Canh vào tháng 9/2011. Cho dù giá đất khu vực phía Đông Hà Nội quả thực không giảm mạnh trong suốt cả năm qua, nhưng hiện tượng giá tăng lại mà không kéo nổi lượng giao dịch tăng theo cũng chẳng mang tính thuyết phục gì lắm. Mối quan hệ bất tương xứng như thế khiến người ta phải hình dung lại vụ việc Vân Canh đã được nhóm đầu cơ đánh lên thế nào, khi chỉ trong một tháng mà giá đã tăng đến 20-25%; nhưng ngay sau đó giá lại tuột xuống; với cả hai chiều lên và xuống đều… không có giao dịch.
Căn hộ tiếp tục vô vọng
Cho đến nay, ba tuần sau khi BĐS được lên tiếng giải cứu, hình như mọi việc vẫn giậm chân tại chỗ. Đất nền và căn hộ - hai phân khúc mà giới đầu cơ lẫn đầu tư thứ cấp bị “kẹp hàng” nặng nhất, vẫn không hề có chuyển biến theo cách có thể khuyến dụ được sức mua. Bất chấp lãi suất huy động và cả lãi suất cho vay đang được dần kéo giảm, lực cầu vẫn chần chừ, vẫn tiếp tục… chờ đợi.
Riêng với phân khúc căn hộ trung cấp và cao cấp, trong bối cảnh toàn bộ thực trạng tiêu thụ vẫn gần như bằng 0, một cú giáng bồi lại đến từ Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai (HAG). Cũng cùng thời điểm diễn ra những cuộc hội thảo về “cơ hội BĐS” ở Hà Nội, tại cực phía Nam, ông Đoàn Nguyên Đức đã phát đi một ý định mà ngay lập tức gây chấn động làng đầu tư: sẽ giảm giá 50% căn hộ ở hai khu vực quận 7 và quận 8.
Cho dù kế hoạch đại hạ giá trên chỉ có thể so sánh với những dự án trong cùng khu vực hoặc cùng vị trí, nhưng nhất thời, hàng loạt giao dịch dự kiến mua căn hộ ở Hà Nội đã bị khách hàng hoãn lại vô thời hạn. Rõ ràng, một hệ quả đương nhiên từ “cú sốc Hoàng Anh Gia Lai” đã xảy ra: dòng tiền chực chờ vào phân khúc căn hộ đã bị chặn lại.
Với tình hình thị trường tại Tp.HCM, không có gì rõ ràng hơn là trong ít ra vài ba tháng tới, các dự án căn hộ vẫn bất động hoàn toàn. Người dân có nhu cầu mua nhà lại được khuyến khích bởi triển vọng giá nhà sẽ còn giảm hơn nữa, không chỉ của Hoàng Anh Gia Lai mà tất nhiên còn ở nhiều dự án khác, của nhiều chủ đầu tư khác. Bất chấp những ý kiến tỏ ra không hài lòng với “chiêu phá giá”, có lẽ ông Đoàn Nguyên Đức vẫn ung dung thực hiện ý tưởng của mình, như việc tương tự mà ông đã làm vào đầu năm 2009.
Chính vì động thái khá trái ngược của Hoàng Anh Gia Lai mà những cuộc hội thảo gần đây ở Hà Nội về thị trường BĐS lại bị giảm tương đối cái tác dụng đáng lý phải có của nó. Một trong những giải pháp được các doanh nghiệp BĐS Hà Nội mong ngóng nhất là kế hoạch cụ thể về việc Nhà nước sẽ mua lại nhà chung cư. Song đến nay, có vẻ như giải pháp này vẫn còn quá chơi vơi.
Sau thời gian đầu ồn ào, báo chí lại bất ngờ lắng lại với câu hỏi: tiền đâu để mua nhà chung cư? Cứ cho là Nhà nước có thiện chí trong việc này và muốn kích cầu thị trường bằng chính tiền của mình, nhưng vấn đề quan trọng hơn cả là lấy nguồn nào từ ngân sách. Trong khi đó, ai cũng biết rõ là nền kinh tế đang ngập chìm trong vô vàn khó khăn, và trừ khối ngân hàng, có lẽ gần hết các doanh nghiệp còn lại đều cực kỳ khan hiếm tiền mặt. Vào năm 2012 này, cho dù kinh tế bị suy thoái nặng, nhưng một gói kích cầu như năm 2009 là gần như không thể…
Ở Tp.HCM, chủ trương mua lại vài chục ngàn căn hộ còn được chính quyền thành phố này khẳng định rõ rệt hơn cả Hà Nội. Tuy nhiên, chỉ mới sơ bộ một kế hoạch định mua lại 700 căn hộ ở quận 8 mà chính quyền quận đã lắc đầu chào thua vì không có ngân sách, thì không biết vài chục ngàn căn hộ kia sẽ được thỏa mãn bằng nguồn vốn nào.
Giờ đây, các chủ đầu tư chỉ còn trông chờ vào tháng 5/2012, với hy vọng là Chính phủ và Ngân hàng nhà nước sẽ có động tác nào đó “quyết liệt” hơn trong thúc đẩy tăng trưởng tín dụng, và do đó hầu mong dòng tiền sẽ châm chước đôi chút đến phân khúc căn hộ.
(Theo Vietstock)
- 0
- By Admin
- 02/05/2012
- 17