Đồng thuận chủ trương mở rộng cho người nước ngoài mua nhà
“Cần quy định chặt về kinh doanh bất động sản hình thành trong tương lai”
Ông Nguyễn Đình Thơ, Ủy viên Ban Thường vụ Liên đoàn luật sư Việt Nam, Chủ nhiệm Đoàn luật sư tỉnh Khánh Hòa
Tôi cho rằng, quy định mở rộng việc cho phép các chủ đầu tư kinh doanh bất động sản được cho thuê, cho thuê mua bất động sản hình thành trong tương lai là rất tốt, nhằm tạo điều kiện cho bên thuê bất động sản chủ động tham gia với chủ đầu tư trong việc hoàn thiện thiết kế, tránh tình trạng phải cải tạo, sửa chữa cho phù hợp với mục đích thuê gây tốn kém, lãng phí. Tuy nhiên, cần phải quy định rõ quyền và nghĩa vụ đối với các bên trong thời gian thuê, thuê mua bất động sản hình thành trong tương lai, để đảm bảo quyền lợi cho các bên.
Ảnh minh họa
Đối với hình thức bán, cho thuê, cho thuê lại, cho thuê mua bất động sản hình thành trong tương lai rất dễ nảy sinh tranh chấp. Do đó, tôi kiến nghị, cần có các quy định chặt chẽ trong Dự thảo Luật về vấn đề này, nhất là các quy định liên quan đến bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của bên mua, thuê, thuê lại, thuê mua bất động sản.
Ông Đặng Hùng Võ, Nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường |
“Nên mở cho người nước ngoài mua nhà từ lâu”
Đến bây giờ, Dự thảo Luật Nhà ở và Luật Kinh doanh bất động sản mới được sửa đổi theo hướng mở cửa cho người nước ngoài và Việt kiều được mua nhà tại Việt Nam là quá chậm. Tôi cho rằng, lẽ ra ta phải mở từ lâu, chứ không phải chờ bất động sản đóng băng mới làm theo giải pháp tình thế, bởi đó là một điều kiện của một nền kinh tế hội nhập để chúng ta tăng xuất khẩu bất động sản tại chỗ.
Có người lo rằng, chính sách này sẽ xuất hiện tình trạng đầu cơ, gây bong bóng bất động sản. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, chúng ta mở từ 2009 đến giờ mà vẫn chưa đáp ứng được đến 1/4 lượng cầu.
Theo tôi, đừng nên sợ chuyện sốt giá bất động sản, vì khi chưa có chính sách này, thị trường đã từng sốt rồi. Để tránh bong bóng, phải thay đổi chính sách thuế, cơ chế quản lý dân cư, rồi quản lý thị trường giữa khu vực chính thức và không chính thức…
Trong trường hợp chúng ta sửa luật, nhưng chính sách thuế lại không được điều chỉnh hợp lý, bên cạnh đó, luật mới lại không tương đồng với Luật Đất đai vừa được Quốc hội thông qua, vốn không đề cập đến việc cho người nước ngoài mua nhà, chắc chắn sẽ có nhiều tiêu cực.
Chỉ có một cách duy nhất là đặt mọi vấn đề lên bàn và xem xét từ chính sách quy hoạch, chính sách tài chính, gồm góc độ thuế, định giá và tín dụng. Thuế nhà ở phải được xem xét cùng với Luật Nhà ở. Tất cả phải được cân đối với nhau một cách toàn diện, để tạo ra sự công khai, minh bạch của thị trường.
“Mở rộng cho người nước ngoài mua nhà chỉ có lợi nhiều hơn”
Ông Vũ Cương Quyết, Tổng giám đốc CTCP Dịch vụ địa ốc Đất Xanh Miền Bắc |
Theo tôi được biết, ở những quốc gia phát triển đều cho phép người nước ngoài có thể mua nhà thoải mái. Việc cho phép người nước ngoài mua nhà cũng là xu hướng chung ở các nước. Trong khi đó, Việt Nam đã gia nhập WTO và nhiều tổ chức kinh tế khác, nên việc theo xu hướng chung của thế giới là đương nhiên. Theo tôi, việc nới lỏng điều kiện mua nhà cho người nước ngoài chỉ có lợi nhiều hơn, bởi tài sản bất động sản không thể mang vác đi đâu được. Mặt khác, người nước ngoài mua nhà tại Việt Nam lại chủ yếu tập trung phân khúc cao cấp, có khi lên đến 5.000 - 8.000 USD/m2, mà phân khúc này hiện tồn kho rất lớn. Nếu giải quyết được lượng hàng tồn này, sẽ kích cầu nhiều lĩnh vực khác của nền kinh tế.
Để hạn chế yếu tố đầu cơ hay ảnh hưởng đến quốc phòng an ninh như lo ngại của một số người, theo tôi, chúng ta có thể đưa ra một số điều kiện mềm về thuế, phí...
“Người nước ngoài kinh doanh bất động sản phải có điều kiện”
Ông Nguyễn Đình Chiến, Chủ nhiệm Đoàn luật sư Thành phố Hà Nội
Nếu nhìn ở khía cạnh đơn thuần, thì việc cho phép các tổ chức, cá nhân nước ngoài, người Việt Nam định cư ở nước ngoài kinh doanh bất động sản thì không có vấn đề gì, bản thân tôi cũng hoan nghênh. Tuy nhiên, cũng phải tính toán, nghiên cứu cẩn thận, chứ không thể hoàn toàn không kèm theo điều kiện gì. Đặc biệt là bất động sản ở vùng nhạy cảm, như khu vực biên giới, cạnh khu căn cứ quân sự, các trung tâm chính trị lớn, thì không nên để người nước ngoài kinh doanh mua nhà và sở hữu nhà để đảm bảo mặt quốc phòng an ninh.
Mặt khác, nhiều nước cũng không hoan nghênh trên đất nước họ có những khu vực toàn bộ là người nước ngoài, làm cho bản sắc dân tộc của họ tại vùng ấy bị ảnh hưởng. Hiện nay, ở Việt Nam cũng bắt đầu hình thành các khu phố Hàn, phố Nhật…, nên chúng ta cần phải cân nhắc những điều kiện với các đối tượng là người nước ngoài muốn đầu tư kinh doanh bất động sản ở Việt Nam.
“Mở rộng cho người nước ngoài mua nhà sẽ có nhiều mặt lợi”
Ông Trần Như Trung, Phó tổng giám đốc Tân Hoàng Minh Group |
Tôi hoàn toàn thông cảm với những lo ngại việc nới lỏng cho người nước ngoài mua nhà có thể ảnh hưởng đến an ninh quốc phòng, bởi đây là mục tiêu trên hết của mọi quốc gia. Tuy nhiên, kinh tế hiện nay cũng là vấn đề quan trọng. Nếu bất động sản xác nhận được người nước ngoài là thành phần bình đẳng như các thành phần khác, thì việc mở rộng điều kiện mua nhà cho người nước ngoài sẽ có những đóng góp rất lớn cho nền kinh tế.
Chính sách này, trong ngắn hạn sẽ gửi thông điệp tích cực đến thế giới, rằng Việt Nam đã rất cởi mở. Khi đó, sẽ thu hút được thêm dòng vốn nước ngoài, khuyến khích người nước ngoài làm việc tại Việt Nam lâu hơn, việc chi tiêu của họ cũng cởi mở hơn, dẫn tới thúc đẩy nhiều lĩnh vực dịch vụ khác phát triển theo. Trong khi về mặt dài hạn, chúng ta không thể cưỡng lại được quá trình toàn cầu hóa.
Tôi thấy một số nước đưa ra một số giải pháp rất hay. Chẳng hạn, người nước ngoài mua nhà phải thỏa mãn các điều kiện về mặt tiền tệ trong tài khoản. Có những nơi, tại khu vực có bãi biển, người ta có chính sách rõ ràng thu hút nhóm khách hàng đã về hưu…
“Mở rộng cho người nước ngoài mua nhà là rất tốt, nhưng phải quản lý được”
Ông Nguyễn Thế Điệp, Chủ tịch HĐQT CTCP Reenco Sông Hồng |
Tôi cho rằng, việc nới lỏng cho người nước ngoài mua nhà cũng giống việc chúng ta tuân thủ theo các quy tắc thị trường. Việc làm này là tốt, đúng theo quy trình hội nhập kinh tế và đúng với thông lệ quốc tế, đặc biệt với tình hình thị trường bất động sản ở ta còn nhiều khó khăn như hiện nay. Vì thế, theo tôi, việc đưa ra một cơ chế thông thoáng cho người nước ngoài mua nhà cũng là đương nhiên. Tuy nhiên, việc nới lỏng tới đâu cho người nước ngoài mua và sở hữu nhà, chúng ta cũng cần phải xem lại.
Tôi thấy các ý kiến lo ngại của đại biểu Quốc hội về quốc phòng an ninh khi mở rộng việc cho người nước ngoài mua nhà không phải không có cơ sở. Bởi vì, địa chính trị của Việt Nam không giống như Malaysia hay Singapore, những quốc gia có thể mở hết cỡ. Vì thế theo tôi, nếu nới cho người nước ngoài mua nhà, chúng ta cần phải xem lại chính sách luật cư trú.
Chẳng hạn, nếu chúng ta nới lỏng cho người nước ngoài mua nhà, thì luật cư trú phải siết lại cho phù hợp. Song với Việt kiều thì theo tôi, chúng ta vẫn cần mở rộng, bởi Việt kiều, dù đi đâu, xa đến mấy, cũng đều hướng về quê hương và muốn đầu tư ở quê hương, vì thế, không nên siết đối với đối tượng người Việt kiều.
Việc đưa ra được chính sách phù hợp, tạo điều kiện cho người nước ngoài mua nhà, theo tôi, thế giới sẽ đánh giá rất cao. Chính sách này cũng tạo điều kiện thu hút đầu tư nước ngoài, bởi nhà đầu tư khi đầu tư vào bất động sản Việt Nam, cái họ hướng đến không chỉ khách hàng trong nước.
- 0
- By Admin
- 03/06/2014
- 17